Thứ hai, 00/00/2023
°

Xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

Ngày 08/09/2023 - 15:38:00 | 1831 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 3436/BKHĐT-QLKKT ngày 26/5/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đề nghị các địa phương đánh giá tình hình thực thi pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế và đề xuất các nội dung, chính sách cần quy định tại Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nghiên cứu và lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Hồ sơ xây dựng Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo dự thảo tờ trình, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn cả nước đã hình thành hệ thống các KCN, KKT gồm: 407 KCN, trong đó có 04 KCX được thành lập , với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 128.684 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha, chiếm khoảng 67% diện tích đất thành lập.

Trong số 407 KCN nêu trên, 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 92.921 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 62.991 ha và 115 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên 35.763 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 292 KCN đã đi vào hoạt động là 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72%; có 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực ven biển.

Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, một trong những nguyên nhân chính là thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT chưa được hoàn thiện, chưa có sự sáng tạo, đột phá để thích ứng với yêu cầu phát triển, tạo hướng đi mới cho phát triển KCN, KKT.

Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây. Cạnh tranh giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư ngày càng gia tăng. Dư địa để cơ quan quản lý điều tiết hoạt động hiệu quả của KCN, KKT còn hiện hữu. Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các KCN, KKT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đề ra, việc xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu xây dựng Luật nhằm tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về KCN, KKT; Quy hoạch và phát triển KCN, KKT phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Ưu đãi đầu tư phù hợp, đẩy mạnh thu hút đầu tư; trong đó có các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KCN, KKT mới; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn xây dựng, phát triển các KCN, KKT và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi có thể tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn. Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”; hỗ trợ thu hút và phát triển liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong KCN, KKT.

Quan điểm xây dựng Luật là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các KCN, KKT./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác