Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2023 của tỉnh Đồng Nai

Ngày 03/04/2023 - 14:58:00 | 1596 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

 

Những tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi, khó khăn, thách thức, đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Bước vào Quý I/2023 các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh nói chung đang gặp không ít khó khăn, do thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm v.v... vì vậy ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện 2 tháng đầu năm và ước tính tháng 3/2023, Cục Thống kê dự ước tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn quý I năm 2023 như sau:

I. KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm quốc nội (GRDP)

Theo số liệu của TCTK công bố, dự ước tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) Quý I/2023 trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 54.690,4 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ (Mục tiêu cả năm 2023 từ 7,5-8,5%). Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%; Công nghiệp - xây dựng tăng 1,38%; Dịch vụ tăng 7,82% và Thuế sản phẩm tăng 1,84%, trong quý I/2023 các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng tuy nhiên mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng rất thấp, chủ yếu do ngành công nghiệp chỉ tăng 0,58%, trong khi khu vực này chiếm cơ cấu trên 60% GRDP nên ảnh hưởng tăng trưởng chung. Tuy nhiên trong điều kiện hết sức khó khăn của quý I năm nay mà đạt được mức tăng trưởng như trên là kết quả tích cực. Nguyên nhân đạt kết quả như trên nhờ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Trên cơ sở đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo động lực khôi phục phát triển kinh tế trong điều kiện chưa ảnh hưởng xấu của kinh tế thế giới.

Với mức tăng 3,28% tổng sản phẩm trên địa bàn thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm, trong đó công nghiệp tăng 0,58% và đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Đây là khu vục chiếm tỷ trọng trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn nhưng quý I/2023 lại có mức tăng trước thấp hơn so với khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản và thương mại dịch vụ, đây cũng là mức tăng thấp so với những năm trước đây. Nguyên nhân là do tình hình chính trị trị trên thế giới bất ổn, lạm phát, chiến tranh… từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, sản phẩn tiêu thụ khó khăn, thiếu việc làm cho công nhân; nhiều doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn phải cho công nhân nghỉ việc, một số doanh nghiệp bố trí công nhân nghỉ ngày thứ bảy thâm chí động viên công nhân nghỉ để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.... đặc biệt là các ngành dệt, may, da giày, sản xuất hóa chất, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị điện, sản xuất giường tủ bàn ghế v.v…có mức tăng trưởng âm hoặc thấp so cùng kỳ.

Khu vực dịch vụ tăng 7,82%, đóng góp 1,92 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đây là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác, nguyên tăng là do hoạt động thượng mại, dịch vụ có mức tăng trưởng khá, tổng mức bản lẻ hàng hóa dịch vụ ước quý I tăng 16,56% so cùng kỳ; lĩnh vực tài chính, tín dụng ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thuế sản phẩm tăng 1,84%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm, do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, doanh thu tăng thấp; thị trường xuất, nhập khẩu giảm sút do thiêu đơn hàng, tác động đến mức tăng của thuế sản phẩm tăng trưởng thấp.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Đồng Nai những quý I/2023 còn gặp nhiều khó khăn: tình hình chính trị trị trên thế giới bất ổn, lạm phát, chiến tranh… từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, thiếu việc làm cho công nhân, nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn phải cho công nhân nghỉ việc, một số doanh nghiệp bố trí công nhân nghỉ ngày thứ bảy thâm chí động viên công nhân nghỉ để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.... đặc biệt là các ngành dệt, may, da giày, điện tử, sản xuất đồ gỗ v.v…

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý I/2023 so quý IV/2022 chỉ có 20,22% doanh nghiệp kinh doanh có xu hướng tăng lên, 39,4% doanh nghiệp giữ nguyên mức sản xuất, 40,44% doanh nghiệp tình hình sản xuất kinh doanh xấu đi và chỉ số cân bằng -20,22%

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 03/2023 tăng 4,02% so tháng trước và tăng 6,96% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 10,65%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,61%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 12,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 0,46% so tháng trước… trong tháng 3 có 26/27 ngành sản xuất tăng so tháng trước, sở dĩ tăng  là do một số doanh nghiệp quy mô lớn tình hình có chuyển biến tốt hơn, có hợp đồng sản xuất mới như: giày da; dệt; may v.v.. mặt khác một số doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm các đơn hàng gia công lại để duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ chân người lao động ở lại doanh nghiệp chờ khi có đơn hàng lớn để sản xuất.

Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng 0,98% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,91%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,06%, sản xuất và phân phối điện giảm 0,93%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,44%; với mức tăng 0,98% của quý I năm nay là mức tăng thấp nhất của quý I nhiều năm qua; thể hiện rõ khó khăn trong sản xuất công nghiệp; có 18/27 ngành sản xuất tăng so cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng thấp, nguyên nhân tăng là do một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn duy trì được mức sản xuất đó là ngành chế biến thực phẩm có thị phần tiêu thụ tròng nước ổn định, bên cạnh đó sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm nhu cầu sử dụng khá ốn định, nên chỉ số ngành này tăng 4,4% so cùng kỳ; ngành dệt tăng 1,2%, may mặc tăng 1,57% do ngành may mặc có thêm một số đơn hàng gia công; các ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan ngành điện tử, sản xuất đồ gỗ vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng sản xuất nên chỉ số sản xuất quý I giảm so cùng kỳ.

Từ chỉ số sản xuất công nghiệp như trên có thể thấy tình hình sản xuất công nghiệp quý I năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn; đơn hàng giảm mạnh so với những năm trước, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới tăng trưởng thấp nhất là các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như: Dệt; may; giày da; sản phẩm điện tử; giường, tủ, bàn ghế v.v... từ đó tác động ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

­3. Hoạt động xây dựng trên địa bàn

Bước sang năm 2023 hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về giao thông được khẩn trương triển khai tại Đồng Nai hoặc đi qua Đồng Nai, điều này góp phần cho sự phát triển kinh tế của địa phương nằm ngay cửa ngõ TP Hồ Chí Minh; ngoài các dự án giao thông cấp quốc gia, nhiều dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn. Đây là thuận lợi để hoạt động xây dựng trên địa bàn tăng trưởng cao so cùng kỳ.

Dự ước giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá hiện hành) trên toàn địa bàn quý I/2023 đạt 14.915,2 tỷ đồng, giảm 21,39% so với quý IV/2022 và tăng 17,67% so cùng kỳ năm trước.

Dự ước giá trị sản xuất xây dựng (giá so sánh 2010) quý I/2023 đạt 9.183,9 tỷ đồng, giảm 21,58% so với quý IV/2022 và tăng 17,9% so cùng kỳ; trong đó công trình nhà ở đạt 3.039,8 tỷ đồng giảm 24,43%; công trình nhà không để ở đạt 2.442,8 tỷ đồng, giảm 15,35%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 1.883 tỷ đồng giảm 34,48% và hoạt động xây dựng chuyên dùng đạt 1.818,4 tỷ đồng, giảm 5,72% so quý IV/2022, nguyên nhân giảm so quý trước là quý I này việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp và xây mới nhà xưởng sản xuất, nhà để kinh doanh v.v…do giá vật tư vẫn ở mức cao, nhiều hộ cá thể chuyên ngành xây dựng phải tạm dừng hoạt động.

­4. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (Theo giá so sánh 2010) Quý I/2023 đạt 11.621,5 tỷ đồng, tăng 4,04% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 10.589,3 tỷ đồng, tăng 4,19% (trồng trọt tăng 1,87%; chăn nuôi tăng 5,13%; dịch vụ tăng 1,81%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 389,6 tỷ đồng, tăng 1,02%; Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 642,64 tỷ đồng, tăng 3,44%.

Tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm cơ bản thuận lợi, các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt hiện nay thị trường Trung Quốc đã thông quan, các cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu; hoạt động chăn nuôi tiếp tục duy trì tái đàn có chuyển biến tích cực. Kết quả hoạt động các lĩnh vực như sau:

Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân toàn tỉnh là 37.868,65 ha, giảm 0,09% so cùng kỳ. Trong đó: diện tích lúa 15.231,36 ha, giảm 0,2%; bắp 9.360,71 ha, tăng 0,2%; mía 301 ha, tăng 11,52%; đậu phộng 392,11 ha, giảm 1,08%; rau các loại 5.761,85 ha, tăng 1,22%; đậu các loại 1.123,92 ha, tăng 2,35%... so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị các khâu làm đất để xuống giống, một số chân ruộng lúa cao không đủ nước để gieo trồng, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do công tác quy hoạch, xây dựng v.v…

Dự ước sản lượng thu hoạch quý I/2023 so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 6.197,12 tấn, giảm 0,09%; Bắp đạt 5.404,83 tấn, tăng 1,23%; Khoai lang đạt 81,63 tấn, tăng 2,72%; Đậu tương đạt 11,4 tấn, tăng 3,32%; Đậu phộng là 11,61 tấn, tăng 5,07%; Rau các loại đạt 51.896,17 tấn, tăng 3,24%; Đậu các loại đạt 414,78 tấn, tăng 0,59% so cùng kỳ.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 3/2023 là 2.200.788 con, tăng 45.096 con (+2,09%) so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.885 con (+0,23%); Bò đạt 90.775 con (+2,44%); Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò ở huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ đầu tư thêm con giống để nuôi;  Đàn heo đạt 2.106,13 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 42,93 nghìn con (+2,08%) so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do hầu hết các đơn vị chăn nuôi sau khi xuất chuồng với số lượng lớn phục vụ cho dịp Tết, tranh thủ thực hiện công tác tái đàn để phát triển sản xuất, đảm bảo  sản lượng thịt để cung cấp cho thị trường và người tiêu dùng. Giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai đến ngày 17/3/2023 dao động trong khoảng từ 48.000 đến 51.000 đồng/kg, với tình hình giá tiêu thụ như trên thì hoạt động chăn nuôi cơ bản ổn định, có chiều hướng phát triển tốt, đây cũng là thông điệp để các doanh nghiệp chăn nuôi có kế hoạch đầu tư và tái đàn.

Dự ước sản lượng thịt gia súc quý I/2023 đạt 121.469 tấn, tăng 3,16% so cùng kỳ. Trong đó: thịt trâu đạt 68 tấn, tăng 17,07%; thịt bò đạt 1.287 tấn, tăng 11,07%; thịt heo đạt 120.113 tấn, tăng 3,08% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm là 25.253,73 nghìn con, tăng 3,93% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 22.454,36 nghìn con, tăng 4,59%. Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 48.672 tấn, tăng 7,72%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 43.487 tấn, tăng 8,61% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng là do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn; nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng trên thị trường xã hội tăng, các bếp ăn tập thể sử dụng lượng thực phẩm khá phổ biến nên sản lượng thịt gà tăng mạnh, nguồn cung thịt gia cầm đạt khá.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong tháng cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên có xảy ra 01 ổ dịch tả heo Châu Phi tại xã Hàng Gòn (TP Long Khánh), tiêu hủy 47 con heo chết và bị bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng bao vây ổ dịch nên không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Trong tháng đã thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm với 2,6 triệu liều; kiểm dịch động vật trong tháng 19,57 triệu con, sản phẩm động vật 798 tấn; kiểm soát giết mổ 1,38 triệu con.

b) Lâm nghiệp

Tình hình lâm phận trên địa bàn tỉnh ổn định, công tác quản lý bảo vệ rừng được duy trì và tăng cường, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm lớn gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng 3/2023 đạt 179,25 ha, tăng 2,5 ha (+1,27%) so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do hiện nay các chủ rừng thực hiện tốt mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi, các địa phương và chủ rừng thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rừng, chế biến các sản phẩm trong lâm nghiệp, do đó hiện nay nhiều chủ rừng chủ động trồng rừng thay thế, trồng bổ sung các loại cây gỗ lớn bản địa, trồng rừng sản xuất thâm canh.

Trong tháng 3/2023 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 23.673 m3, tăng 0,54% so với tháng cùng kỳ. Ước quý I/2023 tổng số gỗ khai thác đạt được 60.039 m3, tăng 1,94% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 3/2023 ước đạt 242 ste, tăng 0,41% so tháng cùng kỳ. Ước quý I/2023 đạt 607 ste, tăng 1,89% so với cùng kỳ.

c) Thủy sản

Hoạt động nuôi trồng thủy sản luôn được người dân quan tâm, từng bước được cải thiện về phương thức nuôi trồng, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống; giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường xã hội ổn định; hộ nuôi trồng thu hoạch bán có lợi nhuận, điều này làm tác động đến sản lượng tăng so cùng kỳ. Hiện nay nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã áp dụng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: nuôi thủy sản trong lồng, bè, hồ chứa; nuôi thủy sản theo mô hình VAC với các loài thủy sản kinh tế cao như cá chình, cá lăng, ba ba...

Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 3/2023 đạt 5.483,15 tấn, tăng 2,26% so với tháng cùng kỳ. Ước quý I/2023 đạt 17.403,87 tấn, tăng 3,18% so cùng kỳ; Trong đó: Sản lượng cá đạt 13.952,18 tấn, tăng 2,86%; Sản lượng tôm đạt 2.784,96 tấn, tăng 4,63%; Sản lượng thủy sản khác đạt 666,73 tấn, tăng 4,13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng thủy sản tăng là do người dân đã tập trung thả các loại cá nước ngọt quen thuộc, vừa phù hợp với khí hậu, môi trường nước, vừa có kỹ thuật lâu năm như cá trê, cá diêu hồng, cá trắm, cá mè, cá trôi… các loại cá này có thị trường tiêu thụ xã hội rộng khắp; mặt khác việc nuôi trồng thủy sản từng bước được người dân chuyển hướng nuôi theo quy trình an toàn, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng VietGAP, hình thức nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước theo hướng chuyển mạnh từ phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với loại thủy sản có chất lượng trên thị trường.

5. Vốn đầu tư phát triển

Dự ước vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn tỉnh quý I năm 2023 thực hiện 23.515,2 tỷ đồng, giảm 18,9% so với quý 4/2022 và tăng 9,82% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước tăng 25,74%; vốn ngoài nhà nước tăng 8,37%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,13% so cùng kỳ, nguyên nhân là dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành cùng các đoạn, tuyến đường cao tốc như: Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái, đường vành đai 3, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu...tác động lớn đến mức tăng của vốn đầu tư trên địa bàn.

6. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) đạt khoảng 504,14 triệu USD, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Trong đó: Cấp mới 16 dự án với tổng vốn đăng ký 52,78 triệu USD, giảm 30,59%; Có 22 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 451,36 triệu USD, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 522 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Trong đó: cấp mới 08 dự án với tổng vốn đăng ký là 477 tỷ đồng; có 03 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung là 65 tỷ đồng; 01 dự án giảm vốn, với số vốn giảm là 20 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến ngày 14/3/2023, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là: 8.399 tỷ đồng, giảm 18,17% so với cùng kỳ. Trong đó, có 695 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 4.503 tỷ đồng, giảm 22,81% so với cùng kỳ về số vốn, và 191 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 3.896,2 tỷ đồng, giảm 12,07% so với cùng kỳ.

Từ ngày 01/3/2023 đến ngày 14/3/2023, có 21 doanh nghiệp giải thể và có 21 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 48 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/3/2023, có 127 doanh nghiệp giải thể và có 148 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 619 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

7. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2023 tăng nhẹ so tháng trước, giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ tương đối ổn định. Tuy nhiên do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới, sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn tác động đến hoạt động thương mại dịch vụ; bên cạnh đó do tác động của giá thế giới, nên giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu như xăng, dầu trong quý có xu hướng tăng, làm tăng chi phí vận chuyển… trước tình hình đó ngành Công thương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường… góp phần tăng doanh thu thương mại dịch vụ so với cùng kỳ. Tình hình thương mại dịch vụ tháng 3 và quý I năm 2023 như sau:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 3/2023 ước đạt 20.621,34 tỷ đồng, tăng 1,03% so tháng trước và tăng 13,44% so tháng cùng kỳ. Dự ước quý I năm 2023 đạt 64.371,5 tỷ đồng, tăng 16,56% so cùng kỳ. Trong đó:

+ Bán lẻ hàng hóa tháng 3 ước đạt 14.905 tăng 1,15% so với tháng trước, tăng 10,46% so tháng cùng kỳ, trong tháng 3 một số nhóm hàng hóa tăng so tháng trước như: Lương thực, thực phẩm tăng 1%; hàng may mặc tăng 0,06%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 0,57%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,98%.... Tính chung 03 tháng đầu năm bán lẻ hàng hóa ước đạt 47.181,88 tỷ đồng, tăng 13,95% so cùng kỳ và chiếm 73,3%.

+ Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tháng 3/2023 ước đạt 2.040,15 tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 23,16% so với tháng cùng kỳ. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 2,21%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 0,97% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng ước đạt 6.109,74 tỷ đồng, tăng 23,55% so cùng kỳ và chiếm 9,49%.

+ Du lịch lữ hành tháng 3/2023 ước đạt 5,3 tỷ đồng giảm 1,55% so tháng trước. Tính chung 3 tháng ước đạt 16,56 tỷ đồng, tăng cao so cùng kỳ năm trước (tăng 859,46%). Nguyên nhân tăng cao do cùng kỳ năm trước thời điểm ngành du lịch còn gặp khó khăn do dịch Covid-19 mới được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh du lịch bắt đầu tổ chức trở lại để phục vụ nhu cầu du lịch người dân; Bên cạnh đó, do tâm lý lo sợ hạn chế tiếp xúc nơi đông người… doanh thu cùng kỳ giảm sâu.

+ Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 3/2023 ước đạt 3.671,05 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 21,25% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng ước đạt 11.063,49 tỷ đồng, tăng 24,66% so cùng kỳ. Hầu hết các ngành dịch vụ tăng so cùng kỳ như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 24,95%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 14,6%; giáo dục, đào tạo, tăng 53,65%, nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 24,27%, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 17,46%...

7.2. Giá cả thị trường

Tháng 3 tình hình giá cả nhiều mặt hàng đã ổn định, trong tháng các mặt hàng xăng, dầu có 03 lần điều chỉnh giá, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,25% so tháng trước; giá heo hơi trong tháng tiếp tục giảm do tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giảm trong khi sản lượng heo đến kỳ xuất bán tăng... Với những nguyên nhân trên làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,12% so với tháng trước. Tình hình cụ thể như sau:

So với tháng trước, CPI tháng 03/2023 giảm 0,12% (khu vực thành thị giảm 0,07%; khu vực nông thôn tăng 0,17%). Trong tháng có 05/11 nhóm hàng hoá giảm so với tháng trước trong đó:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,55%, làm giảm mức tăng chung của CPI là (-0,18%). Trong đó: Lương thực giảm 0,08%; thực phẩm giảm 0,9%, ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,03%. Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo trong nước có nhiều thuận lợi, giá xuất khẩu gạo tăng nhưng giá gạo trong nước giảm nhẹ do giá xăng, dầu giảm nên chi phí vận chuyển giảm làm cho giá gạo trong nước giảm nhẹ so với tháng trước, giá gạo tẻ thường trong tháng dao động từ 12.827đồng/kg - 15.266 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon từ 16.967- 17.979 đồng/kg.

+ Giá các mặt hàng thịt gia súc giảm 2,9%, trong đó thịt heo giảm 4,46%. Nguyên nhân là do hiện nay nguồn cung heo thịt trên thị trường dồi dào, sản lượng thịt heo nhập khẩu tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu giảm làm cho giá heo hơi tiếp tục giảm (hiện giá heo hơi đang ở mức từ 49.000 đồng/kg đến 51.000 đồng/kg); giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,96% do thời tiết đang là mùa khô nhiều loại rau đang vào mùa thu hoạch nên sản lượng cung cấp cho thị trường dồi dào làm cho giá nhiều mặt hàng giảm như: Bắp cải giảm 1,48%; su hào giảm 1,94%; quả đỗ tươi giảm 1,81%; rau củ đông lạnh giảm 5,58%; giá các mặt hàng trái cây cũng giảm 1,74%...

- Đồ uống và thuốc lá giảm 0,16% do nhu cầu tiêu dùng giảm so tháng trước.

- May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03%. Giá các mặt hàng quần áo, giày dép tương đối ổn định do sau tết nhu cầu mua sắm không cao; tuy nhiên giá dịch vụ công may quần áo trong tháng tăng 0,19% so với tháng trước, bên cạnh đó nhiều cửa hàng cũng có đợt khuyến mãi, giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng đã làm cho giá một số mặt hàng giảm so với tháng trước; nhóm quần áo may sẵn giảm 0,05% so với tháng trước.

- Thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,03%; giảm chủ yếu nhóm thuốc tim mạch giảm 0,5%; thuốc đường tiêu hoá giảm 0,24% so với tháng trước.

- Giao thông giảm 0,25% so với tháng trước làm giảm mức tăng chung CPI trong tháng 0,03%. Nguyên nhân giảm do giá các mặt hàng nhiên liệu trong tháng giảm 0,38% do ảnh hưởng của giá xăng, dầu thế giới, cụ thể giá xăng giảm 0,38%; dầu diezen giảm 8,21% so với tháng trước. Hiện tại giá xăng A95(III) bình quân là 23.357 đồng/lít; xăng E5 bình quân là 22.393 đồng/lít; dầu DO bình quân 20.026 đồng/lít; giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,81% chủ yếu là do giá dịch vụ vận tải hành khách bằng xe khách giảm 24,78%.

- Các nhóm còn lại giá ổn định mức tăng nhẹ từ 0,02% - 0,31%.

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 3/2023 tăng 2,29%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 10,25%; tăng thấp nhất nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%. Riêng 02 nhóm hàng hóa giảm là giao thông giảm 5,67%; bưu chính viễn thông giảm 0,19%.

- Các nhóm có mức tăng như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,95%; nhà ở, điện nước và VLXD tăng 0,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình 3,22%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,99%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 2,83%...

Chỉ số giá bình quân 3 tháng tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 02 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 2,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,13%. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất (+12,79%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 12,38%. Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,31% - 3,45%.

+ Chỉ số giá vàng trong tháng 3/2023 tăng 1,57% so với tháng trước và tăng 2,54% so 12 tháng năm trước. Bình quân cùng kỳ giảm 1,46% so với cùng kỳ.

+ Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 3/2023 tăng 0,24% so tháng trước và giảm 2,89% so tháng 12 năm trước. Bình quân cùng kỳ tăng 2,69%.

7.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3/2023 có tín hiệu khả quan hơn so với các tháng vừa qua, một số doanh nghiệp ký được đơn hàng xuất khẩu mới, bên cạnh đó đơn giá một số mặt hàng xuất khẩu tăng góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Tuy nhiên xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn nhất định như: Tình hình lạm phát tăng cao ở các nước vốn là thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của tỉnh như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Bên cạnh đó giá nguyên, nhiên vật liệu vẫn ở mức cao, làm cho giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước… Trước khó khăn đó các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, chú trọng khai thác thị trường nội địa và tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) tìm kiếm thị trường mới…

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 3 năm 2023 đạt 1.827,18 triệu USD, tăng 10,64% so với tháng trước và giảm 22,06% so tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 4.862,79 triệu USD, giảm 23,18% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước giảm 26,57%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 17,15%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 24,92% so cùng kỳ.

So với tháng trước hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng như: Hạt điều nhân (+13,67%); cà phê (+9,94%); cao su (+13,64%); Sản phẩm gỗ (+9,09%); Hàng dệt may (+13,77%); Giày, dép (+10,34%); Máy vi tính (+11,2%); Xơ, sợi (+9,36%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (+12,86%)… Tuy nhiên so cùng kỳ hầu hết các mặt hàng đều giảm như: Hạt điều nhân (-15,66%); sản phẩm gỗ (-47,83%); hàng dệt may (-15,56%); giày dép các loại (-23,58%); máy tính điện tử (-31,83%); máy móc thiết bị và dụng cụ (-17,95%); xơ sợi các loại giảm (35,73%)... Nguyên nhân giảm do tình trạng thiếu đơn hàng, lạm phát gia tăng tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản,… tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng không thiết yếu làm ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng các doanh nghiệp bị cắt giảm so cùng kỳ.

Thị trường xuất khẩu tháng 3/2023 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 457,710 triệu USD, chiếm 24,61%; Nhật Bản đạt 212,256 triệu USD, chiếm 11,41%; Trung Quốc đạt 196,764 triệu USD, chiếm 10,58%; Hàn Quốc ước đạt 119,978 triệu USD, chiếm 6,45%...

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm 2023 ước đạt 1.424,16 triệu USD, tăng 13,82% so tháng trước, nguyên nhân tháng 3 nhập khẩu tăng khá do các doanh nghiệp ký được thêm đơn hàng mới nên tăng cường nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tính chung 3 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.665,67 triệu USD, giảm 19,45% so cùng kỳ, trong đó: Kinh tế nhà nước giảm 25,59%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 46,16%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 11,83%. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 03/2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất ước đạt 346 triệu USD, chiếm 23,88%; Hàn Quốc ước đạt 165 triệu USD, chiếm 11,38%; Nhật Bản ước đạt 115,2 triệu USD, chiếm 7,95%; Hoa Kỳ đạt 120 triệu USD, chiếm 8,28%...

Nhập khẩu hàng hóa giảm so cùng kỳ do các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng dẫn tới nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm, nên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm so cùng kỳ như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu giảm 31,67%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 46,14%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 35,54%; vải các loại giảm 22,47%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 24,68%; Sắt thép các loại giảm 44,19%...

7.4. Giao thông vận tải, Bưu chính viễn thông

a) Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải hàng hóa tháng 3 tăng nhẹ so tháng trước, do nhu cầu vận chuyển nguyên liệu sản xuất, vận chuyển vật liệu xây dựng trong tháng tăng, trong khi đó vận tải hành khách giảm nhẹ so tháng trước, cụ thể như sau:

Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 3/2023 ước đạt 5.924,2 nghìn hành khách, giảm 1,71% so với tháng trước, tăng 8,65% so với tháng cùng kỳ; luân chuyển đạt 353.199,6 nghìn hành khách.km giảm 1,69% so với tháng trước, tăng 102,95% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng ước đạt 19.532,2 nghìn hành khách, tăng 83,69%; luân chuyển đạt 1.164.828 nghìn hành khách.km tăng 102,95% so cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hành khách quý I/2023 ước đạt 1.093 tỷ đồng, tăng 165,29%% so cùng kỳ.

- Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 6.219,8 nghìn tấn tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 16,11% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 528.459,4 nghìn tấn.km, tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 17,03% so với tháng cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2023 khối lượng vận chuyển ước đạt 19.095 nghìn tấn, tăng 25,71%; khối lượng luân chuyển đạt 1.621.347 nghìn tấn.km, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá quý I/2023 ước đạt 4.231,12 tỷ đồng, tăng 36,57% so cùng kỳ.

- Dự ước doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2023 đạt 760,3 tỷ đồng tăng 1% so với tháng trước và tăng 70,88% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng ước đạt 2.329,5 tỷ đồng, tăng 28,06% so cùng kỳ.

b) Bưu chính, Viễn thông

Dự ước doanh thu bưu chính, viễn thông quý I/2023 đạt 2.189 tỷ đồng, tăng 2,95% so với quý IV/2022 và tăng 15,38% so với quý cùng kỳ năm trước.

Số thuê bao điện thoại cố định phát triển mới quý I/2023 ước đạt 242.919 thuê bao tăng 1,41% so quý trước và tăng 3,96% so với quý cùng kỳ năm trước, trong đó: Thuê bao cố định ước đạt 332 thuê bao, giảm 2,95% so quý trước và giảm 13,77% so với quý cùng kỳ; thuê bao di động đạt 242.587 thuê bao, tăng 1,42% so quý trước và tăng 3,99% so với quý cùng kỳ.

Thuê bao Internet phát triển mới quý I/2023 ước đạt 35.485 thuê bao, tăng 4,89% so quý trước và tăng 10,32% so với quý cùng kỳ.

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Văn hóa thông tin

Tháng 3 năm 2023, ngành VHTTDL tập trung tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị như: Tuyển quân năm 2023; Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (ngày 10/3); Kỷ niệm 70 ngành Điện ảnh (15/3/1953 - 15/3/2023); Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023) lồng ghép tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/03/1923 - 01/03/2023). Thiết kế maket tuyên truyền về: Biển, đảo Việt Nam; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Bảo vệ môi trường. Xây dựng kế hoạch trang trí phục vụ “Lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022, ký kết giao ước thi đua năm 2023 và tôn vinh Điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai” năm 2023 (ngày 31/3/2023).

2. Thể dục thể thao

- Giải quốc tế: Tham gia Giải vô địch châu Á Jujitsu năm 2023; giải TOYOTA Gazoo Racing Thailand International Challenge 2023 tại Thái Lan, đạt 01 HCB.

- Giải quốc gia: Tham gia 10 giải: bóng đá U17, giải cờ vua, giải CLB cầu mây, giải Kickboxing, giải Wushu, giải CLB Jujitsu, giải bóng đá tập huấn Chí Thành Cup, giải CLB vật cổ điển, vật tự do, giải Billiard & Snooker, giải bơi quốc gia. Thành tích đạt được 01 HCV, 01 HCB, 05 HCĐ.

3. Y tế

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 3/2023, số ca mắc tay chân miệng là 68 ca, tăng 06 ca so với tháng trước và gấp 1,5 lần so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong; Sốt xuất huyết ghi nhận 334 ca, tăng 13,22% so với tháng trước, không ghi nhận ca tử vong, bằng so với cùng kỳ. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, tả, ho gà, uốn ván trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 3/2023 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, kết quả: 943 cơ sở đạt (chiếm 96,92%); số cơ sở vi phạm là 30, phạt tiền 03 cơ sở, số tiền phạt 33 triệu đồng, trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

4. Giáo dục

Một số hoạt động giáo dục trọng tâm trong tháng 3/2023 như: Tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên và học sinh tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 23 và 24/3/2023. Kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Chuẩn bị tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh khối Tiểu học. Ban hành một số văn bản, hướng dẫn cho công tác thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 và tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024.

Trong quý I/2023 đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh và kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia năm 2023. Kết quả đạt được:

+ Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh: Có tổng số 1.885 học sinh đạt giải, trong đó có 87 giải nhất, 369 giải nhì, 614 giải ba và 815 giải khuyến khích.

+ Kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia năm 2023 tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh: Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh Đồng Nai có 70 học sinh tham gia. Kết quả đạt 35 giải trong đó 02 giải nhì, 10 giải ba và 23 giải khuyến khích.

5. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Tháng 3/2023 giải quyết việc làm cho 1.885 lượt người. Lũy kế quý I/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 18.521 lượt người (đạt 23,15% kế hoạch năm).

Trong tháng 3/2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 7.256 người, lũy kế quý I/2023 đào tạo 16.029/72.000 người, đạt 22,26% kế hoạch năm 2023, tăng 0,03% so cùng kỳ, trong đó: trình độ Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 16.029 người. Có 13.841 người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, đạt 21,13% kế hoạch năm 2022, giảm 0,01% so cùng kỳ năm 2022, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 13.841 người./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác