Thứ hai, 00/00/2023
°

Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm việc với các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên

Ngày 13/07/2019 - 09:22:00 | 2246 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 12/7/2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã có buổi làm việc với 10 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các thành viên Tiểu ban, lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Đây là cuộc làm việc thứ 3 của Tiểu ban với các địa phương nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, miền Trung, Tây Nguyên có vị trí địa lý, vai trò kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại quan trọng và trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển đất nước. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng… Dân số của vùng trên 12 triệu người, chiếm gần 13% dân số cả nước, chiếm 1/4 diện tích cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, cây công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các địa phương còn đối diện với một số thách thức như phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu… vượt quy hoạch, ảnh hưởng đến nước tưới, giảm năng suất, dư thừa cung. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, nhất là quản lý rừng, nông lâm trường chưa đạt hiệu quả. Giao thông nội vùng và đối ngoại nhìn chung còn thiếu và yếu, do đó, chi phí vận chuyển cao, sức cạnh tranh giảm, khó thu hút đầu tư và gây khó khăn trong hợp tác vùng. Thiếu cơ chế liên kết vùng hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp trong vùng còn thấp…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Chinhphu.vn

Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương phát biểu ý kiến tâm huyết, thắng thắn để Tiểu ban nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Đây là những văn kiện quan trọng để khẳng định trong 5-10 năm tới và tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam phải làm gì và đạt đến trình độ nào trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các địa phương phải nêu lên một số vấn đề như nét nổi bật, kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt là những cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công mới, những nút thắt và vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Từ đó, đề xuất phương hướng, mục tiêu phát triển địa phương, vùng và cả nước.

Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành phát biểu, giải thích cho các địa phương về những vướng mắc, điểm nghẽn chủ yếu hiện nay như vấn đề đất đai, tài nguyên, đầu tư công, tín dụng, hạ tầng, thủ tục hành chính nhằm góp phần giải quyết kiến nghị của địa phương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến của nhiều địa phương đề cập đến vấn đề liên kết vùng, phối hợp triển khai quy hoạch vùng và các quy hoạch quốc gia trên địa bàn vùng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nhằm hình thành mạng lưới phân phối, cần phải có quy hoạch phát triển những trung tâm công nghệ cao trên địa bàn Tây Nguyên cũng như quy hoạch phát triển du lịch theo thế mạnh của mỗi vùng…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tây Nguyên cũng như các tỉnh miền Trung cần phải phát triển bền vững, khôi phục, phát triển kinh tế rừng. Thủ tướng nhất trí với các đề xuất cần nghiên cứu phân vùng miền Trung và Tây nguyên hợp lý hơn, cũng như cần có cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn và cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả, có doanh nghiệp làm nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân là chủ thể; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm; quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tháo gỡ nút thắt trong phát triển trong những năm tới nhằm tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược đã được đề ra.

10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và 5 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Đây được coi là vùng có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, cảng biển và nông nghiệp./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác