Thứ hai, 00/00/2023
°

Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022

Ngày 26/12/2022 - 11:02:00 | 5629 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Tính đến 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Thông tin chi tiết như sau:

1. Tình hình ĐTNN năm 2022

1.1. Tình hình hoạt động

Vốn thực hiện:

Tính tới 20/12/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu: Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt gần 276,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 274,1 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt gần 234,7 tỷ USD, tăng 7,4 % so cùng kỳ và chiếm 65,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong năm 2022, khu vực ĐTNN xuất siêu 41,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 39,5 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 30,8 tỷ USD.

1.2. Tình hình đăng ký đầu tư

Tính đến 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể:

Vốn đăng ký mới: Có 2.036 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 17,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,45 tỷ USD (giảm 18,4% so với cùng kỳ).

Vốn điều chỉnh: Có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD (tăng 12,2% so với cùng kỳ).

Góp vốn, mua cổ phần: Có 3.566 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 6,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 5,15 tỷ USD (giảm 25,2% so với cùng kỳ).

Theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư:

Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022 (chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt GVMCP).

Theo địa bàn đầu tư:

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.

Về số dự án mới, các nhà ĐTNN tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt GVMCP (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3% sau Hà Nội là 18,6%).

2. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới 20/12/2022

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 438,69 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Theo ngành: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 260,1 tỷ USD (chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 66,3 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,3 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư).

- Theo đối tác đầu tư: Đến nay đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 70,8 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, ...

- Theo địa bàn: các nhà ĐTNN đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với hơn 55,8 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 39,6 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 38,7 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư)./.

 


FDI_12.2022.xlsx Tải về

Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác