(MPI) - Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ngày 08/12/2023, Hội đồng thẩm định nhà nước đã tiến hành thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tham dự cuộc họp có thành viên có đại diện các bộ, ngành liên quan theo Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 15/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành Hội đồng thẩm định nhà nước Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu. Ảnh: MPI |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trình bày báo cáo tóm tắt đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và cho biết, tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội giao “Trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực.
Từ quan điểm chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao Ủy ban Dân tộc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG DTTS&MN theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 được Quốc hội ban hành là một chương trình MTQG mới nên Chương trình MTQG DTTS&MN chưa có sự kế thừa kinh nghiệm triển khai; bản thân cơ quan chủ chương trình mới là lần đầu tiên được giao nhiệm vụ quản lý một chương trình MTQG lớn, mang quan điểm đầu tư tổng thể. Đồng thời công tác chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình có sự tham gia của nhiều Bộ, cơ quan trung ương, với rất nhiều các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện do áp lực về thời gian nên việc ban hành chưa sát với thực tiễn đặt ra như đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng, địa bàn triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình.
Một số nguyên tắc, cơ chế, quy định áp dụng cho Chương trình như: tăng cường lồng ghép nguồn lực, lồng ghép vốn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền... chủ yếu mới triển khai ở góc độ chủ trương, khuyến khích triển khai hoặc nguyên tắc chung chung, thiếu tính đồng bộ so với quy định tại Luật, văn bản pháp lý được ban hành nên nhiều địa phương gặp lúng túng, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Chương trình, các địa phương đã có đề xuất điều chỉnh Chương trình.
Bên cạnh đó, do có một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Ủy ban Dân tộc thấy cần thiết phải làm thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình, nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; về nội dung đề xuất điều chỉnh, Ủy ban Dân tộc đã có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, có đánh giá toàn diện thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến nay, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Cơ quan thường trực của Hội đồng (Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày báo cáo tóm tắt Báo cáo thẩm định sơ bộ Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình MTQG DTTS&MN; tập trung cho ý kiến đối với các nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương và lý do điều chỉnh như điều chỉnh phạm vi thực hiện Chương trình; căn cứ pháp lý, sư cần thiết phải điều chỉnh; đối tượng, phạm vi, nội dung, chỉ tiêu cụ thể của các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình theo thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành các nội dung đề ra. Đồng thời đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm; nhấn mạnh, đây là chương trình tích hợp từ các chương trình, trong đó đưa ra nhiều mục tiêu dự án cụ thể. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai Chương trình có những vướng mắc nhất định.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết, quan điểm mục tiêu, phạm vi có điều chỉnh; làm rõ luận cứ các đối tượng, phạm vi điều chỉnh; đặc biệt phải bám sát Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì xây dựng nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư MTQG DTTS&MN trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chương trình MTQG DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư