Thứ hai, 00/00/2023
°

Tinh hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023 tỉnh Bình Phước

Ngày 25/01/2023 - 09:16:00 | 352 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt

Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2022-2023 toàn tỉnh ước thực hiện được 1.022 ha, tăng 9,30% (+87 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
- Cây lúa 532 ha, tăng 12,47% (+59 ha) so với cùng kỳ năm trước;
- Cây bắp 31 ha, giảm 3,13% (-1 ha) so cùng kỳ, diện tích phần lớn được trồng xen, quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình; Khoai lang 3 ha, không biến động so cùng kỳ; rau các loại 273 ha, tăng 5,81% (+15 ha).

Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh là 440.013 ha cơ bản được giữ nguyên, bà con nông dân đang tập trung vệ sinh vườn cây, chống cháy để chuẩn bị cho niên vụ năm 2023.
- Đối với cây ăn trái như: Cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, dứa, chuối, xoài... ngày càng được áp dụng khoa học kỹ thuật cao từ việc đầu tư trang thiết bị máy móc, phân bón, cây giống, lai tạo, ép ra trái theo ý muốn...Vì vậy hầu như thời gian nào cũng có trái cây thu hoạch đưa ra thị trường tiêu thụ.
- Đối với cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh như: Cao su, cà phê, cây tiêu, cây điều với tổng diện tích hiện có 425.234 ha, chiếm 96,64% trên tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Hiện nay cao su đã ngưng cạo mủ, hồ tiêu đã bắt đầu bước vào thu hoạch, cây điều đang thời kỳ kết trái, thời tiết diễn biến khó lường, mưa trái mùa tiếp tục kéo dài nên sẽ ảnh hưởng đến năng suất các loại cây này.
Về giá bán các sản phẩm như sau: Mủ cao su sơ chế 29.033 đồng/kg, cà phê nhân 39.182 đồng/kg, hạt điều khô 31.183 đồng/kg, hạt tiêu khô 67.810 đồng/kg.
Tình hình sâu bệnh: Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì quan tâm do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.
b. Chăn nuôi
Số lượng gia súc, gia cầm ước tháng 01/2023 gồm có:
+ Đàn trâu: 12.720 con, tăng 0,87% (+110 con) so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 390 con, tăng 9,86% (+35 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 98 tấn, tăng 9,86% (+9 tấn) so với cùng kỳ;
+ Đàn bò: 39.170 con, tăng 0,15% (+60 con) so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 1.650 con, tăng 20% (+275 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 287 tấn, tăng 20% (+48 tấn) so với cùng kỳ;
+ Đàn heo: 1.711.580 con, tăng 2,16% (+36.116 con) so cùng kỳ; số con xuất chuồng là 181.200 con, tăng 19,05% (+29.000 con); sản lượng xuất chuồng ước đạt 17.395 tấn, tăng 19,05% (+2.784 tấn) so với cùng kỳ;
+ Đàn gia cầm: 13.810 ngàn con, tăng 19,15% (+2.220 ngàn con) so cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng ước đạt 6.380 tấn, tăng 51,90% (+2.180 tấn); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 22.520 ngàn quả, tăng 8,43% (+1.750 quả) so với cùng kỳ.
Công tác thú y được quan tâm nên tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không xảy ra nguy hiểm; không có dịch bệnh lớn phát sinh thành ổ dịch, công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, công tác kiểm dịch động vật vẫn được thực hiện theo kế hoạch và được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.
1.2. Lâm nghiệp
Tỉnh Bình Phước hiện có 170.855 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,72% đất sản xuất nông nghiệp, chia ra: Đất rừng sản xuất có 96.447 ha, chiếm 56,45% trên tổng diện tích đất lâm nghiệp, tương ứng; đất rừng phòng hộ có 43.285 ha, chiếm 25,33% và rừng đặc dụng có 31.123 ha, chiếm 18,22%.
Trong tháng, đang là mùa khô nên ngành Lâm nghiệp chủ yếu thực hiện công tác phòng chống cháy rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng.
Về khai thác, trong tháng 01 toàn tỉnh ước tính khai thác được 1.040 m3 gỗ, so với cùng kỳ tăng 0,97% (+10 m3). Lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 130 Ste, so với cùng kỳ tăng 8,33% (+10 Ste). Khối lượng gỗ và củi khai thác trong tháng hoàn toàn là rừng trồng.
1.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trong tháng sản lượng thủy sản ước thực hiện 195 tấn, so cùng kỳ giảm 21,37% (-53 tấn), trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên trong tháng thu được 28 tấn, giảm 2 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng thu được 167 tấn, giảm 51 tấn.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2023 ước đạt 77,33% so với tháng trước và 96,75% so với cùng kỳ năm trước, tức là giảm 22,67% so tháng trước và giảm 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 32,19% so với tháng trước, giảm 0,12% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến giảm 23,15%, giảm 3,62%; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm  7,97%, tăng 4,94%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 24,62%, giảm 6,71%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 44,60 lần; In, sao chép bản ghi các loại tăng 7,74 lần; Dệt tăng 25,13%; Sản xuất xe có động cơ tăng 14,61%. Tuy nhiên, một số ngành giảm mạnh: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 58,26%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 54,74%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 35,76%; Sản xuất trang phục giảm 26,63%...
Trong tháng 01/2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ sắp chữ in (khuôn in) hoặc trục lăn và các phương tiện truyền thông đại chúng dùng trong in tăng 9,15 lần; Chì chưa gia công tăng 81,33%; Dịch vụ in trờn sợi và vải (gồm cả đồ để mặc) tăng 58,03%; Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da tăng 38,51%... Một số sản phẩm giảm: Áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 54,13%; Dịch vụ sản xuất giày, dép giảm 43,06%; Bao bì và túi bằng giấy nhăn và bìa nhăn giảm 40,41%; Dịch vụ tái chế phế liệu phi kim loại giảm 14,19%...
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 01 năm 2023 giảm 0,33% so với tháng trước và tăng 3,54% so với cùng kỳ. Trong đó: chỉ số sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước không biến động so với tháng trước, tăng 5,99% so với cùng kỳ năm trước; Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,20% so với tháng trước, giảm 13,61% so với cùng kỳ; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,38% so với tháng trước, tăng 6,81% so với cùng kỳ. Xét theo ngành cấp I: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,39% so với tháng trước, tăng 4,43%; so với cùng kỳ; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,47% so với tháng trước, giảm 4,79% so với cùng kỳ; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí không biến động so với tháng trước, giảm 4,57% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp khai khoáng không biến động so với tháng trước, tăng 35,19% so với cùng kỳ.
3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 01/2023 ước tính đạt 6.205,63 tỷ đồng, tăng 2,33% so với tháng trước và tăng 23,98% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện 5.098,97 tỷ đồng tăng 2,27% so với tháng trước và tăng 21,38% so với cùng kỳ; Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước thực hiện 600,41 tỷ đồng, tăng 3,10% so với tháng trước và tăng 19,51% so với cùng kỳ năm trước; Tương ứng: Dịch vụ lữ hành ước thực hiện 1,39 tỷ đồng, tăng 8,62%, tăng 10,30 lần; Dịch vụ khác ước thực hiện được 504,85 tỷ đồng, tăng 2,06%, tăng 67,22%.

Trong tháng doanh thu một số nhóm hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 50,76%; Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 41,32%; Xăng, dầu các loại tăng 26,84%...
3.2. Giao thông vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 01/2023 ước đạt 221,30 tỷ đồng, tăng 6,07% so với tháng trước, tăng 117,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách đạt 133,61 tỷ đồng, tăng 6,48% so với tháng trước, tăng 292,36% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 84,72 tỷ đồng, tăng 5,50% so với tháng trước, tăng 29,64% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách tháng 01/2023 ước thực hiện 1.442,55 ngàn HK và 181.602,06 ngàn HK.km, so với tháng trước tăng 6,15% về vận chuyển, tăng 6,29% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 292,62% về vận chuyển, tăng 291,49% về luân chuyển.
Vận tải hàng hoá tháng 01/2023 ước thực hiện được 359,91 ngàn tấn và 24.575,73 ngàn T.km, so với tháng trước tăng 5,30% về vận chuyển, tăng 5,36% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 29,29% về vận chuyển, tăng 29,32% về luân chuyển.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ 
1. Chỉ số giá

Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2023 tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng so với tháng trước, với mức tăng như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,79%); Nhóm đồ uống và thuốc lá (+1,30%); Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (+0,13%); Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,32%); Nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+0,21%); Nhóm giao thông (+1,02%); Nhóm bưu chính viễn thông (+0,02%): Nhóm giáo dục (+0,03%); Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+0,10%); Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+1,23%). Bên cạnh đó có 1 nhóm giảm giá so với tháng trước là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-0,64%).
Một số nguyên nhân làm tăng, giảm CPI tháng 01 năm 2023:
- Giá gạo tăng nhẹ (+1,42%) do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác cũng tăng do nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tăng như:  Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,05%; Nhóm quả tươi, chế biến trong tháng tăng 4,27%; Giá các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 3,02%; Bánh, mứt, kẹo tăng 0,22%...
- Từ ngày 01/01/2023 giá gas điều chỉnh giảm 24.000/bình/12kg so với tháng trước theo công bố của tập đoàn xăng dầu Việt Nam. Cũng tác động giảm chỉ số chung CPI tháng 01/2023 là 0,21% so với tháng trước.
- Giá nhiên liệu tăng 1,86% so với tháng trước do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 03/01/2023 và ngày 11/01/2023.
- Một số mặt hàng đồ dùng gia đình tăng do nhu cầu người dân mua sắm chuẩn bị Tết như: Giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,07%; Vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,56%...
Chỉ số giá vàng: Giá vàng trong tháng biến động theo giá vàng thế giới; Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng cuối năm của người dân tăng cao khiến cho chỉ số giá vàng tháng 01/2023 0,50% so với tháng trước; tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đôla Mỹ: Trong nước, giá đô la cũng là mặt hàng biến động liên tục, giá bình quân ở thị trường tự do đến ngày 18/01/2023 ở mức 23.699 VND/USD. Chỉ số Đô la Mỹ tháng 01/2023 giảm 1,90% so với tháng trước; tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.
2. Đầu tư, xây dựng
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2023 ước thực hiện 226,41 tỷ đồng, giảm 0,39% so cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 156,93 tỷ đồng, giảm 11,82%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 69,47 tỷ đồng, tăng 40,86%. Trong tháng tiếp tục thi công các công trình trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành; Dự án kiên cố hóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố cấp học Mần non và Tiểu học cho vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa theo QĐ 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2); Xây dựng đường vào các đồn biên phòng: Đắk Ơ huyện Bù Gia Mập; Phước Thiện huyện Bù Đốp; Lộc An huyện Lộc Ninh; Lộc thiện huyện Lộc Ninh đi đường tuần tra biên giới…
3. Ngân hàng
Về lãi suất: Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng tăng, đặc biệt trong bối cảnh NHNN đã 02 lần điều tăng các mức lãi suất điều hành (từ ngày 29/3/2022 tăng lên thêm 1% và đến ngày 25/10/2022 tiếp tục tăng lên thêm 1%); So với cuối năm 2021, lãi suất tiền gửi bình quân trên địa bàn tăng 1,19%/năm, lãi suất cho vay bình quân tăng khoảng 1,21%/năm.
Đối với huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đến cuối tháng 01/2023 ước đạt 53.500 tỷ đồng, tăng 1,45% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam chiếm 98,69%, tiền gửi ngoại tệ chiếm 1,31%; tiền gửi tiết kiệm chiếm 58,11%, tiền gửi thanh toán chiếm 40,22%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,66%.
Đối với hoạt động tín dụng: Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 01/2023 ước đạt 108.200 tỷ đồng, tăng 0,99% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 74,55%; trung, dài hạn chiếm 25,45%; cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 93,99%, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 6,01%. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu chiếm khoảng 0,48% trên tổng dư nợ.
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Đời sống dân cư

Đời sống dân cư tháng 01/2023 vẫn ổn định, tình hình xóa đói giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm đúng mức bằng các hình thức giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất; người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.
Tình hình lương, thưởng của người lao động: Đa số doanh nghiệp lên kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho người lao động. Tuy nhiên, mức thưởng có sự chênh lệch khá lớn giữa tiền thưởng cao nhất so với tiền thưởng thấp nhất trong tất cả các loại hình doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp FDI mức thưởng cao nhất là 75.000.000 (Công ty CP gỗ MDF VRG Dongwha - KCN Minh Hưng III), mức thưởng thấp nhất là 200.000đ (Công ty TNHH Quảng Hưng), mức thưởng bình quân là 8.829.000 đồng; Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu mức thưởng cao nhất là 74.780.000 đồng (Viễn thông Bình Phước), mức thưởng thấp nhất là 1.000.000 đồng (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh); Đối với doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng cao nhất là 200.700.000 đồng (Ngân hàng TMCP Á Châu- CN Bình Phước), mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng (Công ty CP xăng dầu Petro Bình Phước).
2. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác
Thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 05/01/2023 của UBND tỉnh về việc thăm và chúc Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngành chức năng đã ban hành công văn số 40/SLĐTBXH-VP ngày 06/01/2023 về hướng dẫn tặng quà Tết từ nguồn ngân sách tỉnh, với tổng kinh phí quà Tết trích từ ngân sách địa phương là 16.811,9 triệu đồng; gồm chi hỗ trợ các đối tượng sau:
- Thăm tặng 19.138 phần quà cho đối tượng chính sách người có công với tổng kinh phí là 9.555,5 triệu đồng.
- Tổng số cán bộ hưu trí đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là 16.653 người, mức chi là 500.000đồng/phần quà, tổng kinh phí là 8.326,5 triệu đồng.
- UBND tỉnh đã phân bổ số lượng 6.700 phần quà, mức chi 500.000 đồng/phần quà, tổng kinh phí là 3.350 triệu đồng để các Đoàn đi thăm động viên hỗ trợ người lao động khó khăn không có điều kiện về quê ăn tết, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trong các ngày tết, đối tượng đang ở các trung tâm bảo trợ xã hội, các hộ gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa…
- Ngoài ra, tổ chức thăm tặng quà cho 16 đồn biên phòng, 27 đơn vị lực lượng vũ trang; 20 chốt dân quân biên giới, dân quân KCN, KTT; 152 hộ dân cư liền kề chốt dân quân biên giới… với tổng số tiền là 441 triệu đồng.
3. Công tác bảo trợ xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang quản lý và nuôi dưỡng tập trung 62 người, trong đó 51 người già và 11 trẻ em. Trong dịp tết Nguyên đán Trung tâm đã tiếp nhận 13 đoàn khách đến thăm và tặng quà cho đối tượng. Tổng số tiền khoản 87 triệu đồng, 600 kg gạo, 03 chiếc xe đạp và một số nhu yếu phẩm khác….
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh hiện đang quản lý và chữa bệnh 658 học viên/81 cán bộ quản lý, cai nghiện tự nguyện 16 người.
4. Giáo dục, đào tạo
Trong tháng, ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình, kế hoạch làm việc năm 2023. Kiểm tra công tác quản lí chuyên môn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên theo Nghị định 71/2021/NĐ-CP năm 2022 của UBND tỉnh; Hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá cuối học kì I và tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm học kỳ I, năm học 2022-2023 của toàn ngành theo kế hoạch thời gian năm học.
5. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Công tác mạng lưới y tế, biên chế, đào tạo cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục thực hiện theo quy định. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực và điều trị bệnh; Công tác khám, chữa bệnh đã có những bước tiến quan trọng, nhiều danh mục kỹ thuật không ngừng được phê duyệt, các kỹ thuật mới tiếp tục được chuyển giao, áp dụng điều trị hiệu quả cho người bệnh. Tình hình các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đã chú động triển khai thực hiện các biện pháp, không để dịch bùng phát xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch”; Dịch sốt xuất huyết cơ bản được khống chế; dịch bệnh sốt rét đã duy trì đạt mục tiêu 3 giảm (không có dịch sốt rét xảy ra, số ca mắc sốt rét giảm, không có ca tử vong) … An toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong tháng 01/2023, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào đón Tết Dương lịch năm 2023; Phối hợp tổ chức Lễ hội Giao thừa “Mừng Đảng, mừng Xuân” và tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023.
Công tác tuyên truyền: Toàn ngành tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần 2022; tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả, thực hiện in ấn và thi công trang trí được: 1.550m2 ­băng rôn; 8.342m2 pa nô; 12.068m2 banner; treo 2.600 lượt cờ phướn; 2.500 lượt cờ Đảng, cờ nước; 12.500 lượt cờ dây các loại; viết tin bài đăng trên trang web, tạp chí của ngành và của các đơn vị.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Phối hợp Trung tâm lưu trữ quốc gia II thực hiện trưng bày chuyên đề “Từ Điện Biên phủ trên không đến Hiệp định Paris năm 1973”; Tổ chức trưng bày chuyên đề “Xuân biên cương - Hải đảo” mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023. Trong tháng, tổng lượt khách tham quan và tương tác là 48.686 lượt (trong đó: tham quan tại Bảo tàng tỉnh là 630 lượt; tại các di tích là 4.282 lượt; tương tác qua nền tảng công nghệ số 43.774 lượt).
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Tổ chức thành công chương trình nghệ thuật Lễ hội Giao thừa mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023 với chủ đề “Bình Phước vươn cánh trời xuân”. Trong tháng, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, sự kiện được 17 buổi, thu hút gần 6.100 lượt khán giả.
Hoạt động thư viện: Tổ chức không gian sách, báo Xuân Quý Mão tại Quảng trường 23 tháng 3; ban hành Cuốn thông tin tư liệu Bình Phước số 43. Trong tháng, thư viện tỉnh cấp 13 thẻ thư viện (cấp mới 09 thẻ, 04 thẻ gia hạn); phục vụ được 393.984 lượt bạn đọc (trong đó bạn đọc tại phòng đọc Thư viện: 570 lượt, bạn đọc truy cập website: 393.414 lượt); tổng số tài liệu lưu hành là 2.820 lượt.
Thể dục thể thao: Đăng cai tổ chức thành công giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá" lần thứ 28, năm 2023. Trong tháng, Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh cử đội tuyển tham dự 01 giải thể thao toàn quốc và 01 giải thể thao quốc tế, kết quả đạt 02 HCV, 01 HCB, 4 HCĐ; hỗ trợ các sở, ban, ngành tổ chức 03 giải thể thao với 65 lượt trọng tài.
Hoạt động du lịch: Tổ chức thành công Không gian trưng bày, quảng bá văn hóa - du lịch - ẩm thực đặc trưng các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ năm 2023. Trong tháng, hoạt động du lịch với lượt khách tham quan đạt: 56.970 lượt khách, tăng 58,91% so với tháng trước và tăng 820,30% so với cùng kỳ 2022; trong đó khách nội địa 56.200 lượt khách; khách quốc tế: 770 lượt khách. Tổng thu du lịch: 38,74 tỷ đồng, tăng 23,93% so với tháng trước và tăng 779,42% so với cùng kỳ năm 2022.
7. Tai nạn giao thông
Trong tháng 01/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 16 người chết, 8 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 01/2023 giảm 16,67%; số người chết tăng 14,29%; số người bị thương giảm 38,46%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 16,67%; số người chết không biến động; số người bị thương giảm 11,11%. Nguyên nhân chủ yếu do đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng không nhường đường, tránh vượt sai quy định.
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 4.086 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 1.414 phương tiện, tước 816 GPLX, cảnh cáo 123 trường hợp, xử lý hành chính 3.864 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước trên 10,40 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (928 trường hợp), không có giấy phép lái xe (773 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (759 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (148 trường hợp).
8. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng 01/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy nhà dân trên địa bàn thị xã Chơn Thành, nguyên nhân vụ cháy đang được xác minh, không có thiệt hại về người, tổng tài sản thiệt hại ước tính 400 triệu đồng.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện 52 vụ vi phạm môi trường, tiến hành xử lý 12 vụ vi phạm với số tiền xử phạt 70,75 triệu đồng. Các vụ vi phạm môi trường chủ yếu là các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, vi phạm liên quan đến khoáng sản, lâm sản; vi phạm về y tế..../.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác