Thứ hai, 00/00/2023
°

Họp xin ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP

Ngày 25/04/2023 - 17:18:00 | 1587 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước để trình cấp có thẩm quyền theo quy định, chiều ngày 25/4/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP với sự tham dự của thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, cuộc họp có sự tham dự của đại diện một số doanh nghiệp tập đoàn, tổng công ty.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (https://chinhphu.vn), Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://www.mpi.gov.vn) và Cổng thông tin doanh nghiệp (https://www.business.gov.vn) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.

Trình bày nội dung dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sau đây gọi chung là Luật số 69/2014/QH13), ngày 30/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, quy định đầy đủ, chi tiết việc tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, tạo thuận lợi cho các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

Qua tổng hợp ý kiến đánh giá của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Nghị định này cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, đã cụ thể hóa được nhiều nội dung chưa được quy định rõ trong Luật số 69/2014/QH13, đảm bảo tính đồng bộ và phân công trách nhiệm rõ ràng trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Từ đó, đã đáp ứng được yêu cầu quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, bước đầu đáp ứng thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, đã tạo ra hành lang pháp lý ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu. Ảnh: MPI

Tuy nhiên, qua gần 04 năm triển khai, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP cũng phát sinh một số vấn đề trong thực tiễn, liên quan đến việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước như việc xác định doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đã được quy định tại Luật 69/2014/QH13; Việc thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (liên quan đến tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc) còn kéo dài do trình tự, thủ tục phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Quy định về việc thành lập mới công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của Công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cần phải rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất giữa Nghị định số 10/2019/NĐ-CP và Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Việc công ty mẹ phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương mỗi khi tăng mức vốn nhưng không thay đổi tỷ lệ vốn góp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bằng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế hoặc cổ tức chia bằng cổ phiếu, nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác (không đầu tư bổ sung từ nguồn vốn của công ty mẹ) đã gây mất thời gian cho doanh nghiệp, không đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp.

Việc đầu tư bổ sung vốn của công ty mẹ 100% vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào công ty con, công ty liên kết trong trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn phức tạp. Chưa có căn cứ xác định thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với các lĩnh vực chưa được phân nhóm trong Luật Đầu tư công (như đầu tư tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản)…

Do vậy, việc rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, hạn chế của Nghị định, đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả thực thi.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP liên quan đến các quy định tại các Điều 6, 9, 11, 13, 14, 15, 17 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP nhằm mục đích nâng cao hiệu quả thực thi Luật số 69/2014/QH13 và các quy định pháp luật về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng tạo sự chủ động và nâng cao vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hoạt động. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn.

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp. Ảnh: MPI

Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cuộc họp. Tham gia ý kiến góp ý đối với Dự thảo, đại diện các Bộ, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam, Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)… thống nhất về sự cần thiết ban hành và nội dung dự thảo Nghị định; đồng thời, tập trung cho ý kiến cụ thể đối với các vấn đề liên quan quy định tại Dự thảo cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 10/2019/NĐ-CP.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, bà Bùi Thu Thủy cảm ơn ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu và nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Nghị định được xây dựng dựa trên các quan điểm kế thừa những quy định của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đang được thực hiện ổn định, không có vướng mắc; đồng thời, sửa đổi những quy định không phù hợp với thực tế trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác