Thứ hai, 00/00/2023
°

Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 31/05/2023 - 20:40:00 | 4729 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong hai ngày 31/5 và 01/6/2023, tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham gia đoàn chủ tọa.

Tại Phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời đánh giá Báo cáo của Chính phủ được xây dựng công phu, bao trùm mọi lĩnh vực và đã thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá tương đối toàn diện, rõ ràng, đầy đủ bối cảnh thế giới, trong nước, những kết quả đạt được, các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời, phân tích đầy đủ, chính xác những khó khăn, tồn tại, hạn chế, làm rõ những nguyên nhân của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng những kết quả đạt được thể hiện chủ trương đúng của Đảng, những quyết sách của Quốc hội, sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các địa phương cũng như các doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, khắc phục và phục hồi sau đại dịch; thống nhất đánh giá so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch COVID -19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo và cho rằng, cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo; cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Hình ảnh tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Ma Thị Thúy (đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra. Các báo cáo đã đánh giá cơ bản đầy đủ, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, nhờ sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và doanh nghiệp. Năm 2022, nước ta cơ bản đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 3,32%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định, lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên họp giao ban, thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia, ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, huy động và tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Nhiều dự án tồn đọng kéo dài đã được tích cực xử lý đạt kết quả bước đầu.

Đại biểu Ma Thị Thúy đồng tình và đánh giá cao quan điểm, quyết tâm của Chính phủ và không điều chỉnh mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% của năm 2023. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4,5%, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Cần phải quyết tâm cao để thực hiện đồng bộ, thông suốt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phải duy trì động lực tăng trưởng chậm trong dài hạn. Khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) những kết quả đạt được rất đáng trân trọng, không thể quốc gia nào cũng làm được trong bối cảnh hiện nay. Năm 2022 và những tháng đầu năm năm 2023 dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và cả hệ thống chính trị và nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiên định, quyết liệt trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, Chính phủ đã dự báo sớm, chọn thời điểm hợp lý để mở cửa nền kinh tế, tận dụng các cơ hội thu hút tối đa các dòng vốn, nhà đầu tư lớn để đất nước chúng ta có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao vị thế của đất nước, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong báo cáo cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế, đó là tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chính sách về Nghị quyết 43 cũng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, đời sống một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao đã và đang là sự quan tâm lớn của xã hội, là mối bận tâm, phân tâm của nhiều người và nỗi phiền muộn của không ít gia đình. Đặc biệt, trong báo cáo có đề cập một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có những giải pháp toàn diện để khắc phục những khó khăn, tồn tại như đã nêu trên trong báo cáo và quan tâm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt cho địa phương về cơ chế, thể chế.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Huỳnh Sang (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho rằng, năm 2022 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trên bình diện quốc tế và trong nước, nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời thì kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm tình hình trong nước và nước ngoài vẫn còn khó khăn, nhưng nước ta cũng đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát cũng là một thành tựu rất nổi bật. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta cũng bộc lộ một số hạn chế khá nổi bật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các báo cáo đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng, khoa học những kết quả đã đạt được; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, những khó khăn, nhận diện rõ những vướng mắc, thách thức sắp tới để đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội và nhiều các ý kiến đã phát biểu đều thống nhất năm 2022 kinh tế - xã hội nước ta đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như GDP tăng trưởng ở mức 8,02%, kinh tế cơ bản ổn định, cân đối phát triển đồng bộ.

Mặc dù vẫn còn nhiều dự án đầu tư công cần phải cố gắng để giải quyết, nhưng trong thời gian ngắn vừa qua, Chính phủ và Quốc hội đã quyết tâm chỉ đạo để đưa vào khai thác 22 dự án hạ tầng giao thông, như nhà máy nhiệt điện Thái Bình II cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa; đường ven biển Cát Tiên - Mỹ Thành - Bình Định. Kết quả này cũng được cử tri đánh giá cao.

Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban cũng như báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ rất rõ năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến kém tích cực, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Vì vậy, Việt Nam cần có dự báo chính xác rủi ro và có giải pháp linh hoạt để ứng phó, đảm bảo kinh tế, ổn định, phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, trong 11 nhiệm vụ trọng tâm bao trùm các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian sắp tới thì có nhiệm vụ số 6 đã thể hiện Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai chiến lược, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng. Đại biểu cho rằng, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần thiết, cần phải nỗ lực triển khai thường xuyên để đảm bảo sự chủ động thích ứng, bảo vệ cộng đồng, môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn, ổn định, phát triển đời sống kinh tế - xã hội quốc gia và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, để thể hiện một đất nước Việt Nam trách nhiệm, hành động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Đại biểu đánh giá rất cao chuỗi chương trình và nhóm giải pháp tổng thể của Chính phủ để thực hiện hành động ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh COP 26, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Tuy nhiên, để có thể thực hiện các cam kết trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sau khi có các kế hoạch cụ thể các mục tiêu rõ ràng, phân định trách nhiệm các bên liên quan thì cần phải có cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, đôn đốc, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình; ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu và giải pháp thông minh trong hành động của Việt Nam, có chính sách quy hoạch và phát triển dài hạn, lồng ghép mục tiêu thích ứng và mục tiêu giảm phát thải; cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cho ngành nông nghiệp...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp để ổn định kinh tế vi mô; các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán; khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp; tạo việc làm, giảm thất nghiệp; tháo gỡ các điểm nghẽn hiện hiện nay; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất ở miền núi; chính sách của Nhà nước đối với sản xuất năng lượng tái tạo./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác