Thứ hai, 00/00/2023
°

Họp báo Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam năm 2022

Ngày 03/11/2022 - 14:10:00 | 1636 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 03/11/2022, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022), Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 14 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới” sẽ diễn ra vào ngày 23/11/2022.

Diễn đàn M&A Việt Nam là hoạt động thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Diễn đàn là nơi quy tụ các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như những người đang rất quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư và thông tin về thị trường M&A tại Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A thông qua việc đánh giá, phân tích các thương vụ điển hình, là kênh kết nối và xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Lê Trọng Minh phát biểu tại họp báo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, đến nay hoạt động M&A đã không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài. Nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại. Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với nhà đầu tư nước ngoài. Sự bùng nổ của những hoạt động kinh tế mới, nhất là những lĩnh vực công nghệ đầy sáng tạo khiến những phương thức hợp tác truyền thống trở nên dường như kém hiệu quả hơn…

Theo chương trình dự kiến, Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 sẽ diễn ra các hoạt động chính, bao gồm: Hội thảo chuyên đề M&A với hai chủ đề “Cơ hội M&A trong thị trường đầy biến động” và “Thiết lập các giá trị mới”, tập trung thảo luận về những biến động tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đang và sẽ ảnh hưởng thế nào đến xu hướng M&A vào các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng; những giá trị mới được tạo ra từ các thương vụ M&A trong bối cảnh mới hiện nay; xu hướng và giá trị được chú trọng trong các thương vụ M&A sắp tới; Kinh nghiệm vượt qua những khó khăn, rào cản khi thực hiện thương vụ M&A và cùng nhau thiết lập các giá trị mới.

Bên lề Diễn đàn Ban Tổ chức cũng sẽ dành không gian và thời gian cho các hoạt động kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục vinh danh các Thương vụ và Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021-2022.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu. Ảnh: MPI

Chia sẻ về những chính sách tác động đến thị trường M&A, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thông điệp của Chính phủ là luôn cố gắng để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và được thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, việc ổn định chính sách kinh tế vĩ mô sẽ gặp những thách thức do những yếu tố tác động bên ngoài, các yếu tố biến biến động bất định. Các chính sách hiện nay được sửa đổi, ban hành mới đều có mục tiêu rất rõ ràng là tạo điều thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động mua bán, sáp nhập.

Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đưa ra mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp về thị trường vốn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022) với những mục tiêu, giải pháp rất mạnh mẽ. Đây cũng là cơ hội cho thị trường M&A trong thời gian tới./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác