Thứ hai, 00/00/2023
°

Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện khá rõ nét tư duy, tầm nhìn, khát vọng phát triển

Ngày 10/07/2023 - 19:08:00 | 2634 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chiều ngày 10/7/2023, Hội đồng thẩm định cho ý kiến và thống nhất đánh giá, quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện khá rõ nét tư duy, tầm nhìn, khát vọng phát triển mới; tiến hành bỏ phiếu thông qua hồ sơ quy hoạch với kết quả 100% đồng ý với điều kiện nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện.

 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan là thành viên Hội đồng; các chuyên gia, ủy viên phản biện. Về phía thành phố Hải Phòng có: Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành liên quan và đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thành phố.

Hải Phòng có vị trí thuận lợi gắn kết về mặt không gian, lãnh thổ của miền Bắc, là điểm nối vùng duyên hải Đông Bắc trù phú với vùng duyên hải nam Đồng bằng sông Hồng kém phát triển hơn. Hải Phòng cũng là một trong số ít các địa phương có đầy đủ cả 5 phương thức vận tải: đường không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường bộ cao tốc (trong đó có tuyến cao tốc ven biển và cao tốc nối với Hà Nội và Hạ Long). Điểm đặc biệt, với vị trí giáp Quảng Ninh, Hải Phòng có thể cùng Quảng Ninh tương hỗ, bổ trợ cùng phát triển, nhất là các liên kết trong phát triển kinh tế biển.

Theo dự thảo quy hoạch, mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; có dịch vụ phát triển hiện đại, là trung tâm du lịch biển quốc tế, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trung tâm logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới, thành phố hàng hải toàn cầu với ba trụ cột phát triển chính: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Trong thời kỳ quy hoạch, Thành phố tập trung thực hiện 3 đột phá phát triển gồm: cảng biển- logistics, chuyển đổi số và du lịch. Quy hoạch thành phố Hải Phòng bố trí không gian phát triển thành phố theo 4 vùng chức năng: công nghiệp - cảng biển; du lịch; nông nghiệp cân bằng sinh thái và vùng biển - hải đảo. Trên cơ sở phân vùng chức năng, thành phố tập trung phát triển các vùng có vai trò động lực: Trung tâm cảng biển, logistics, công nghiệp, thương mại, tài chính, gắn với khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, đô thị mới; Trung tâm hành chính - chính trị tập trung tại khu đô thị mới; Trung tâm du lịch; hình thành trung tâm đô thị mới khu vực Nam Đồ Sơn.

Tham gia ý kiến đối với quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia phản biện đều đánh giá, quy hoạch được xây dựng công phu, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu hiện nay; đã bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị; định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể quốc gia; cụ thể hóa được các Quy hoạch ngành quốc gia để tích hợp đầy đủ các nội dung, định hướng phát triển vào các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn Thành phố.

Các ý kiến, đề nghị làm rõ, bổ sung một số vấn đề lớn như phát triển đô thị thông minh; luận giải kỹ hơn về các khâu đột phá theo hướng cảng biển - logictics, công nghiệp, đô thị; làm rõ hơn phương án thành lập Khu Kinh tế ven biển Nam Hải Phòng; bổ sung các ngành công nghiệp có tính chất phát triển bền vững; chỉ rõ hơn định hướng phát triển logictics tương xứng với vai trò vị thế và trung tâm vùng; chú trọng phát triển đường sắt đô thị, khai thác không gian ngầm; cân nhắc quỹ đất phát triển các khu du lịch; đề xuất phương án liên kết vùng, liên kết không gian; rà soát kế hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh.

Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển, các ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh và các phương án đề xuất trong thời kỳ quy hoạch của thành phố đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng chiến lược và các quy định của pháp luật liên quan, nhất là phù hợp Nghị quyết số 81/2023/QH15, phù hợp với lợi thế và đặc thù của thành phố; nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh và bền vững, đồng thời gắn với quan điểm tiếp tục đổi mới tư duy đột phá, phát huy sự năng động, sáng tạo, xây dựng thành phố thành một trong những cực tăng trưởng của vùng động lực phát triển; Phân tích sâu sự phát triển bền vững trước những biến động về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và vấn đề lún sụt đất do đất trầm tích và tăng cường hợp tác, liên kết với nước ngoài.

Về kịch bản phát triển và lựa chọn phương án phát triển, bổ sung, tính toán dự kiến nhu cầu vốn đầu tư đối với giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo nguồn lực thực hiện đối với quy hoạch, trên cơ sở đó xác định thứ tự ưu tiên của các dự án, công trình quan trọng và phân kỳ từng năm, trong đó chi tiết cơ cấu nguồn vốn của từng dự án để làm cơ sở thực hiện. Về phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, khu vực có vai trò động lực, xem xét rà soát, bổ sung, xác định rõ các khu vực có vai trò động lực, thế mạnh của từng khu vực để từ đó định hướng, xây dựng phương án phát triển các khu vực động lực trở thành trung tâm phát triển, tạo sức lan tỏa, kết nối, thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã hoàn thành chương trình đề ra và tiến hành biểu quyết thông qua bằng phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, quy hoạch thành phố Hải Phòng được cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc; đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện nghiêm túc quy trình lập. Nội dung quy hoạch thể hiện khá rõ nét tư duy, tầm nhìn khát vọng phát triển mới của Thành phố. Hồ sơ quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của thành viên Hội đồng, chuyên gia và kết luận của Chủ tịch Hội đồng. Trong đó làm rõ các vấn đề như xác định rõ vị trí đặc biệt của thành phố Hải Phòng, trung tâm cảng biển của quốc gia, nằm trên hai hành lang kinh tế chiến lược, là cực tăng trưởng trong khu vực tam giác phát triển khu vực phía Bắc, vành đai ven biển của vịnh Bắc Bộ với đầy đủ các loại hình giao thông; có hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế biển, logistics.

Đồng thời, làm rõ thêm các điểm nghẽn phát triển trong thời kỳ quy hoạch vừa qua như địa hành bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi, chịu tác động của biến đổi khí hậu; năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tính liên kết, độ mở nền kinh tế chưa tương xứng; phát triển kinh tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vấn đề ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề thách thức trong quá trình phát triển của Thành phố.

Rà soát lại, các quan điểm, mục tiêu, kịch bản tăng trưởng đảm bảo phù hợp với các Nghị quyết số 30, 45, 81, nhất là tốc độ phát triển GRDP để thống nhất quan điểm xây dựng thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng và của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; thực hiện các mô hình kinh tế mới; tăng trưởng xanh; có công nghiệp hiện đại, thông minh; phát triển đô thị thông minh, bền vững; quy mô nền kinh tế thuộc top đầu cả nước; phát triển vượt bậc để đóng góp cho cả nước và cả vùng.

Về các ngành ưu tiên và định hướng mới tạo đột phát phát triển, cần luận chứng làm rõ thêm; các ngành công nghiệp cần chú ý đến ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển bất động sản, đô thị, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, đào tạo phục vụ khai thác ngành kinh tế biển; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về bổ sung các khu, cụm công nghiệp, cần có luận chứng làm rõ sự cần thiết; tỷ lệ lấp đầy hiện nay. Về hình thành khu kinh tế, cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị thành phố Hải Phòng khẩn trương lập báo cáo tiếp thu, giải trình bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và môi trường theo tinh thần nhanh nhưng đảm bảo chất lượng; chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác