Thứ hai, 00/00/2023
°

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 15/09/2023 - 16:14:00 | 494 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 15/9/2023, tại tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và đại diện lãnh đạo 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Hội nghị đã công bố Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hội đồng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã trình bày báo cáo về một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc và kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng các tháng cuối năm 2023 và cho biết, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Thời gian qua Vùng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 8 - 9% GRDP cả nước), chưa địa phương nào trong Vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước, đây vẫn là “vùng trũng” và là “lõi nghèo” của cả nước (tỷ lệ nghèo đa chiều của Vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước).

Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Báo cáo nêu rõ, mục tiêu, định hướng phát triển Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022; Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã định hướng Quy hoạch vùng Vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa Vùng với các vùng khác trong nước.

Về kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc các tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc, theo đó đã đề ra 10 nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng tại Quyết định số 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB ngày 07/9/2023, theo đó quy định 07 phương thức điều phối về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Đầu tư phát triển; Đào tạo và sử dụng lao động; Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển vùng; Giải quyết vấn đề liên kết vùng; Kế hoạch điều phối liên kết vùng; Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Để phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong các tháng cuối năm 2023, trong đó tập trung một số nhiệm vụ như nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực gắn với định hướng không gian phát triển để tích hợp trong Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp tỉnh của từng địa phương đang xây dựng; khẩn trương thành lập các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để giúp Hội đồng điều phối vùng và các thành viên Hội đồng điều phối vùng thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Các Bộ ngành trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp, tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy; tăng cường trách nhiệm, vai trò chủ động và sáng tạo huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia… trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.

Tuyên truyền, quán triệt, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Các địa phương trong vùng cần xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông; phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối, các dự án cao tốc, quốc lộ, các dự án đi qua địa bàn 2 địa phương; nghiên cứu cơ chế và lộ trình phù hợp để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng hoặc nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên phân bổ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nâng tỷ lệ dư nợ ngân sách địa phương, vay vốn ODA. Ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đã được xác định tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, thảo luận về một số chính sách về phát triển kinh tế biên giới, hạ tầng thương mại cửa khẩu gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng logistic khu vực cửa khẩu, khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới; nguồn lực để lại đầu tư hạ tầng cửa khẩu từ thuế xuất nhập khẩu, đầu tư hạ tầng biên giới. Đây là các nội dung rất cần thiết để tạo động lực phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là các địa phương có các cửa khẩu; các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thủy điện, chia sẻ nguồn nước gắn với chính sách thu nhập tăng thêm dịch vụ môi trường rừng, thí điểm thị trường các bon, kinh tế dưới tán rừng; đề xuất các chính sách về an sinh xã hội; cơ chế phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn vùng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc trước những khó khăn nhiều mặt và cho rằng, trong điều kiện ngân sách Trung ương và cả địa phương có hạn, rất cần có tư duy mới, cách làm mới nhằm tăng cường tính kết nối, đồng bộ giữa các địa phương để phát triển bền vững; phải có ưu tiên, đặc biệt là trong điều kiện nguồn lực có hạn; phải có tính khả thi và chỉ ra được nguồn lực theo thẩm quyền của mình để điều chỉnh quy mô hợp lý hơn cho từng công trình của địa phương với tính chất liên kết vùng; trước mắt tập trung vào kết nối giao thông và tạo sinh kế từ rừng để người dân sống được bằng rừng và từng bước khá lên từ rừng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, hoàn thành đúng hạn trước ngày 31/12/2023 theo đúng tinh thần các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy; thực hiện việc xúc tiến thương mại theo quy mô vùng, vừa chú trọng giới thiệu quả bá tiềm năng, lợi thế của mình nhưng đồng thời cũng lắng nghe, nắm bắt nhu cầu, mong muốn của các nhà đầu tư./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác