Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021 của tỉnh Kiên Giang

Ngày 28/09/2021 - 11:38:00 | 256 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Trong quý III tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp, liên tục xuất hiện nhiều ca nhiễm trong công đồng, mức độ lây lan nhanh, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng chống dịch, kịp thời ban hành các quyết định triển khai công tác phòng, chống dịch, áp dụng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư cũng như các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Suốt hơn 2 tháng, kể từ ngày 19/7/2021 đến 20/9/2021 toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, các cơ sở kinh tế cá thể, doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch đều phải ngưng hoạt động, chỉ trừ một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu là hoạt động nhưng mức sản xuất và sức mua giảm hẳn. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, đầu tư sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả sản xuất nông nghiệp và thủy sản cũng ảnh hưởng không nhỏ do khó tiêu thụ sản phẩm…Mặc dù có sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng kinh tế 9 tháng vẫn sụt giảm so cùng kỳ năm trước. Tuy kinh tế rất khó khăn nhưng vẫn đảm bảo duy trì an ninh chính trị, an toàn xã hội, đạc biệt là an sinh xã hội luôn được quan tâm.

Cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1. Tài chính, ngân hàng

1.1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thu ngân sách cũng rất khó khăn, nhiều khoản thu sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ước tính thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng 7.588,05 tỷ đồng, đạt 65,64% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 18,67% so cùng kỳ. Một số khoản thu đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ: thu thuế thu nhập cá nhân đạt 89,91% dự toán, tăng 5,46%; thu phí và lệ phí đạt 79,80% dự toán, tăng 16,65%; thu từ doanh nghiệp nhà nước TW đạt 67,43% dự toán, tăng 22,30%; thu khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 67,59% dự toán, tăng 1,38%; thu khác đạt 191,08% dự toán, tăng 150,12% … Tuy nhiên cũng còn một số khoản thu đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ năm trước như: thu tiền sử dụng đất đạt 38,36% dự toán, chỉ bằng 37,58% cùng kỳ; thu cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 39,46% dự toán, chỉ bằng 39,18% cùng kỳ; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 45,16% dự toán, bằng 68,50% cùng kỳ...

Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác như bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp… ước tính chi ngân sách 9 tháng đạt 7.726,59 tỷ đồng, bằng 49,97% dự toán năm, giảm 15,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chi thường xuyên 6.198,25 tỷ đồng, đạt 63,54% dự toán, tăng 0,09%; chi đầu tư phát triển 1.528,34 tỷ đồng, đạt 29,40% dự toán, chỉ bằng 52,19% cùng kỳ năm trước.

1.2. Hoạt động Ngân hàng

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng khi tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, nguồn thu nhập giảm sút, kéo theo hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, tín dụng có mức tăng trưởng thấp, huy động vốn giảm, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Ước tính tổng nguồn vốn hoạt động đến cuối tháng 9 đạt 113.400 tỷ đồng, tăng 7,89% so đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,89%), tăng 12,73% so cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 57.500 tỷ đồng, tăng 4,33% so đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,99%), tăng 7,39% so cùng kỳ, chiếm 50,71% tổng nguồn vốn.

Doanh số cho vay trong quý III ước đạt 29.500 tỷ đồng (trong đó, trên 84% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh), 9 tháng đầu năm 2021 đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 8,45% so cùng kỳ năm trước. Ước đến 30/9/2021, dư nợ cho vay ước đạt 93.200 tỷ đồng, tăng 0,37% so quý trước, tăng 5,95% so đầu năm (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,48%), tăng 11,15% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay tăng chủ yếu ở loại tiền VND, thời hạn ngắn hạn và khu vực nông lâm thủy sản, công nghiệp.

Nợ xấu nội bảng ước đạt 1.150 tỷ đồng, chiếm 1,23% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) ước đạt 1.200 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp của chính sách tiền tệ; tập trung các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn ... như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường nhằm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.

2. Chỉ số giá

Trước những khó khăn do dịch bệnh Covid -19 gây ra, việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nói chung và hàng nông sản nói riêng gặp rất nhiều khó khăn; thu nhập của một bộ phận người lao động sụt giảm đáng kể đã kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Do đó giá cả trong tháng 9 tương đối ổn định và có một số nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín giảm 0,26% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị giảm 0,16%, khu vực nông thôn giảm 0,32%. Tác động cơ bản làm cho chỉ số giá tháng 9 giảm nhẹ là do giá lương thực, thực phẩm, xăng, dầu giảm và có sự hỗ trợ giá điện, nước đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 3 nhóm giảm giá, 4 nhóm ổn định và 4 nhóm tăng giá. Trong 4 nhóm có tăng giá thì nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất (tăng 0,45%), kế đến là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04% và nhóm giáo dục tăng 0,02%. 3 nhóm giảm giá gồm: nhóm giao thông giảm 0,51%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,48%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,44% (trong đó thực phẩm giảm 0,65%). Còn lại các nhóm khác đều ổn định như: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

So với tháng 12 năm trước (sau 09 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,80%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 11,33%; kế đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,04%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,63%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,54% (trong đó ăn uống ngoài gia đình tăng 3,84%); nhóm hàng hóa khác tăng 1,20%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,55%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,48%; và nhóm giáo dục tăng 0,11%. Duy nhất có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,43% và nhóm bưu chính viễn thông giá vẫn bình ổn.

Chỉ số giá vàng: tháng Chín Giá vàng khá bình ổn, nên chỉ số giá bằng với tháng trước, giảm 4,87% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng tăng 8,84% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng bình quân tháng 9 là 5.136.000 đồng/chỉ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Chín giảm 0,66% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 1,66% và bình quân 9 tháng so với cùng kỳ giảm 0,99%. Giá USD bình quân tháng 9 là 2.288.300 đồng/100 USD, giảm 15.100 đồng/100 USD so với tháng trước.

3. Đầu tư và xây dựng

3.1. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 9 tháng ước đạt 18.204,03 tỷ đồng, đạt 40,31% kế hoạch năm và chỉ bằng 60,61% cùng kỳ năm trước.

Trong vốn đầu tư, đầu tư từ nguồn ngân sách có vai trò đòn bẩy cho tăng trưởng thì đầu tư từ ngoài nhà nước cũng có vai trò rất quan trọng, là động lực cho tăng trưởng. 9 tháng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách do địa phương quản lý ước tính trên 1.288 tỷ đồng, bằng 27,63% kế hoạch năm, chỉ bằng 55,83% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 7,08% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngân sách do Trung ương quản lý trên 2.541 tỷ đồng, bằng 42,36% kế hoạch năm, tăng 42,91% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,96% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ ngoài ngân sách (doanh nghiệp ngoài nhà nước và dân cư) trên 12.851 tỷ đồng, bằng 37,80% kế hoạch năm và cũng chỉ bằng 53,47% cùng kỳ năm trước. Như vậy, đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước 9 tháng năm nay đạt mức rất thấp, đây là nguồn vốn rất quan trọng, động lực của tăng trưởng và chiếm tỷ trọng tới 70,60% tổng vốn đầu tư, thời gian tới cần có giải pháp hữu hiệu hơn để thu hút đầu tư.

3.2. Xây dựng

Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh ta 9 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện các công trình trọng điểm diễn ra chậm, thậm chí ở một số huyện tạm ngưng hoặc không thể thi công.

Quý III năm 2021 giá trị sản xuất ngành xây dựng sụt giảm nhiều so với quý trước và quý cùng kỳ. Cụ thể, quý III giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá hiện hành) đạt 3.096,88 tỷ đồng, so với quý trước giảm 57,70% và chỉ bằng 39,30% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong đó, loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện được 2.230,03 tỷ đồng, so với quý trước bằng 43,80% và chỉ bằng 44,84% so với quý cùng kỳ. tính chung 9 tháng năm nay giá trị sản xuất đạt 17.579,43 tỷ đồng, giảm 16,17% so cùng kỳ năm trước.

Tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh 2010) quý III năm 2021 đạt 2.041,35 tỷ đồng, giảm 58,74% so quý trước, chỉ bằng 37,81% so quý cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2021 giá trị sản xuất đạt 11.928,77 tỷ đồng, giảm 17,55% cùng kỳ năm trước. Trong đó công trình nhà ở đạt 6.309,95 tỷ đồng, giảm 18,03% cùng kỳ năm trước; Công trình nhà không để ở đạt 2.623,56 tỷ đồng, giảm 18,16% so cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.644,46 tỷ đồng, giảm 25,88% và hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 1.350,81 tỷ đồng, tăng 0,39% cùng kỳ năm trước.

Tình hình xây dựng hệ thống giao thông cầu đường cũng được tiến hành với nhiều dự án bằng các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA…

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 9 tháng năm 2021 cũng còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng giảm và rời khỏi thị trường có xu hướng tăng hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: số doanh nghiệp được thành lập mới là 953 doanh nghiệp, giảm 67 DN so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký 18.881,65 tỷ đồng; số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 420 doanh nghiệp, tăng 43 DN so cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 328 DN, tăng 119 DN so cùng kỳ; số doanh nghiệp giải thể 170 doanh nghiệp, tăng 6 DN so cùng kỳ; phần lớn các doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không thích ứng được trước những cú sốc do dịch bệnh gây ra.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021, tuy mùa vụ có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn như: xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu phi, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản. Khai thác hải sản vẫn rất khó khăn, ngư trường cạn kiệt, mật độ phương tiện dày, giá nguyên nhiên vật liệu, ngư lưới cụ cũng như sản phẩm khai thác không ổn định theo hướng bất lợi cho ngư dân, khai thác kém hiệu quả nên thời gian ngưng hoạt động khá nhiều; hiện tượng khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài và tình trạng lấn, chiếm đất rừng chặt phá rừng vẫn còn xảy ra.

Các địa phương cùng với ngành chức năng đã chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, vận hành điều tiết nguồn nước hợp lý phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nên đã giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.

Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng lúa 03 vụ (Mùa, Đông xuân, Hè thu) ước đạt 624.605 ha, giảm 1,75% (giảm 11.126 ha) so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch là 4.012.48 tấn (giảm 20.431 tấn), giảm 0,51% so với cùng kỳ. Cụ thể từng vụ như sau:

Vụ Mùa: Toàn tỉnh đã kết thúc diện tích gieo sạ được 58.395 ha so kế hoạch giảm 7,31% (giảm 4.605 ha) và giảm 6,73% so cùng kỳ năm trước (giảm 4.215 ha). Đến nay đã thu hoạch xong, năng suất thu hoạch đạt 4,86 tấn/ha, giảm 5,42% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 265.464 tấn, giảm 17,51% (giảm 56.352 tấn) so với cùng kỳ.

Vụ Đông Xuân: Diện tích gieo trồng được 284.408 ha, giảm 0,56% so với kế hoạch (giảm 1.592 ha), giảm 1,87% (giảm 5.429 ha) so với cùng kỳ, giảm 1.592 ha ở 05 huyện: Giồng riềng, Gò Quao, An Biên, Vĩnh thuận và U Minh Thượng.

Năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay đều tăng so với cùng kỳ, trong đó: Sản lượng đạt 2.166.109 tấn, tăng 2,06% so vụ đông xuân 2020 (tăng 43.809 tấn); năng suất thu hoạch đạt 7,62 tấn/ha, tăng 4,01%, nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh gây hại.

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): Toàn tỉnh gieo trồng được diện tích 281.802 ha/280.000 ha, tăng 0,64% so với kế hoạch (tăng 1.802 ha), giảm hơn so cùng kỳ năm trước 0,52%, giảm 1.482 ha. Diện tích giảm chủ yếu ở 3 huyện: Hòn Đất (500 ha), An Biên (575 ha), U Minh thượng (273 ha). Đến nay đã thu hoạch được 216.000 ha; năng suất thu hoạch ước đạt 5,61 tấn/ha; sản lượng cả vụ ước tính đạt 1.580.909 tấn (giảm 7.888 tấn), giảm 0,50% so cùng kỳ năm trước.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa hè thu là 2.950 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: bệnh lem lét hạt: 2.598 ha; cháy bìa lá: 281 ha, bệnh đạo ôn cổ bông: 71 ha. Ngoài ra còn đối tượng gây hại khác như: OBV, sâu đục thân, ngộ độc phèn cũng xuất hiện, gây hại ở mức độ nhẹ và rải rác.

Vụ Thu Đông (vụ 3): toàn tỉnh gieo trồng được 90.610 ha, vượt 24,12% kế hoạch, tăng 0,53% so cùng kỳ năm trước.

Diện tích bị nhiễm sâu bệnh trên lúa thu đông là 5.344 ha, các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: lem lét hạt: 2.262 ha, cháy bìa lá: 2.029 ha và đạo ôn cổ bông: 543 ha.

Cây rau màu: một số loại cây màu cũng được nhân dân quan tâm sản xuất như: dưa hấu 1.646 ha, đạt 159,81% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 1.575 ha, tăng 10,76% so cùng kỳ; khoai mì 364 ha, tăng 0,83%; bắp 292 ha, tăng 3,91%; rau, đậu các loại 9.784 ha, đạt 98,56% so cùng kỳ.

Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; dịch bệnh được kiểm soát nhưng đang diễn biến phức tạp, bệnh tả heo châu Phi đã xuất hiện trở lại (huyện Châu Thành đã xuất hiện 2 ổ bệnh, tiêu hủy 34 con heo) và bệnh nổi cục ở da trâu, bò cũng đã xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Ngành chăn nuôi đang đứng trước rất nhiều khó khăn: tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn, giá con giống ở mức cao, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi rất thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Để khôi phục và phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo.

Kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 01/7/2021 từng loại vật nuôi và so với cùng kỳ năm trước như sau: đàn trâu có 4.198 con, giảm 0,85% so với cùng kỳ (giảm 36 con); đàn bò 10.425 con, giảm 9,40% (giảm 1.082 con); đàn heo 183.575 con, giảm 7,98%; đàn gia cầm 4.384 ngàn con, tăng 4,04%, trong đó đàn gà: 2.520 ngàn con, tăng 14,08%.

5.2. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc trồng rừng tập trung trong năm theo kế hoạch chưa triển khai được. Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng chống cháy rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Thực hiện Kế hoạch khoanh nuôi, chăm sóc rừng trong năm, đến nay đã có 6.520 ha rừng được chăm sóc, giảm 16,62% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 400 ha, tăng 2,56% so cùng kỳ và diện tích rừng được khoán bảo vệ là 9.308 ha, giảm 0,77% so cùng kỳ.

Trong tháng xảy ra 08 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại là 12,09 ha. Tính chung 9 tháng đã xảy ra 42 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại 11,96 ha.

5.3. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Chín ước tính đạt 3.388,97 tỷ đồng, tăng 10,28% so với tháng trước, tăng 13,94% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, ước đạt 25.462,97 tỷ đồng, đạt 76,89% kế hoạch năm, tăng 2,47% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Chín ước đạt 71.570 tấn, giảm 3,21% so với tháng trước và giảm 9,83% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước tính 634.367 tấn, đạt 79,40% kế hoạch năm, tăng 0,12% so cùng kỳ. Chia ra:

Sản lượng khai thác: tháng Chín ước đạt 46.899 tấn, giảm 2,08% so tháng trước, giảm 1,76% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước tính 430.383 tấn, đạt 84,39% kế hoạch năm, giảm 0,66% so cùng kỳ.

Sản lượng nuôi trồng: tháng Chín ước tính đạt 24.671 tấn, giảm 5,29% so với tháng trước, giảm 22,01% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng giảm so với tháng trước chủ yếu là do giảm sản lượng cá, tôm các loại. Tính chung 9 tháng, ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch 203.984 tấn, đạt 70,58% kế hoạch năm, tăng 1,81% (tăng 3.636 tấn) so cùng kỳ năm trước.

6. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn trước những biến động của thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng trong quý III mức sản xuất giảm nghiêm trọng, nhiều cơ sở phải ngưng hoạt động do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc chỉ hoạt động dưới mức năng lực thiết kế do thiếu lao động vì phải thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động để đảm bảo sản xuất an toàn trong phòng chống dịch. Hiệu quả sản xuất giảm rõ rệt, chi phí phát sinh tăng, tiêu thụ sản phẩm chậm …

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Chín chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,37% so tháng trước nhưng vẫn giảm 27,40% so cùng kỳ năm trước. So với tháng trước ngành chế biến, chế tạo tăng 9,40%[6]; ngành khai khoáng tăng 2,57% so tháng trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm 3,57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,08%; ngành chế biến, chế tạo giảm 4,39%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Chín ước tính đạt 3.350,35 tỷ đồng, tăng 8,93% so với tháng trước, giảm 17,67% so với cùng tháng năm trước[8]. Tính chung 9 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính 33.157,68 tỷ đồng, đạt 60,94% kế hoạch năm, tăng 0,56% so với cùng kỳ.[9]

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng tăng so cùng kỳ như: giày da đạt 62,32% kế hoạch năm, tăng 47,10%; gỗ MDF đạt 75,50% kế hoạch năm, tăng 7,13%; điện thương phẩm đạt 67,53% kế hoạch năm, tăng 8,61%; sản xuất nước mắm đạt 70,85% kế hoạch năm, tăng 5,49%; nước máy đạt 68,38% kế hoạch năm, tăng 1,51%... Nhưng cũng còn một số sản phẩm: bia các loại đạt 56,16%, giảm 15,62%; bột cá đạt 47,65%, giảm 20,42%; mực đông lạnh đạt 56,60%, giảm 18,76%; cá đông đạt 59,27%, giảm 11%; xi măng đạt 67,43%, giảm 11,12%; nước đá đạt 60,40%, giảm 9,30%; bao bì PP đạt 34,70%, giảm 28,44%...

 Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính 9 tháng đầu năm 2021 bằng 86,19% so cùng kỳ năm trước; trong đó, Sản xuất chế biến thực phẩm bằng 86,83% so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống bằng 85,07% so cùng kỳ; Sản xuất trang phục bằng 81,44% so cùng kỳ; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ bằng 70,92%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy bằng 70,43% so cùng kỳ; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất bằng 59,17% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ cao su plastic bằng 84,49% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác bằng 85,80% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 79,81% so cùng kỳ; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đạt 101,06% so cùng kỳ.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 9 năm 2021 bằng 71,82% so cùng kỳ; Sản xuất chế biến thực phẩm bằng100,17% so cùng kỳ; Sản xuất đồ uống bằng 56,23% so cùng kỳ; Sản xuất trang phục bằng 47,90% so cùng kỳ; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ bằng 100% so cùng kỳ; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy bằng 236,36% so cùng kỳ; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất bằng 20,99% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác bằng 82,36% so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bằng 70,62% so cùng kỳ; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế bằng 129,07% so cùng kỳ.

7. Thương mại, dịch vụ

7.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Khu vực dịch vụ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Riêng quý III, trên địa bàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, phần lớn các cơ sở kinh doanh phải ngừng hẳn trong thời gian thực hiện giãn cách như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, bar, dịch vụ vui chơi giải trí, massage, karaoke, kinh doanh tour du lịch …Đối với bán lẻ hàng hóa cũng chỉ những cơ sở bán hàng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác mới được hoạt động nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Chín ước đạt 5.033,77 tỷ đồng, tăng 0,97% so tháng trước, chỉ bằng 53,93% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng ước đạt 78.021,92 tỷ đồng, đạt 62,86% kế hoạch năm, giảm 4,94% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Chín ước đạt 4.562,85 tỷ đồng, tăng 0,93% so tháng trước, giảm 34,42% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 60.440,62 tỷ đồng, đạt 65,25% kế hoạch năm, giảm 0,74% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng Chín ước đạt 27,13 tỷ đồng, tăng 1,36% so tháng trước, chỉ bằng 2,20% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, ước đạt 8.267,53 tỷ đồng, đạt 49,21% kế hoạch năm, giảm 22,39% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 9 tháng ước đạt 154,05 tỷ đồng, đạt 61,62% kế hoạch và giảm 8,69% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Chín ước tính 443,80 tỷ đồng, tăng 1,34% so tháng trước, chỉ bằng 39,30% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng ước đạt 9.159,72 tỷ đồng, đạt 63,39% kế hoạch, giảm 11,62% so cùng kỳ.

7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Chín ước đạt 47 triệu USD, tăng 38,40% so với tháng trước, tăng 0,47% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính 526,11 triệu USD, đạt 70,15% kế hoạch năm, tăng 1,97% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Chín ước đạt 13 triệu USD, tăng 3,01% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, trị giá hàng hóa nhập khẩu ước thực hiện 107,34 triệu USD, đạt 107,34% kế hoạch năm, tăng 3,76% cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dùng cho sản xuất, trong đó chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất giày da.

7.2. Công tác quản lý thị trường

Trong 9 tháng, ngành Quản lý thị trường đã kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm 903 vụ đạt 75% kế hoạch năm (trong đó: kế hoạch định kỳ 573 vụ, đột xuất 329 vụ); phát hiện 336 vụ vi phạm; xử lý 352 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang). Thu nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng (trong đó: phạt hành chính 5,168 tỷ, bán tang vật tịch thu 1,844 tỷ đồng). Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán, vận chuyển, lưu trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

7.3. Vận tải

Trong quý III hoạt động vận tải ảnh hưởng rất lớn, vận tải hành khách hầu như phải ngưng hoạt động suốt trong thời gian tỉnh thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 15/CT-TTg để nhằm đảm bảo phòng chống dịch; vận tải hàng hóa cũng giảm mạnh, một mặt do khó khăn trong lưu thông từng lúc cục bộ ở một số nơi, mặt khác do thiếu lao động.

Ước tính doanh thu vận tải tháng Chín đạt 419,24 tỷ đồng, tăng 5,39% so tháng trước, chỉ bằng 44,67% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đạt 7.299,76 tỷ đồng, giảm 14,04% so cùng kỳ.

Vận tải hành khách: tháng Chín ước tính vận chuyển 298 ngàn lượt khách, tăng 20,16% so tháng trước, chỉ bằng 4,26% so với cùng tháng năm trước; luân chuyển 21,58 triệu HK.km, tăng 21,15% so tháng trước, chỉ bằng 4,69% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, vận chuyển hành khách ước đạt 50,87 triệu lượt khách, đạt 51,49% kế hoạch năm, giảm 22,54% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 3.372,57 triệu HK.km, đạt 51,97% kế hoạch năm, giảm 21,74% so cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách đường bộ giảm 22,51%, vận chuyển hành khách đường biển giảm 19,16% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: tháng Chín, hàng hóa vận chuyển ước tính 896 ngàn tấn, tăng 3,82% so tháng trước, giảm 23,61% so cùng tháng năm trước; luân chuyển 129,29 triệu tấn.km, tăng 3,84% so tháng trước, giảm 22,68% so cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng, vận chuyển hàng hóa ước tính 10,05 triệu tấn, đạt 71,77% kế hoạch năm, giảm 4,00% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ giảm 3,78%, vận tải hàng hóa đường biển giảm 0,81%; luân chuyển 1.440,17 triệu tấn.km, đạt 72,72% kế hoạch năm, giảm 3,58% so với cùng kỳ.

7.4. Du lịch

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động du lịch bị tê liệt, suốt trong quý III toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động du lịch vẫn tạm dừng, lượt khách và doanh thu du lịch giảm mạnh, khách lữ hành và khách quốc tế tiếp tục không phát sinh trong tháng; một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành giải thể hoặc ngừng hoạt động, cơ sở lưu trú đóng cửa, hoạt động cầm chừng, giảm nhân sự...

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh 9 tháng ước đạt 2.323,76 ngàn lượt khách, đạt 33,20% kế hoạch năm và chỉ bằng 54,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 1.183,32 ngàn lượt khách, đạt 32,87% kế hoạch, giảm 52,22% so cùng kỳ. Khách đến chủ yếu là thành phố Phú Quốc và trong thời gian từ lễ 30/4; 1/5/2021 trở về trước đó.

8. Một số tình hình xã hội

8.1. Lao động, việc làm và đào tạo nghề

Công tác giải quyết việc làm bị ảnh hưởng và gián đoạn (do trong tháng 8 và tháng 9/2021 các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19). Kết quả quý III/2021 đã giải quyết việc làm cho 1.953 lượt lao động, lũy kế 9 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 19.464 lượt người, trong đó: trong tỉnh là 12.133 lượt lao động, ngoài tỉnh 7.229 lượt lao động, hợp đồng lao động đi làm việc nước ngoài 102 lao động, đạt 55,61% kế hoạch.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo mới 15.411 người, đạt 61,64% so kế hoạch.

8.2. Về chính sách an sinh xã hội

Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 14/9/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho các nhóm chính sách tổng số đối tượng là 154.333 người, tổng số kinh phí là 168,4 tỷ đồng, đã tổ chức chi hỗ trợ cho 136.509 người, số tiền là 139,7 tỷ đồng; từ nguồn kinh phí địa phương đã hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác là 103.060 đối tượng với tổng số tiền hơn 154,5 tỷ đồng, trong đó đã chi 86.724 người lao động với tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng. Phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho 15 huyện, thành phố tổng số 151.878 đối tượng với hơn 2.278 tấn gạo.

 Chăm lo chính sách người có công với cách mạng, tháng 9 xác lập thẩm định 48 hồ sơ người có công, trong quý III là 383 hồ sơ, lũy kế từ đầu năm đến nay 1.530 hồ sơ.

8.3. Tình hình Giáo dục

Các cơ sở giáo dục đã chú trọng tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phương pháp học tập sáng tạo cho học sinh. Các trường học đã triển khai linh hoạt, có hiệu quả việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp theo từng chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và điều kiện đặc thù của địa phương. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã chủ động và nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy và UBND trong phòng chống dịch Covid-19; tổ chức thực hiện giãn cách trong phân công làm việc tại cơ quan và tại nhà hiệu quả. Tiếp tục giữ vững thành quả về hiệu lực quản lý của ngành từ Sở đến các cơ sở giáo dục.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, còn diễn biến phức tạp nên ngành đã chủ động tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến; tổ chức học trực tuyến cho học sinh khối lớp 9 và học sinh khối lớp 12 trong toàn tỉnh.

8.4. Hoạt động Văn hóa, Thể thao

Hoạt động văn hóa: Tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước. Các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng.

9 tháng đầu năm 2021, Tổng số di tích được xếp hạng đến nay là 56 di tích (trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh). Nghệ thuật biểu diễn: Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang và Đoàn Nghệ thuật Khmer dàn dựng và nâng cấp 04 chương trình nghệ thuật tổng hợp mới, tổ chức 19 buổi biểu diễn, với 22 ngàn lượt người xem.

Hoạt động thể dục, thể thao: Tổ chức tổng kết khen thưởng cho 77 huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích xuất sắc năm 2020. Tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức Đại hội TDTT các cấp tỉnh Kiên Giang lần thứ IX năm 2021 - 2022 và phương pháp tổ chức các giải thi đấu thể thao.

Thể dục thể thao quần chúng Theo kế hoạch 9 tháng đầu năm 2021, sẽ đăng cai tổ chức 10 giải thể thao cấp tỉnh, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tạm hoãn công tác tổ chức các giải theo kế hoạch; chỉ phối hợp tổ chức Giải Bóng đá Futsal tỉnh Kiên Giang mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu năm 2021 và Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang năm học 2020 – 2021.

8.5. Tình hình y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan trong cộng đồng trên các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, phân luồng người bệnh và cách ly y tế và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ đến/trở về từ các khu vực có dịch, ổ dịch; Chỉ đạo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp...Tiếp tục điều tra, truy vết, cách ly những trường hợp nhập cảnh trái phép và trở về từ vùng dịch; kiểm tra Bộ tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, phòng khám và trạm y tế.

Tính đến ngày 20/9/2021, toàn tỉnh ghi nhận 4.674 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó 106 ca nhập cảnh và 4.568 ca nhiễm trong tỉnh); đã điều trị khỏi 2.280 trường hợp; 48 trường hợp tử vong; 2.346 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh.

Hiện tại toàn tỉnh cách ly tập trung 2.382 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 4.846 trường hợp. Tổng số trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 135.554 trường hợp; trong đó số trường hợp có kết quả dương tính là 4.674 trường hợp.

- Bệnh Sốt xuất huyết, bệnh Tay chân miệng... có xu hướng tăng, bệnh tiêu chảy, cúm mùa và bệnh sởi sốt phát ban nghi sởi có xu hướng giảm[16]. Không có trường hợp nào tử vong.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 11.626 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 1.922 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP. Đã xử lý bằng hình thức nhắc nhỡ và hướng dẫn 1.604 cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm, xử phạt VPHC 32 cơ sở với số tiền 101 triệu đồng, tiêu hủy sản phẩm vi phạm 39 cơ sở gồm 124 loại sản phẩm không có nhãn, quá hạn sử dụng, chứa hóa chất ngoài danh mục của Bộ Y tế. Toàn tỉnh có 34 cas ngộ độc thực phẩm lẻ do ngộ độc cồn, không có trường hợp tử vong.

Ước tính đến 30/9/2021 tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,28%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,27%, tương ứng với 111.309 người (trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 88.908 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 22.401 người); tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 9,10% tương ứng với 78.111 người tham gia.

8.6. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/8/2021 đến 14/9/2021, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm 5 người chết, 01 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng 03 vụ, tăng 4 người chết. Tính chung 9 tháng đầu năm (từ 15/12/2020 đến 14/9/2021) toàn tỉnh xảy ra 84 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 75 vụ, đường thủy 9 vụ), làm 56 người chết, 45 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 4 vụ (giảm 4,55%), tăng 03 người chết (tăng 5,66%) và giảm 10 người bị thương (giảm 18,18%).

Tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng tăng hơn so với tháng trước, nhưng tính chung từ đầu năm đến nay đã giảm 02 trên 03 tiêu chí so với cùng kỳ (cụ thể giảm số vụ và giảm số người bị thương) chỉ tăng trên 01 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước (tăng số người chết). Các ngành chức năng cần thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông khi tham gia giao thông, để mọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

8.7. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy, nổ: từ ngày 15/8/2021 đến 14/9/2021 toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, không có vụ nổ. Cụ thể: Vào lúc 05h01 vào ngày 01/09/2021 xảy ra cháy xe tải hiệu HYUNDAI tải trọng 3,3 tấn, biển kiểm soát 68C-006.64 đang đổ tại ấp 7 Xáng, xã Đông Hòa, huyện An Minh. Nguyên nhân cháy là do chập điện. Ước thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng, không thiệt hại về con người. Số lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, 01 vụ nổ, làm bị thương 01 người và chết 01 người. Thiệt hại về vật chất ước tính lũy kế trên 5,3 tỷ đồng.

Tình hình thiên tai: từ ngày 15/8/2021 đến 14/9/2021 trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa giông, gió lớn làm sập 03 căn nhà (tại huyện An Biên 01 căn và huyện Châu Thành 02 căn nhà), bị thương 1 người, ước thiệt hại về vật chất khoảng 60 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do ảnh hưởng tình hình thời tiết, thiên tai đã làm sập hoàn toàn 123 căn nhà, tốc mái 202 căn nhà, làm bị thương 18 người, chết 02 người. Thiệt hại về vật chất ước tính hơn 10,2 tỷ đồng.

Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2021./.

 

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác