Thứ hai, 00/00/2023
°

Việt Nam đang trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Ngày 23/10/2019 - 08:57:00 | 179 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xây dựng Báo cáo đánh giá đa chiều (MDCR) nhằm góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030. Để thảo luận về các nội dung liên quan đến MDCR, ngày 22/10/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm giữa Tổ Biên tập của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội với Nhóm chuyên gia nghiên cứu của OECD. Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung tham dự và phát biểu tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Báo cáo MDCR do Nhóm Nghiên cứu của Bộ phận Đánh giá đa chiều thuộc Trung tâm Phát triển của OECD chủ trì xây dựng, được thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ và sự hỗ trợ của Quỹ Hanns Seidel. Báo cáo được bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 02/2019. Cho đến thời điểm hiện tại, tiến trình xây dựng Báo cáo đã hoàn thành giai đoạn 1: đánh giá sơ bộ (tháng 02-5/2019), giai đoạn 2: phân tích sâu, đề xuất chính sách (tháng 6-9/2019) và hiện đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối - giai đoạn 3: xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào khuyến nghị các chính sách và kế hoạch hành động. Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn thành và công bố vào khoảng tháng 3/2020.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%. Tính đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 245 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, điển hình thể hiện ở năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao, chưa thực sự dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng - một trong những chương trình cải cách trọng tâm của Việt Nam vẫn chưa đạt bứt phá như kỳ vọng. Trong khi đó, sự tiến bộ về xã hội vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế. Suy thoái môi trường đi cùng với tăng trưởng đang là những vấn đề thách thức tính bền vững của mô hình phát triển của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, những thành công đạt được trong quá trình phát triển đến nay đặt ra nhiều kỳ vọng lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong hoạch định con đường phát triển của tương lai, nhằm hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Việt Nam đang xây dựng các dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, thực hiện theo các cam kết của Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ; có thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 10.000 USD.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng, MDCR sẽ là một nghiên cứu đầu vào hữu ích, không chỉ góp phần hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trình Đại hội XIII của Đảng, mà còn giúp xác định các phương hướng, giải pháp khả thi nhằm phát triển nền kinh tế Việt Nam đang trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của mình.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tại Tọa đàm, Nhóm Nghiên cứu của OECD đã trình bày về các kết quả nghiên cứu của Báo cáo Đánh giá quốc gia đa chiều đã được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 02 đến tháng 9/2019 để các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện cũng như đề xuất các khuyến nghị, kế hoạch hành động và xác định các chỉ số đánh giá kết quả chính (KPI) nhằm theo dõi quá trình thực hiện.

Theo đó, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những chính sách nhằm xây dựng một nền kinh tế hội nhập, hiệu quả và bền vững thông qua những đánh giá, các khuyến nghị chính sách liên quan đến thu hút FDI chất lượng cao và hỗ trợ thiết lập các mối liên kết; Cải thiện môi trường kinh doanh để tạo ra kết nối chặt chẽ; đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng để nâng cao kỹ năng và tạo ra sự đổi mới sáng tạo; vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế và cải cách doanh nghiệp nhà nước; khung pháp lý trong lĩnh vực môi trường hoạt động hiệu quả và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi xanh.

Theo đánh giá của OECD, hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (tính theo tỷ trọng thương mại GDP) và đạt tốc độ tăng trưởng cao, là một trong những quốc gia mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đạt được kết quả tốt về phát triển con người và xã hội bao trùm, trong đó có thành tựu ấn tượng về giảm nghèo, mức sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Đối với mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao và hỗ trợ thiết lập các mối liên kết, OECD cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia rất thành công trong thu hút FDI và Việt Nam có thể tận dụng FDI tốt hơn để phát triển bền vững. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục có khung chính sách mới để thu hút FDI. Từ những phân tích, đánh giá, OECD đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thu hút FDI cũng như tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp.

Phát biểu thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao những nội dung báo cáo của OECD. Báo cáo đã nêu được khá nhiều vấn đề so với báo cáo ban đầu. Các nội dung của Báo cáo nhằm mục đích nâng cao nền kinh tế Việt Nam. OECD đã tập trung đánh giá, đưa ra nhận định về những vấn đề thách thức của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu, từ các nhận định, đánh giá, OECD cần đưa ra được những giải pháp cụ thể để Việt Nam thay đổi, ví dụ như liên quan đến chính sách thu hút FDI, Việt Nam đã thực hiện tổng kết 30 năm thu hút FDI và ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là vấn đề được Việt Nam quan tâm thực hiện, tuy nhiên Việt Nam mong muốn OECD đưa ra được những giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện tốt chính sách này. Tương tự như vậy, các vấn đề thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực, tăng trưởng xanh… cũng được các đại biểu tập trung thảo luận và mong muốn OECD có những nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về các lĩnh vực này, từ đó đưa ra các giải pháp thực thi một cách cụ thể.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh MPI

Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, thành viên Tổ Biên tập cho rằng, Báo cáo của OECD khá toàn diện và có hệ thống. Báo cáo đã cập nhật được một số vấn đề mang tính thời sự của Việt Nam như môi trường, không khí, môi trường nước. Tuy nhiên, đối với nội dung xây dựng một nền kinh tế hội nhập, hiệu quả và bền vững, Báo cáo cần bổ sung nội dung đánh giá và khuyến nghị để Việt Nam trở thành một nền kinh tế thị trường. Đồng thời đưa ra được các cách thức làm thế nào để Việt Nam có thể trở thành thành viên của OECD. Bên cạnh đó, Báo cáo cần làm rõ hơn vấn đề đổi mới sáng tạo, về thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các vấn đề về xã hội, già hóa dân số… đây là những vấn đề có tác động đến Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác