Thứ hai, 00/00/2023
°

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Ngày 28/03/2021 - 11:05:00 | 10417 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Ngày 28/3/2021 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định đến năm 2030 (Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (Kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong  5 năm tới (2021-2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD.

Để đạt được những đột phá chiến lược về kinh tế - xã hội, Việt Nam phát triển dựa trên 5 quan điểm. Thứ nhất, phát triển nhanh và bền vững; chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt cơ hội; phát triển hài hòa 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường. Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, các sản phẩm dịch vụ, mô hình mới; coi trọng quản lý phát triển xã hội; phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thứ ba, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng; phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; thứ tư, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn lới ngoại lực và sức mạnh thời đại. Thứ năm, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.

Điểm cầu trực tuyến Hội nghị tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 3 thành tố trọng tâm trong chủ đề chiến lược. Thứ nhất, động lực và tinh thần quyết tâm, khơi đậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại. Thứ hai, cách thức và phương tiện chủ yếu là huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số. Thứ ba, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác