Thứ hai, 00/00/2023
°

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2023 tỉnh Cao Bằng

Ngày 29/03/2023 - 13:45:00 | 746 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Tại thời điểm tháng 3/2023, các tổ chức quốc tế đưa ra những nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Một số tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 so với các dự báo đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10/2022. Fitch Ratings (FR) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn được cải thiện đáng kể khi đạt mức 2,0% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2022. Điều chỉnh tăng dự báo dựa trên một số tín hiệu tích cực như Trung Quốc mở cửa trở lại, khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu giảm đáng kể và khả năng phục hồi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong ngắn hạn của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2023, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.

Ngân hàng Thế giới nhận định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi. Trước những khó khăn trong nước và ngoài nước, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 6,3% năm 2023. 

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương; trách nhiệm, bản lĩnh; sáng tạo, hiệu quả” và chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị mình. Kết quả thực hiện tình hình kinh tế - xã hội trong quý I năm 2023 đạt được như sau:

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, khô hạn kéo dài, thiếu nước sản xuất làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi phát triển tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước; sản xuất lâm nghiệp ổn định; thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.  

1. Nông nghiệp

Cây hàng năm

Sản xuất nông nghiệp tháng 3 tập trung làm đất, trồng lúa, ngô và các hoa màu khác vụ đông xuân, đồng thời tiếp tục chăm sóc và thu hoạch thuốc lá, rau đậu các loại. 

Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, trong quý I các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng và đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch cung ứng các loại giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện cần thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp đảm bảo kế hoạch mùa vụ. Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2023, tiến độ gieo trồng các loại cây như sau: 

Cây lúa trồng được 629 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 2,18% hay giảm 14 ha; cây ngô trồng được 14.801 ha, giảm 2,62% hay giảm 399 ha; diện tích gieo trồng lúa, ngô giảm do năm nay nhuận hai tháng 02 nên mùa vụ diễn ra muộn hơn so với năm trước, bên cạnh đó thời tiết khô hạn, thiếu nước sản xuất cũng ảnh hưởng tiến độ gieo trồng. Cây thuốc lá trồng được 3.655 ha, tăng 11,98% hay tăng 391 ha so với cùng kỳ năm trước, hiện nay bà con nông dân đang tiếp tục chăm sóc và thu sấy sản phẩm của một số diện tích trồng sớm; cây khoai lang trồng được 67 ha, tăng 34% hay tăng 17 ha; cây mía trồng được 695 ha, tăng 45,7% hay tăng 218 ha; cây đậu tương trồng được 361 ha, giảm 2,17% hay giảm 8 ha; cây lạc trồng được 122 ha, tăng 1,67% hay tăng 2 ha; rau các loại trồng được 1.088 ha, giảm 1,36% hay giảm 15 ha. Nhìn chung tiến độ gieo trồng đảm bảo kế hoạch mùa vụ. 

Cây lâu năm

Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường, đồng thời đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc một số cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp và trồng mới các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như: mít, na, bưởi, lê, mận... Ước tính trong quý, sản lượng thu hoạch một số cây trồng đạt được như sau: cây chuối thu hoạch đạt 746 tấn, giảm 27 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây dứa thu hoạch đạt 53 tấn, tăng 3 tấn; cây cam thu hoạch đạt 321 tấn, tăng 11 tấn, bưởi thu hoạch 118 tấn, tăng 2 tấn...

Tình hình dịch bệnh trên cây trồng 

Thời tiết trong quý khô hanh, kèm nhiều đợt sương muối ở đầu quý tạo điều kiện cho sâu, bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh như: bệnh khảm lá virus, bệnh đốm mắt cua, sâu xanh, thán thư trên cây thuốc lá; sâu xám, sâu gai, sâu keo mùa thu trên cây ngô; bệnh rệp, sâu xanh, sâu khoang, bệnh sương mai, sâu tơ, thối nhũn trên rau các loại; bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh thán thư trên cây ăn quả… gây hại nhẹ - trung bình. Các ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng. 

Chăn nuôi 

Tình hình chăn nuôi trong quý I năm 2023 phát triển tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng đàn trâu ước tính 105.047 con, giảm 0,17% hay 184 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò ước tính 103.877 con, giảm 0,23% hay giảm 1.298 con so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 571 tấn, tăng 3,63% hay tăng 20 tấn so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 560 tấn, tăng 3,13% hay tăng 17 tấn so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng đàn lợn ước tính 325.252 con, tăng 3,21% hay tăng 10.126 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 5.729 tấn, tăng 1,56% hay tăng 88 tấn so với cùng kỳ năm 2022. 

Tổng đàn gia cầm ước tính 2.800,65 nghìn con, tăng 0,07% hay tăng 1,95 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 1.682 tấn, tăng 2,13% hay tăng 35 tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 7.519 nghìn quả, tăng 0,78% hay tăng 58 nghìn quả so cùng kỳ năm trước. 

Công tác thú y trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, cung ứng đầy đủ, kịp thời vacxin, hoá chất,  và các vật tư cần thiết để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác giám sát dịch bệnh được quan tâm thực hiện, các ổ dịch bệnh được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan ra diện rộng. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển nội địa được quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhằm khống chế các dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, trong quý xuất hiện bệnh Lở mồm long móng trên đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) và dịch cúm gia cầm H5N1, hiện nay đã được khống chế. 

Tính từ đầu năm đến ngày 14/3/2023, trên toàn tỉnh phát sinh 01 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại huyện Thạch An với tổng số gia cầm mắc và buộc tiêu huỷ là 450 con, ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Bệnh Lở mồm long móng phát sinh lẻ tẻ ở các địa phương làm chết 14 con gia súc các loại. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 21 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi...; 135 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng...; 480 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, tụ huyết trùng...

2. Lâm nghiệp

Trong tháng, sản xuất lâm nghiệp tập trung kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ và khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các hộ gia đình có diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang và chặt tỉa… Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng, bổ sung và tuyên truyền rộng rãi đến từng địa phương. 

Tính chung quý I năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh ước tính đạt 266 ha, tăng 245,45% hay tăng 189 ha so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu được trồng trong tháng 3. Sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 2.065 m³, giảm 4,31% hay giảm 93 m³ so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác ước tính đạt 187.179 ster, giảm 0,71% hay giảm 1.329 ster so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại trong quý là 14,96 ha, trong đó: 4,63 ha do cháy rừng; 10,33 ha do chặt phá rừng. 

3. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản tháng 3 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại thuỷ sản để cải tạo, tu sửa hệ thống ao, hồ kịp thời thả giống cho vụ mới. Việc khai thác các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt thấp. 

Tổng sản lượng thủy sản ước tính quý I đạt 140,74 tấn, giảm 3,28% hay giảm 4,78 tấn so với quý I/2022, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 124,44 tấn, giảm 3,72% hay giảm 4,81 tấn so với cùng kỳ; sản lượng thu được từ khai thác 16,3 tấn, tăng 0,18% hay tăng 0,03 tấn so cùng kỳ năm trước. 

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 

Sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I năm 2023 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước, số tăng chủ yếu ở ngành chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định; ngành sản xuất và phân phối điện giảm do khô hạn, mực nước xuống thấp ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy sản xuất điện. 

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3/2023 ước tính tăng 8,51% so với tháng trước và tăng 38,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 202,36%; ngành chế biến, chế tạo tăng 39,9%, số tăng chủ yếu là ngành sản xuất kim loại, tăng 82,25% do công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng tăng sản lượng sản phẩm sản xuất (dự kiến sản lượng tháng 3 tăng 95,43% so với cùng kỳ năm trước); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,85%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,51%. 

Tính chung quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng tăng 33,37%; ngành chế biến, chế tạo tăng 26,83%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 21,88%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,81%.

Các sản phẩm sản xuất trong quý I năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022: xi măng tăng 295,34%; chiếu trúc, chiếu tre tăng 163,38%; cát tự nhiên các loại tăng 92,64%; sắt, thép không hợp kim dạng bán thành phẩm (phôi thép) tăng 68%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 19,25%; gạch xây tăng 12,27%; đá xây dựng tăng 6,61%; nước tinh khiết tăng 4,36%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: manggan và các sản phẩm của manggan giảm 42,31%; điện sản xuất giảm 26,54%; quặng manggan và tinh quặng manggan giảm 25,91%; sản phẩm in khác giảm 5,7%; nước uống được giảm 5,46%; điện thương phẩm giảm 5,08%; đường giảm 1,76%. 

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2023 giảm 13,81% so với cùng kỳ năm trước và giảm 19,42% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 39,17%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 24,5%; sản xuất kim loại giảm 9,94%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 170,98%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 32,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 19,25%; sản xuất đồ uống tăng 4,09%.  

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 3 năm 2023 tăng 57,31% so với tháng trước và tăng 9,65% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất kim loại tăng 458,44%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 42,01%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 0,61%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: in, sao chép bản ghi các loại giảm 17,38%...

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 3 năm 2023 giảm 0,82% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,72%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 6,39%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,27%, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 5,33%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 7,06%. 

III. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ khi nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như những sức ép từ bên ngoài làm cho giá cả các mặt hàng leo thang, chi phí sản xuất tăng, lãi suất ở mức cao đã hạn chế nguồn vốn sản xuất kinh doanh… vì vậy hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh an toàn, hạn chế rủi ro. Trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 18,91% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 25%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh bằng với cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp dự báo quý II/2023 tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn so với quý I/2023 với 62,5% doanh nghiệp dự báo tốt hơn.

1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 

Từ ngày 01/3/2023 - 16/3/2023 có 09 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 266,2 tỷ đồng; đăng ký hoạt động cho 03 đơn vị trực thuộc; thay đổi đăng ký kinh doanh cho 20 doanh nghiệp và 05 đơn vị trực thuộc. 

Từ đầu năm đến ngày 16/3/2023, có 30 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 390,23 tỷ đồng, giảm 18,91% về số doanh nghiệp và tăng 191% tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022; đăng ký hoạt động cho 19 đơn vị trực thuộc; thay đổi đăng ký kinh doanh cho 50 doanh nghiệp và 16 đơn vị trực thuộc. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 13 tỷ đồng. Ngoài ra, có 31 doanh nghiệp và 09 đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động; 57 doanh nghiệp và 15 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng kinh doanh; 03 doanh nghiệp và 04 đơn vị trực thuộc giải thể tự nguyện; 07 doanh nghiệp thông báo giải thể tự nguyện.

2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 12,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022; 87,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn. Dự kiến quý II/2023 so với quý I/2023, có 62,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt lên; 37,5% số doanh nghiệp dự báo ổn định. 

Về khối lượng sản xuất, có 6,25% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2023 giảm so với quý IV/2022; 93,75% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và tăng. Xu hướng này được các doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục ở quý II/2023. 

Về đơn đặt hàng, có 12,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2023 giảm so với quý IV/2022; 87,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và tăng. Xu hướng quý II/2023 so với quý I/2023, 93,75% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và tăng lên; 6,25% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm. 

Về giá bán bình quân, có 25% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý I/2023 tăng so với quý IV/2022; 68,75% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định; 6,25% số doanh nghiệp có giá bán bình quân giảm. Xu hướng quý II/2023 so với quý I/2023, 93,75% số doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên giá bán bình quân; 6,25% số doanh nghiệp giảm giá bán.

IV. VỐN ĐẦU TƯ 

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2023 chỉ bằng 42,05% so với quý trước và giảm 12,40% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư tăng ở khu vực Nhà nước và giảm ở khu vực ngoài Nhà nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong kỳ không thực hiện đầu tư.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2023 theo giá hiện hành ước thực hiện được 1.441,31 tỷ đồng, bằng 42,05% so với quý trước và giảm 12,40% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước vốn đầu tư thực hiện quý I giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu giảm ở khu vực doanh nghiệp và hộ dân cư do các dự án lớn doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cơ bản đã hoàn thiện trong năm 2022, đồng thời do lãi suất cho vay tăng cao thời gian qua cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn để đầu tư. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế và thu nhập hộ gia đình vẫn bị ảnh hưởng từ khi dịch Covid-19, nên hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở và thói quen chi tiêu, mua sắm tài sản của hộ gia đình đã giảm đi đáng kể.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2023 theo giá hiện hành bao gồm: Vốn đầu tư khu vực Nhà nước 862,44 tỷ đồng, tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 578,87 tỷ đồng, giảm 33,14%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không thực hiện đầu tư.

Trong 453,49 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước có 398,49 tỷ đồng vốn địa phương quản lý, tăng 19,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 378,88 tỷ đồng, tăng 22,53%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 19,61 tỷ đồng giảm 15,56%.

Trong quý I năm 2023, tình hình thực hiện vốn khu vực Nhà nước chủ yếu thi công các công trình chuyển tiếp và tập trung hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư các công trình mới theo kế hoạch vốn năm 2023. Trong quý tỉnh đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ mang tính đột phá, đặc biệt là việc triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng), đây là dự án đầu tư công quan trọng nhất của Cao Bằng hiện nay, một trong những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. 

V. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán vì vậy doanh thu các ngành quý I năm 2023 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2023 đạt 823,18 tỷ đồng, tăng 7,84% so với tháng trước, tăng 37,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 632,28 tỷ đồng, tăng 29,36%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 132,75 tỷ đồng, tăng 81,32%; du lịch lữ hành ước đạt 0,57 tỷ đồng tăng gấp hơn 5 lần; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 57,59 tỷ đồng, tăng 66,69% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính quý I năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.552,4 tỷ đồng, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.982,73 tỷ đồng, tăng 39,93% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm ngành hàng doanh thu đều tăng so với cùng kỳ, chỉ có nhóm gỗ và vật liệu xây dựng doanh thu giảm 6,1%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 388,85 tỷ đồng, tăng 99,61% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu lưu trú tăng 149,22%; doanh thu ăn uống tăng 95,66%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao so với cùng năm trước do khách du lịch đã đến tỉnh nhiều hơn sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 1,63 tỷ đồng, tăng 248,74%. Bắt nhịp với phát triển du lịch trên cả nước, tỉnh Cao Bằng đã và đang định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đây là cơ hội cho du lịch tỉnh có thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn để đón du khách trở lại. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và kích cầu du lịch, đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phạm vi quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Cao Bằng “thân thiện, an toàn và hấp dẫn”, tiếp tục thực hiện tốt các nội dung về bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước tính đạt 179,19 tỷ đồng, tăng 81,93% so với cùng kỳ năm trước.

2. Hoạt động xuất, nhập khẩu 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý từ đầu năm đến ngày 15/3/2022 ước tính đạt 92,6 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15% so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,2 triệu USD, tăng 214%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 34,3 triệu USD, tăng 7%; kim ngạch hàng giám sát đạt 23,1 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: hàng thuỷ sản đạt 4,7 triệu USD; hàng rau quả 7,9 triệu USD; hạt điều 7,4 triệu USD; cà phê 2,4 triệu USD; hạt tiêu 1,1 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 2,5 triệu USD.

Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Ô tô các loại 20,8 triệu USD; hàng rau quả 0,6 triệu USD; than các loại 1,3 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 0,9 triệu USD.

3. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2023 giảm 0,54% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng tăng giảm giá so với tháng trước, 3 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm chỉ số giá ổn định, không tăng, không giảm. Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm nhiều nhất với 1,43% do một số mặt hàng lương thực, thực phẩm nguồn cung dồi dào nên giá bán giảm; nhóm may mặc, mũ nón dày dép giảm 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%; nhóm giao thông giảm 0,64% do giá xăng, dầu điều chỉnh giảm; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,49%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,01%.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,12%; thuốc và dịch vụ y thế tăng 0,16%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,06% so với tháng trước. Nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm giáo dục chỉ số giá ổn định, không tăng không giảm so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 năm 2023 tăng 2,22% so với tháng 3 năm 2022, tăng 0,14% so với tháng 12 năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2023 tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá vàng tháng 3 năm 2023 giảm 0,84% so với tháng trước, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân quý I năm 2023 tăng 0,39% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 3 năm 2023 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân quý I năm 2023 tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước.

4. Hoạt động vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2023 ước tính đạt 31,61 tỷ đồng, tăng 9,45% so với tháng trước, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I năm 2023 đạt 92,2 tỷ đồng, tăng 30,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu từ hoạt động vận tải hành khách đạt 34,44 tỷ đồng, tăng 106,81%; doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa đạt 55,83 tỷ đồng, tăng 26,95%; doanh thu từ dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1,54 tỷ đồng, tăng 9,75%; doanh thu bưu chính, chuyển phát 0,39 tỷ đồng, tăng 35,55%.

Vận tải hành khách

Vận tải hành khách tháng 3/2023 ước tính đạt 108,6 nghìn hành khách, giảm 1,99% so với tháng trước; hành khách luân chuyển đạt 9.400,1 nghìn lượt HK.Km, tăng 5,81%. Trong quý I năm 2023, vận tải hành khách ước tính đạt 343,4 nghìn hành khách và đạt 29.564,6 nghìn lượt HK.Km, so với cùng kỳ năm trước tăng 20,75% số hành khách vận chuyển và tăng 104,38% số hành khách luân chuyển. 

Vận tải hàng hoá 

Ước tính vận tải hàng hóa tháng 3/2023 đạt 106,4 nghìn tấn và đạt 5.810,6 nghìn tấn.km, so với tháng trước hàng hóa vận chuyển tăng 2,9%, hàng hóa luân chuyển tăng 13,72%. 

Vận tải hàng hóa trong quý I ước tính đạt 298,8 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 2,1%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 17.206,9 nghìn tấn.km, tăng 81,17% so với cùng kỳ năm trước.

VI. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG

1. Thu chi ngân sách Nhà nước 

Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước, các giải pháp tăng thu được triển khai đồng bộ để tăng thu đảm bảo đạt và vượt kế hoạch giao; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 16/3/2023 đạt 407.221 triệu đồng, bằng 107% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 220.776 triệu đồng, bằng 99% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 185.945 triệu đồng, bằng 117% so với cùng kỳ năm trước; thu các khoản huy động, đóng góp 500 triệu đồng. 

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến 16/3/2023 đạt 1.158.620 triệu đồng, bằng 128% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 73.915 triệu đồng, bằng 385% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên và mục tiêu sự nghiệp đạt 1.084.627 triệu đồng, bằng 123% so với cùng kỳ năm trước; chi trả nợ lãi 77 triệu đồng.  

2. Hoạt động tín dụng ngân hàng 

Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, thông suốt, cung ứng đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền, vay vốn… cho các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện, đúng quy định. Các tổ chức tín dụng tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; không nới lỏng các quy định trong thẩm định, cho vay, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. 

Mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm nhẹ ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng so với quý trước, lãi suất cho vay duy trì tương đối ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1% - 9,5%/năm, lãi suất tiền gửi online cao hơn tại quầy giao dịch từ 0,1% - 1%/năm, nhằm thu hút khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, lãi suất tiền gửi online cao hơn 2%/năm so với lãi suất giao dịch tại quầy; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 5,5% - 13,5%/năm; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 8,5% - 13,5%/năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói. 

Tổng vốn huy động và quản lý trên địa bàn ước tính đến 31/3/2023 đạt 27.680 tỷ đồng, tăng 3,5% hay tăng 940 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 22.930 tỷ đồng, tăng 2,29% hay tăng 514 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 4.750 tỷ đồng, tăng 9,9% hay tăng 426 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/3/2023 ước đạt 15.010 tỷ đồng, tăng 0,6% hay tăng 5 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 150 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ.  

Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng. 

VII. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động việc làm 

Quý I năm 2023 lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh ước tính 319.899 người, tăng 709 người hay tăng 0,22% so với quý trước. Trong đó, lực lượng lao động khu vực thành thị ước tính 78.375 người, chiếm 24,5%, khu vực nông thôn 241.524 người, chiếm 75,5%; cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động tương đối cân bằng là nam 160.270 người, chiếm tỷ trọng 50,1% và nữ là 159.630 người, chiếm tỷ trọng 49,9%.

Số lao động có việc làm trong quý I năm 2023 ước tính 317.428 người, so với quý trước tăng 124 người tương ứng tăng 0,04%. Lao động có việc làm của nam là 159.812 người, chiếm tỷ trọng 50,35% và nữ chiếm tỷ trọng 49,65%. Lao động có việc làm khu vực thành thị tăng 664 người (tăng 0,88%), khu vực nông thôn giảm 541 người (giảm 0,22%) so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý ước tính là 1,8%.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Trong quý I năm 2023 đời sống của các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, tăng cường tiến độ khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của năm 2023. 

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc tết và tặng 16.725 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 15.934,1 triệu đồng; tặng quà cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 3.135,1 triệu đồng; tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với tổng số tiền 10.149,9 triệu đồng.

Công tác cấp phát gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán đã thực hiện kịp thời: Đã cấp phát 642,645 tấn gạo cứu đói cho 10.772 hộ với 42.843 khẩu.

Cấp 359.448 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.

Thực hiện Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã có công văn số 3329/UBND-VX ngày 16/12/2022 về triển khai thực hiện hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát năm 2023. Qua chương trình và một số chương trình khác như nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ nhà ở cho người có công... trong quý I, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.160 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số tiền 39.411 triệu đồng.

3. Tình hình giáo dục đào tạo

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn.

 Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục được thực hiện nghiêm túc, góp phần tinh giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý và giảng dạy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được tăng cường và hiện đại hóa. 

Tổ chức thi chọn đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2022-2023: Thành lập 08 đội tuyển (với 48 thí sinh tham gia dự thi ở 08 môn); Kết quả đạt 08 giải, trong đó: 03 giải Ba, 05 giải Khuyến khích.

Tổ chức Thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 và thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 đạt kết quả cao hơn so với năm học trước.

4. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm

Trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự xã hội.

Trong 3 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận thêm 03 ca mắc Covid-19. Luỹ tích đến 17h00 ngày 13/3/2023, tỉnh Cao Bằng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 587.475 mẫu trong đó có 98.249 mẫu dương tính. Tính đến 17h00 ngày 13/3/2023 không trường hợp bệnh đang cách ly điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh, không có trường hợp bệnh đang cách ly, điều trị tại nhà; khỏi bệnh 98.183 người, chuyển tuyến trung ương 03 người và tử vong 62 người.

Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Lũy tích số mũi tiêm đã thực hiện tính từ ngày 16/4/2021 đến ngày 13/3/2023 là 1.339.920 mũi. 

Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng 03/2023 ghi nhận một số bệnh lưu hành như: bệnh Adeno 21 ca; Cúm thông thường 401 ca; Quai bị 02 ca; Thủy đậu 50 ca; Tiêu chảy 290 ca; Viêm gan vi rút khác 4 ca. Trong 3 tháng đầu năm 2023 ghi nhận: bệnh Adeno 83 ca; Cúm thông thường 1.323 ca; Quai bị 05 ca; Thủy đậu 94 ca; Tiêu chảy 843 ca; Viêm gan vi rút khác 17 ca; Lỵ trực trùng 03 ca. 

Trong 03 tháng đầu năm 2023 phát hiện 04 trường hợp nhiễm HIV mới. Lũy tích trường hợp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị Methadone thuộc các Trung tâm Y tế huyện, thành phố trong tỉnh tính đến hết tháng 02/2023 là 2.055người. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.370 người.

Trong 3 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 02 vụ ngộ độc làm 09 người mắc, 03 người nhập viện, có 01 người tử vong.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Tổ chức các hoạt động văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh: Tổ chức Chương trình chào Xuân Quý Mão năm 2023; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2023.

Tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023); Chương trình ra mắt CLB hát then, đàn tính, hát dân ca xóm Pác Bó tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; Tham gia "Lễ hội Xuân Long" biên giới quốc tế Việt Nam -Trung Quốc và hoạt động giao lưu hữu nghị văn hóa, nghệ thuật Việt - Trung. 

Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo 225 vận động viên thể thao thành tích cao và 60 học sinh năng khiếu nghệ thuật. Tổ chức kiểm tra, đánh giá trình độ thể lực cho vận động viên các đội tuyển thể thao. Tham gia giải vô địch Kick Boxing toàn quốc đạt 01 Huy chương Bạc; giải vô địch các câu lạc bộ Pencak Silat toàn quốc đạt 02 Huy chương Bạc, 02 Huy chương Đồng. Xây dựng kế hoạch tập huấn, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham gia các giải đấu.

6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội

Tình hình an toàn giao thông

Từ ngày 15/2/2023 đến ngày 14/3/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 01 người chết, 04 người bị thương, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 191 triệu đồng. 

Lũy kế từ đầu năm, tổng số vụ tai nạn giao thông là 21 vụ (tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 09 người (không tăng, không giảm), bị thương 21 người (tăng 03 người).

Tình hình an toàn cháy, nổ

Trong quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy nhà, giá trị thiệt hại ước tính là 350 triệu đồng. Sau khi xảy ra hỏa hoạn, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ đối với những gia đình bị thiệt hại.

Vi phạm môi trường

Trong tháng phát hiện 15 vụ vi phạm môi trường, xử lý 7 vụ, số tiền xử phạt 25 triệu đồng, so với tháng trước số vụ vi phạm môi trường đã phát hiện tăng 08 vụ, số vụ xử lý giảm 01 vụ. Tính chung quý I, số vụ vi phạm môi trường là 50 vụ, xử lý 34 vụ với số tiền xử phạt là 183,5 triệu đồng./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác