Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2021 của tỉnh Hải Dương

Ngày 02/12/2021 - 08:55:00 | 267 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. KINH TẾ

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, các cấp, các ngành đang nỗ lực cùng với người dân và doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” nhằm tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

1. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

1.1. Trồng trọt

Nhiệm vụ trọng tâm của tháng 11 là tập trung thu hoạch hết lúa mùa trà muộn và tiếp tục đẩy mạnh gieo trồng mở rộng diện tích cây vụ Đông.

Vụ mùa; diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh, chuột gây hại ở mức độ nhẹ hơn so với năm trước. Đến 15/11, toàn bộ diện tích lúa mùa trà sớm, trà trung và phần lớn diện tích trà muộn đã cho thu hoạch, chỉ còn lại một phần diện tích lúa nếp của trà muộn dự kiến thu hoạch cuối tháng 11. Tổng hợp kết quả sơ bộ vụ mùa, năng suất lúa đạt 60,2 tạ/ha, tăng 3,6% (+2,1 tạ/ha); năng suất cây ngô đạt 62,3 tạ/ha, tăng 0,4% (+0,2 tạ/ha); năng suất trung bình cây rau các loại đạt 234,6 tạ/ha, giảm 0,4% (-1,0 tạ/ha); sản lượng đạt 157.535 tấn, giảm 2,9% (-4.767 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất vụ đông năm 2022; diễn biến thời tiết đầu vụ khá thuận lợi; tuy nhiên, do lượng mưa lớn trong tháng 10 gây khó khăn cho công tác làm đất ở một số địa phương. Tính đến hết tháng 11, tổng diện tích gieo trồng cây rau vụ đông của toàn tỉnh ước đạt trên 20.000 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước; trong đó, cây ngô tăng gần 3%, cây su hào tăng 5%, bắp cải tăng trên 3%, cây hành củ tăng 2%... so với cùng kỳ năm trước.

1.2. Chăn nuôi

Trâu, bò: Đàn trâu trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt trâu trên thị trường cao, hiệu quả kinh tế đạt khá, ước tại thời điểm 01/12, đàn trâu đạt 5.450 con, tăng 5,9%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 11 tháng 838 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đàn bò có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế đạt thấp; tổng đàn ước đạt 15.530 con, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 11 tháng 1.662 tấn, tăng 0,7%.

Lợn: Đàn lợn thịt ước tại thời điểm 01/12 đạt 248.000 con, tăng 27,2%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11 tháng ước 50.137 tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Gia cầm: Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước đạt 15.159 nghìn con tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 11 tháng 55.885 tấn, tăng 8,9%; sản lượng trứng 527,8 triệu quả, tăng 11,1%.

Hiện nay chăn nuôi lợn và gia cầm đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra, giá thịt lợn hơi xuất chuồng và thịt gia cầm hơi xuất chuồng giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, người chăn nuôi thu hẹp qui mô sản xuất, dự ước trong thời gian tới đàn gia cầm có xu hướng giảm.

1.3 Sản xuất thuỷ sản

 Trong tháng 11, sản xuất thủy sản tương đối ổn định. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ.

Phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển tốt, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế từ nuôi trồng thủy sản mặt nước đạt thấp do giá bán sản phẩm đầu ra giảm và duy trì ở mức thấp, người nuôi trồng hạn chế đầu tư mở rộng qui mô nuôi.

2. Công nghiệp

Trong tháng 11/2021, tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố tuy có tăng, song đều nằm trong tầm kiểm soát. Cùng với cả nước, tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ nhằm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đó, Tỉnh tập trung ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 với khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất. Đây là biện pháp quan trọng nhất để sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm.

2.1. Sản xuất công nghiệp

Theo phương pháp chỉ số, sản xuất công nghiệp tháng 11 so với tháng trước tăng 1,8%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 9,4%.

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 14,3%; trong đó, tăng chủ yếu do ngành sản xuất và phân phối điện tăng 83,9% và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,1%.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp tăng 12,0% so với cùng kỳ. Trong các nhóm ngành chính, ngành khai khoáng giảm 19,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 48,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,9%. Hoạt động công nghiệp tăng cao chủ yếu là do các yếu tố sau:

- Ngành sản xuất và phân phối điện với việc nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương đang hoạt động ổn định với công suất 600 triệu KWh/tháng đã làm sản lượng điện sản xuất 11 tháng tăng 55,4%. Tuy nhiên so với tháng trước, sản lượng điện sản xuất tháng 11 đã giảm 10,6%; nguyên nhân là do Nhà máy nhiệt điện Phả lại có một tổ máy gặp sự cố, một tổ máy đang sửa chữa, bảo dưỡng.

- Sản lượng than cốc, sắt thép tăng mạnh từ các tháng đầu năm và tiếp tục duy trì tốc độ tăng rất cao; tính chung 11 tháng tăng tăng 20,1%. Nguyên nhân do  nhu cầu thị trường trong nước và thế giới tăng cùng với việc Khu liên hiệp gang thép Hoà Phát hoàn thành dự án mở rộng, nên năng lực sản xuất thép, than cốc đều tăng thêm.

- Ngành sản xuất xe có động cơ 11 tháng tăng 16,7%; trong đó, sản lượng xe có động cơ chở được từ 05 người trở lên tăng 184,7%; bộ dây điện cho xe có động cơ tăng 5,6%. Số lượng xe ô tô tăng cao là do Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa vào vận hành thêm dây chuyền sản xuất dòng xe mới; đồng thời sản lượng năm 2020 đạt rất thấp.

Bên cạnh những ngành công nghiệp tăng cao, cũng còn một số ngành sản xuất hiện đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng 11 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2020 như:

- Ngành khai khoáng bằng 80,8%, do chính sách của Nhà nước là hạn chế cấp phép khai thác nguồn tài nguyên không thể tái tạo nên nhiều vùng khai thác đã hết hạn cấp phép.

- Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bằng 93,1%; trong đó: Sản phẩm mạch điện tử tích hợp giảm 11,5%; máy kết hợp từ 2 chức năng trở lên: in, quét, coppy, fax… giảm 16,2%.

2.2. Sử dụng lao động

Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp nhìn chung có xu hướng tăng.

Theo phương pháp chỉ số, số lao động tại thời điểm 31/11 ước tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 2,3% so với cùng kỳ. Một số ngành sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 11,2%; dệt tăng 7,8%; sản xuất trang phục tăng 3,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,6%; sản xuất kim loại tăng 4,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 4,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 4,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 16,1%...

Các ngành sử dụng lao động giảm là khai khoáng khác giảm 40,4%; sản xuất đồ uống giảm 5,2%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 9,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 8,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,9%; thoát nước và xử lí nước thải giảm 7,7%.

3. Hoạt động đầu tư

Trong thời gian qua, tỉnh Hải Dương tập trung giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã được phê duyệt, các dự án trọng điểm, dự án lớn và dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh; tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi thực hiện vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch giao.

Ước tháng 11, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 557 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 289 tỷ đồng, giảm 3,1%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 251 tỷ đồng, giảm 8,9%; vốn ngân sách cấp xã đạt 17 tỷ đồng, giảm 30,0%.

Tính chung 11 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 3.008 tỷ đồng, bằng 80,1% kế hoạch năm, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 1.284 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm, giảm 13,9% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 1.536 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 188 tỷ đồng, bằng 91,6% kế hoạch năm, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Một số công trình lớn thực hiện trong tháng thuộc nguồn vốn ngân sách cấp như:

- Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và quốc lộ 5 (thực hiện năm 2020-2022 với tổng mức đầu tư 427,4 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11 là 13,8 tỷ đồng;

- Dự án Nâng cấp đường giao thông từ quốc lộ 18 đi Khu dân cư cầu Dòng (thực hiện năm 2020-2022 với tổng mức đầu tư 138,7 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11 đạt 8,30 tỷ đồng;

- Dự án Xây dựng tuyến đường dẫn cầu Quang Thanh, Huyện Thanh Hà (thực hiện 2020-2022 với tổng mức đầu tư là 195,7 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11 đạt 16,5 tỷ đồng;

- Xây dựng nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường 390 ( thực hiện 2019-2025 với tổng mức đầu tư 1.045,7 tỷ đồng), ước thực hiện trong tháng 11 đạt 13,7 tỷ đồng.

4. Thương mại, dịch vụ

Các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh đang được hồi phục nhanh, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn. Thị trường hàng hóa sôi động hơn so với thời gian trước đó dẫn đến hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng tốt. Hiện nay, một số dịch vụ vẫn tạm dừng chưa được hoạt động như dịch vụ Karaoke; dịch vụ mát-xa, vũ trường; quán game internet, quán bi-a; rạp chiếu phim, bể bơi dịch vụ… nhưng đều là các dịch vụ không thiết yếu, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu dịch vụ của Tỉnh.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 7.522 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 63.598 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

4.1. Doanh thu bán lẻ hàng hoá

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 11 ước đạt 6.539 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng ước đạt 55.179 tỷ đồng, tăng 7,8%. Phân theo mặt hàng: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 19.943 tỷ đồng, tăng 11,4%, là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36,1%; nhóm ô tô các loại đạt 7.472 tỷ đồng, tăng 6,4%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 7.252 tỷ đồng, tăng 0,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 7.024 tỷ đồng, tăng 11,2%.

4.2. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11 ước đạt 984 tỷ đồng, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng ước đạt 8.419 tỷ đồng, giảm 1,1%. Phân theo ngành kinh tế, dịch vụ lưu trú đạt 90 tỷ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 2.650 tỷ đồng, giảm 14,9%; dịch vụ khác đạt 5.677 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. 

4.3. Vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải tháng 11 ước đạt 964 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước, tăng 6,6% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 80 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 10,0%, so với cùng kỳ giảm 31,9%; vận tải hàng hoá đạt 824 tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 14,0% so với cùng kỳ; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 59 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 8.094 tỷ đồng, giảm 3,8% (loại trừ yếu tố giá giảm 7,0%) so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 873 tỷ đồng, giảm 18,0%; vận tải hàng hoá đạt 6.642 tỷ đồng, giảm 1,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 568 tỷ đồng, giảm 9,9%.

5. Giá tiêu dùng

Theo phương pháp chỉ số, giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,94% so với tháng trước; tăng 1,42% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng đầu năm giảm 0,01% so với bình quân cùng kỳ.

Nguyên nhân làm cho giá tiêu dùng tháng 11 so với tháng trước tăng là do một số nhóm hàng thực phẩm thiết yếu tăng. Khu vực thành thị có mức tăng ít hơn khu vực nông thôn, chủ yếu là nhóm hàng lương thực; thực phẩm; ga và các loại chất đốt; giao thông, cụ thể: khu vực thành thị tăng 0,58% và khu vực nông thôn tăng 1,16%.

Giá vàng tháng 11 biến động phức tạp do tác động của thị trường giá vàng thế giới và có xu hướng tăng mạnh, tăng 2,16% so với tháng trước; giá vàng bình quân tháng này là 5.245 ngàn đồng/chỉ, tăng 111 ngàn đồng/chỉ so với tháng trước; giá Đô la Mỹ tháng này giảm 0,26% và giảm 5.957 đồng/USD so với tháng trước.

6. Tài chính, ngân hàng

6.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 11 ước 851 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 17.915 tỷ đồng, đạt 137,8% kế hoạch năm, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 15.472 tỷ đồng, đạt 140,7% kế hoạch năm, tăng 21,7%; thu qua Hải quan đạt 2.443 tỷ, đạt 122,2% kế hoạch, tăng 13,3%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 685 tỷ đồng, bằng 77,7% cùng kỳ năm trước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 3.761 tỷ đồng, tăng 37,3%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh 3.557 tỷ đồng, tăng 81,0%; thu thuế thu nhập cá nhân 863 tỷ đồng, tăng 1,4%; các khoản thu về nhà, đất 4.519 tỷ đồng, tăng 4,2%.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến hết ngày 15/11 ước đạt 14.364 tỷ đồng, bằng 95,8% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 4.621 tỷ đồng, bằng 91,6%; chi thường xuyên đạt 9.709 tỷ đồng, bằng 97,8%.

6.2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng

Hoạt động ngân hàng bảo đảm liên tục, không bị gián đoạn do giãn cách, cách ly xã hội. Nguồn vốn huy động tăng trưởng chậm so với cùng kỳ các năm trước, ước đến 30/11 đạt 151.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với 31/12/2020 và tương đương so với tháng trước. 

Tổng dư nợ tín dụng đạt 102.600 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2020 và 1,9% so với tháng trước; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 14,0% so với cuối năm 2020; dư nợ trung, dài hạn tăng 12,6% so với cuối năm 2020.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1.Văn hóa, thể thao

Văn hóa: Tổ chức rà soát, xây dựng phương án tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp các di tích và lập danh sách đề nghị xếp hạng di tích năm 2021. Lập hồ sơ đề nghị đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng và bổ sung ngân hàng tên đường, phố trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội chùa Trông (huyện Ninh Giang) và lễ hội đền Cao An Phụ (thị xã Kinh Môn) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thể thao: Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao bị tạm dừng hoạt động, không tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách để phòng chống dịch.

2. Y tế

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, từ khi áp dụng Nghị quyết số 128/NQ-CP với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; số ca dương tính SARS-CoV-2 liên tục gia tăng. Từ ngày 12/10/2021  đến 6h ngày 24/11/2021 toàn tỉnh ghi nhận 471 trường hợp mắc Covid-19; trong đó có 61 ca bệnh có yếu tố dịch tễ đi từ các tỉnh có dịch và 259 trường hợp là F1 của các ca bệnh này; 14 ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt trong cộng đồng; 2 ca phát hiện qua sàng lọc bệnh viện; 5 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng. Tổng số F1 đang được giám sát, cách ly là gần 6.000 người, số F2 là gần 42.000 người. Số mẫu xét nghiệm đã thực hiện là gần 155.000 mẫu.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bênh Covid-19 tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; tuyên truyền, cung cấp tài liệu, phổ biến kiến thức trên các phương tiện truyền thông của địa phương và thông qua hoạt động của các ban, ngành đoàn thể.

Các dịch bệnh truyền nhiễm khác dễ phát sinh, trong đó có một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật bản, sởi... Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiên nghiêm công tác giám sát, điều tra dịch tễ khi có ca nghi mắc đầu tiên, các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

3. Giáo dục

Năm học 2021-2022 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục tỉnh đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tổ chức dạy học qua internet; điều chỉnh lịch kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Từ ngày 22/11 một số địa phương trong tỉnh điều chỉnh một số biện pháp về dạy và học trên địa bàn tuỳ theo diễn biến của dịch Covid-19. Nhiều học sinh đã được đi học trực tuyến, trường học tổ chức giãn cách chương trình, chia ca sáng/chiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường học xuất hiện các ca F0, F1 tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến.

4. Bảo vệ môi trường

Tháng 11, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm môi trường, tổng số tiền xử phạt là 272,5 triệu đồng, trong đó điển hình là công ty CP Vôi công nghiệp DLH ở cụm công nghiệp Phú Thứ - Kinh Môn bị xử phạt vi phạm hành chính 215 triệu đồng; dừng 3 bến bãi hoạt động trái phép ven sông tại thành phố Chí Linh và xử phạt chủ bến bãi 40 triệu đồng do chất thải vật liệu xây dựng, xỉ than quá cao.

Như vậy, trong 11 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 235 vụ vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, số tiền xử phạt là 3.780 triệu đồng.

5. Tình hình thiên tai

Do ảnh bão số 7 và mưa lớn kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 10, sơ bộ toàn tỉnh có hơn 686 ha lúa và rau màu bị thiệt hại, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 22 tỷ đồng. Hiện tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang rà soát, tổng hợp chi tiết từ các địa phương trong tỉnh, trình UBND tỉnh phương án hỗ trợ.

6. Trật tự an toàn xã hội

Về tai nạn cháy, nổ: Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 11 tháng năm nay, xẩy ra 12 vụ cháy, nổ làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại hơn 26,2 tỷ đồng.

Về tai nạn giao thông: Tháng 11, trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 06 người, làm 03 người bị thương.

Trong 11 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 153 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 120 người, làm bị thương 72 người; so với cùng kỳ năm trước, đã giảm được 59 vụ tai nạn (-27,8%), giảm 47 người chết (-28,1%) và giảm 31 người bị thương (-30%)./. 

 


Solieu_HaiDuong.xlsx Tải về

Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác