Thứ hai, 00/00/2023
°

Xây dựng Thông tư hướng dẫn về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã

Ngày 24/01/2024 - 14:46:00 | 2672 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Thông tư hướng dẫn về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã. Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 (Luật Hợp tác xã năm 2023). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã năm 2023 đã có những bước cải cách đáng kể theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường bằng việc cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường “hậu kiểm”, tạo sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác, đảm bảo sự bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác, Luật đã bổ sung 01 chương riêng quy định về tổ hợp tác, trong đó quy định về nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của tổ hợp tác để thống nhất quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và nội dung thông tin, việc cập nhật, khai thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã để trình Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Sự thay đổi về khung pháp lý trong đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống biểu mẫu về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp để có thể đưa các quy định mới về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Luật và Nghị định nêu trên vào thực tiễn đời sống.

Trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu là nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể hoàn chỉnh. Các số liệu và dữ liệu hiện nay đến từ nhiều nguồn khác nhau như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, … Phần lớn dữ liệu vẫn còn lưu trữ một cách phân tán, rời rạc, chưa có tính liên kết, xâu chuỗi, việc cập nhật dữ liệu còn mang tính thủ công, dẫn đến việc khai thác và sử dụng thông tin số liệu còn chậm, độ chính xác thấp, khó khăn trong hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể.

Do vậy, cần thiết xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu riêng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, hỗ trợ và phát triển hợp tác xã trên cơ sở số hóa toàn bộ các hồ sơ về hợp tác xã và lưu trữ trên hệ thống máy tính được kết nối internet để kết nối dữ liệu trong cả nước. Thông tin từ cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng với từng nhóm đối tượng khác nhau: nhóm 1 là các cơ quan nhà nước liên quan đến hợp tác xã khai thác thông tin phục vụ công tác báo cáo, thống kê, xây dựng và thực thi các chính sách; nhóm 2 là các đối tượng khác khai thác thông tin phục vụ nhu cầu tham gia, hợp tác với hợp tác xã.

Mục đích xây dựng Thông tư nhằm ban hành hệ thống biểu mẫu áp dụng trong đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo khung pháp lý mới nhằm nhanh chóng đưa các quy định của Luật và Nghị định vào cuộc sống. Xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin cho việc nghiên cứu xây dựng pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định và hiệu quả của lĩnh vực kinh tế tập thể.

Quan điểm xây dựng dự thảo Thông tư là bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, thể chế, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự và thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính khả thi, kịp thời, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng hệ thống biểu mẫu đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: Bám sát nội dung của Luật Hợp tác xã năm 2023 và Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm cụ thể hóa những đổi mới, cải cách trong công tác đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được quy định tại Luật và Nghị định; Khắc phục một số tồn tại, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng các biểu mẫu về đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã; Bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cơ quan đăng ký kinh doanh; tối giản hóa các thông tin cần kê khai trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu dùng chung, qua đó thúc đẩy mục tiêu cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đã đề ra tại các Nghị quyết, Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công.

Xây dựng và phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã đảm bảo tính định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của bộ, ngành và địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, phân định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các đơn vị; phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương và quá trình xây dựng Chính phủ số; đảm bảo tính khả thi, bền vững. Đảm bảo thông tin đầy đủ, phong phú, đa dạng và chính xác, đáp ứng yêu cầu sử dụng dữ liệu thông tin ngày càng cao của xã hội. Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác phải trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số; đảm bảo khả năng tiếp cận dữ liệu từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể của tất cả những người sử dụng thông tin. Nhanh chóng thực hiện cách mạng dữ liệu, hiện đại hóa công tác thu thập, tổng hợp dữ liệu góp phần để Việt Nam đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện;

Ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, có giá trị lâu dài, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác; sử dụng tối đa các dịch vụ đã có sẵn, kế thừa kết quả đã triển khai của các cơ quan nhà nước (CSDL, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin), thông qua các giải pháp chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp để tạo lập, kết nối, chia sẻ với các CSDL quốc gia khác.

Đảm bảo tính tập trung, thống nhất dữ liệu; phải có khả năng sẵn sàng cao, bảo đảm hoạt động liên tục và ổn định, đáp ứng 24/7 yêu cầu của người dùng, có cơ chế sao lưu dữ liệu một cách an toàn, có khả năng bảo đảm an toàn an ninh thông tin, an ninh mạng; hệ thống được triển khai theo hướng dịch vụ, đáp ứng tốt yêu cầu tích hợp và cập nhật, có khả năng mở rộng trong tương lai.

Có tính khả thi, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn lực, đặc thù, năng lực của từng bộ, ngành, địa phương. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và vận hành lâu dài, vì vậy, cần xác định rõ phạm vi, đồng thời chia giai đoạn để thực hiện, việc thực hiện cần đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp, chồng chéo và lãng phí; đáp ứng được yêu cầu cấp bách mà thực tế đặt ra, phù hợp với quy hoạch tổng thể của ngành, của lĩnh vực.

Bảo đảm nguyên tắc trong quản lý và vận hành hệ thống, phân cấp rõ ràng về nội dung quản lý, phương thức và trách nhiệm, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ giữa các đối tượng liên quan; bảo đảm thực hiện hiệu quả, khả thi, tiết kiệm.

Dự thảo Thông tư bao gồm 4 chương với 17 điều, cụ thể Chương I. Những quy định chung (4 điều); Chương II. Cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu, thông tin về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (9 điều); Chương III. Tổ chức thực hiện (3 điều); Chương IV. Điều khoản thi hành (2 điều).

Phụ lục bao gồm 64 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký và thực hiện chế độ báo cáo của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và phụ lục khác, được chia thành 06 nhóm, bao gồm: Nhóm 1: Mẫu văn bản quy định cho hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã; Nhóm 2: Mẫu văn bản quy định cho tổ hợp tác; Nhóm 3: Mẫu văn bản quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong đăng ký và thực hiện chế độ báo cáo đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Nhóm 4: Mẫu văn bản quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong đăng ký tổ hợp tác; Nhóm 5: Mẫu phục vụ khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về hợp tác xã; Nhóm 6: Phụ lục khác./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác