Thứ hai, 00/00/2023
°

Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Ngày 19/02/2020 - 16:36:00 | 4255 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 19/02/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời xác định cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ. Từ đó, đưa ra đề xuất yêu cầu thúc đẩy cải cách cơ cấu và hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019, được kỳ vọng tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, phân tích những tác động, những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP cho thấy, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của doanh nghiệp trong nước.

Tại Hội thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM Nguyễn Anh Dương trình bày về “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam đã tập trung hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng kinh tế đã có sự dịch chuyển từ chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Hiệp định CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%.

Trong giai đoạn 2010-2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký và 7,4%/năm về vốn thực hiện. Quy mô vốn FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, trong đó có con số 20,4 tỷ USD năm 2019. Niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư - kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, chính sách thu hút FDI ngày càng được hoàn thiện,...

Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM Nguyễn Anh Dương trình bày tại Hội thảo.
Ảnh: MPI

Về dịch vụ tài chính, CPTPP cam kết mở cửa thị trường cao hơn so với các FTA và WTO. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán là những nhóm chính chịu nhiều tác động từ CPTPP. Chính phủ đã và đang tiến hành những bước cải cách cần thiết để hài hòa hóa khung khổ của các nhóm dịch vụ này với cam kết trong CPTPP. Lo ngại về thách thức là cần thiết, song không nên đánh giá quá thấp khả năng cạnh tranh và thích ứng của các định chế, doanh nghiệp tài chính trong nước. Trên thực tế, một số định chế tài chính nước ngoài đã thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Việt Nam trong thời gian qua.

Về lao động-việc làm, so với một số nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam được đánh giá có lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, chất lượng có cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng già hóa ngày càng rõ nét, cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật còn bất cập, cơ cấu việc làm chưa thực sự bền vững,…

CPTPP nằm trong số những hiệp định thương mại có yêu cầu cao nhất liên quan đến môi trường và nhìn chung phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường cũng như định hướng của Việt Nam về phát triển bền vững. Việc thực hiện các cam kết về môi trường không chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho CPTPP mà xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Dù đã có nhiều chuyển biến về xây dựng và thực thi chính sách, Việt Nam vẫn cần tích cực chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong CPTPP.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Số lượng các văn bản phải sửa đổi, bổ sung không nhiều do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung không chỉ đáp ứng nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà còn vì nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nội tại của Việt Nam. Tuy vậy, việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm: hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội không nhỏ từ CPTPP như mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài và cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Dù vậy doanh nghiệp cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh. Khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. Tác động đối với doanh nghiệp sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, doanh nghiệp Việt còn nhiều dư địa để tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP. Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi ích này, doanh nghiệp cần xử lý các thách thức, cải thiện năng lực cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. Đồng thời, Chính phủ cần củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ, phân tích, đánh giá về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong thực thi CPTPP. Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh những yêu cầu về cải cách thể chế thương mại, đầu tư cũng như các thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; ...  ./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác