Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 năm 2023 của tỉnh Đồng Nai

Ngày 21/12/2023 - 16:32:00 | 191 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 11 tuy vẫn gặp khó khăn nhưng đã có chuyển biến tích cực hơn, lạm phát trên thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, một số Doanh nghiệp đã ký được đơn hàng với số lượng lớn; mặt khác các Doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng thường xuyên trong dịp Tết nguyên đán đã tập trung sản xuất để phục vụ Tết v.v... vì vậy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng khá so tháng trước.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 tăng 2,28% so tháng trước, Trong đó: Khai khoáng tăng 0,03%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,26%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 36,44%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,36%.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng  năm 2023 tăng 4,95% so cùng kỳ đây là mức tăng thấp so với 11 tháng của nhiều năm qua; trong đó ngành khai khoáng tăng 4,85%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 10,85% (đây là ngành có mức giảm nhiều nhất do các Doanh nghiệp sản xuất điện năm 2023 có kế hoạch sản xuất giảm); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 4,46%; Dự ước 11 tháng năm 2023 có 25/27 ngành sản xuất công nghiệp tăng so cùng kỳ nhưng hầu hết tăng thấp: Ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; Sản phẩm kim loại,  sản xuất máy móc thiết bị.v.v. đây là những ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn tăng trưởng thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số sản xuất toàn ngành. Mặc dù chỉ số sản xuất của tháng 11 tăng khá so với tháng trước do các doanh nghiệp có đơn hàng cuối năm. Lũy kế 11 tháng tăng so cùng kỳ, tuy nhiên thực tế tình hình sản xuất của các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do đơn hàng giảm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tồn kho tăng.

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 7,93%, Chế biến thực phẩm tăng 5,57%; Dệt tăng 5,01%; May mặc tăng 6,62%; sản xuất hóa chất tăng 5,37%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9,07%.v.v…một số ngành sản xuất khác chỉ số sản xuất tăng như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,81%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,56%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 11,05%; sản xuất thiết bị điện tăng 6,36%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 6,5%.v.v… Tuy nhiên mức tăng trưởng của các ngành này 11 tháng năm nay thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

Một số ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất 11 tháng  giảm so cùng kỳ như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-0,28%); Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-10,5%) … nguyên nhân giảm do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn do đơn hàng sản xuất giảm mạnh, đặc biệt ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đơn hàng rất ít nên chỉ số sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ. Riêng ngành sản xuất phân phối điện sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ do kế hoạch sản xuất theo phân bổ của tập đoàn Điện lực Việt Nam năm nay giảm đáng kể, ngành sản xuất phân phối điện ở Đồng Nai chiếm tỷ trọng khá lớn nhưng ngành điện giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số sản xuất toàn ngành.

- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước tháng 11 năm 2023 có 21/24 sản phẩm chủ yếu tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Thức ăn gia súc đạt 240,7 nghìn tấn, tăng 1,13%; nước ngọt các loại 22,2 triệu lít, tăng 1,37%; vải các loại đạt 46,5 triệu m2, tăng 1,31%, quần áo may sẵn đạt 21,5 triệu cái, tăng 2,38%, giầy dép các loại đạt 36,1 triệu đôi, tăng 1,40%.

Lũy kế 11 tháng năm 2023 có 19/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản phẩm tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 16.910,8 nghìn m3, tăng 4,85%; bột ngọt 253,6 nghìn tấn, tăng 5,27%; nước ngọt các loại 246,2 triệu lít, tăng 3,32%; sợi các loại 949,2 ngàn tấn, tăng 5,34%; Vải các loại 534,9 triệu m2, tăng 8,83%; quần áo may sẵn đạt 219,8 triệu cái, tăng 6,13%; giầy dép các loại 392,7 triệu đôi, tăng 5,79%; sản phẩm kim loại 400,1 ngàn tấn, tăng 6,47%, v.v…;  Một số sản phẩm 11 tháng chỉ số sản phẩm giảm như: Ván ép, gỗ cưa, gỗ lạng đạt 606,9 ngàn m3, giảm 0,33%; Mạch điển tử, tủ điện, sản phẩm điện tử khác đạt 1.943 triệu chiếc, giảm 4,7%; Giường, tủ, bàn ghế đạt 9.055,9 ngàn chiếc, giảm 1,6%, .v.v… Nguyên nhân tăng thấp và giảm là do đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và các nước EU giảm, cụ thể một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn như da giày, dệt may (công ty Changshin, Việt Vinh, Pouchen.v.v). mặt khác do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn. Đặc biệt ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đơn hàng mới rất ít, hầu như Doanh nghiệp dừng hoạt động thời gian dài, một số đơn hàng đã ký nhưng phải ngưng do đối tác không có khả năng thanh toán vì tài chính khó khăn.

- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 11/2023 giảm 3,47% so với tháng 10/2023 và giảm 2,81% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ giảm 7,52% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ 11 tháng tăng so cùng kỳ đó là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,71%, sản xuất trang phục tăng 11,68%, sản xuất hóa chất và dược liệu tăng 30,78%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,79%, sán xuất xe có động cơ tăng 15,56%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 7,79% … các ngành khác hầu hết chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ.

- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2023 dự ước tăng 4,28% so với tháng 10/2023. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng cao so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+42,4%); Sản xuất đồ uống (+ 19,57%) vì tháng cuối năm hàng sản xuất phục vụ tết; ngành dệt (+16,07%); sản xuất trang phục (+ 3,36%); Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+ 1,01%); Sản xuất sả phẩm từ kim loại đúc sẵn (+11,81%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+ 48,47%); Sản xuất Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (+5,31)…. Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng so tháng trước là do thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tháng cuối năm chuyển biến tích cực hơn vì có thêm đơn hàng mới, mặt khác Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán nên hàng tồn kho tháng trước tăng lên để phục vụ cho xuất khẩu và phục vụ Tết.

- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 11 năm 2023 tăng 0,97% so với tháng trước và giảm 4,64% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp nhà nước giảm 0,1% so tháng trước và giảm 3,30% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng tăng 0,80% và giảm 6,26%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 1,01% và giảm 4,55% so tháng cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng chỉ số sử dụng lao động giảm 7,47% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,21%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,55%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,74%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,93%. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động 11 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ, chờ việc do đơn hàng sụt giảm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, doanh nghiệp có vốn FDI, do đó tác động xấu đến chỉ số về tình hình sử dụng lao động.

2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cơ bản ổn định; thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển; các địa phương thực hiện tốt công tá phòng chống hạn, chống ngập úng nên hầu hết các loại cây trồng mức độ thiệt hại ít; dịch bệnh không phát sinh thành dịch và không gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi; giá cả nhiều sản phẩm nông nghiệp có xu hướng tăng. Kết quả hoạt động các lĩnh vực như sau:

Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đến 15/11/2023 là 141.665,67 ha, giảm 1.364 ha (-0,95%) so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm vì một số chân ruộng lúa cao không đủ nước để gieo trồng, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng cây hàng năm có xu hướng giảm dần do chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, mít, chuối…. bên cạnh đó công tác quy hoạch, xây dựng, cho thuê, thu hồi đất v.v… cũng làm ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng. Diện tích tăng, giảm một số cây trồng chủ yếu như sau: Diện tích lúa đạt 51.359,63 ha, giảm 1,52% (lúa Đông Xuân đạt 15.271,94 ha, tăng 0,06%; lúa Hè Thu đạt 18.836,5 ha, giảm 1,82%; lúa Mùa đạt 17.251,19 ha, giảm 4,56%); Diện tích ngô đạt 35.045 ha, giảm 0,49%; Khoai lang đạt 224 ha, giảm 2,16%; Mía đạt 2.755 ha, giảm 32,31%; Rau các loại đạt 17.882 ha, tăng 1,21%; Đậu các loại đạt 3.700 ha, tăng 4,25% so với cùng kỳ.

Dự ước sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 11 tháng tăng, giảm so cùng kỳ như sau: Sản lượng lúa 307.945 tấn, giảm 1,37%; Bắp 287.416 tấn, tăng 0,3%; Khoai lang 2.445 tấn, giảm 5,29%; Sắn 472.814 tấn, tăng 8,96%; Mía 196.057 tấn, giảm 31,14%; Đậu tương 475 tấn, tăng 11,76%; Lạc 2.237 tấn, giảm 5,49%; rau các loại 270.650 tấn, tăng 4,42%; sản lượng đậu các loại 5.293 tấn, tăng 6,61% so cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng một số cây trồng như lúa, bắp, mía, lạc giảm do giảm diện tích, bên cạnh đó một số loại rau và đậu có sản lượng tăng do nhu cầu thị trường xã hội cao, giá bán sản phẩm luôn ổn định, người dân đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh nên sản lượng và năng suất tăng so với cùng kỳ.

Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, thời tiết khí hậu khá thuận lợi cho cây trồng phát triển; dịch bệnh có phát sinh nhưng ở thể nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển cây trồng; công tác tưới tiêu cho cây trồng luôn được các ngành địa phương quan tâm. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 170.833 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ. Trong đó: Cây ăn quả đạt 77.630 ha, tăng 1,28% và chiếm 45,44% so với tổng diện tích, nguyên nhân diện tích cây ăn quả tăng là do giá bán khá ổn định như xoài, chuối, bưởi, quýt, sầu riêng và có thuận lợi là phù hợp với thổ nhưỡng đất, mặt khác sản lưởng các cây ăn quả này cũng tăng cao do người dân tập trung đầu tư chăm sóc, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật... nên người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả do đạt hiệu quả kinh tế cao; Cây công nghiệp lâu năm đạt 93.203 ha, giảm 0,14% và chiếm 54,56% tổng diện tích. Hiện nay nhóm cây công nghiệp lâu năm như điều, tiêu, cao su có xu hướng giảm do giá bán xuống thấp nên người dân không đầu tư thâm canh và chăm sóc, bên cạnh đó giá vật tư, phân bón, giá thuê nhân công tăng cao cũng là trở ngại cho công tác chăm sóc cây công nghiệp lâu năm, một số diện tích bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây ăn quả và thực hiện các dự án theo định hướng phát triển của tỉnh.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 11 tháng đầu năm như sau: Xoài đạt 105.594 tấn (+0,55%); Chuối đạt 193.017 tấn (+12,22%); Thanh Long đạt 16.329 tấn (+0,68%); Bưởi đạt 88.576 tấn (+12,56%), nguyên nhân sản lượng các loại cây ăn quả tăng là do giá bán các mặt hàng như Xoài, Chuối, Bưởi khá ổn định và các loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng đất, hiệu quả kinh tế cao nên người dân tập trung đầu tư chăm sóc, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, một số vùng trồng chuyên canh nông dân chuyển đổi từ cây công nghiệp lâu năm và cây hàng năm khác qua trồng cây ăn quả. Sản lượng Điều đạt 39.481 tấn, giảm 5,05%; Tiêu đạt 27.833 tấn, giảm 1,38%, nguyên nhân sản lượng điều và tiêu giảm do chuyển đổi diện tích cây trồng sang cây ăn quả. Sản lượng Cao su đạt 38.555 tấn, tăng 2,84% so cùng kỳ, nguyên nhân do giá thu mua mủ cao su tại Đồng Nai có xu hướng tăng đồng thời việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cao su phục hồi.

Chăn nuôi: Tình hình hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định. Mặc dù năm 2023 gặp một số khó khăn do giá thức ăn tăng cao, tiêu thụ sản phẩm khó khăn v.v.. Ngành chăn nuôi triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh góp phần tái đàn có hiệu quả, công tác tiêm phòng luôn được quan tâm, giám sát chặt chẽ do đó trong 11 tháng đầu năm tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có phát sinh nhưng chỉ ở thể nhẹ và được phòng chống kịp thời, không phát sinh thành dịch. Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 11/2023 là 2.426.483 con, giảm 2,42% so cùng kỳ. Trong đó:

Trâu đạt 3.915 con, tăng 0,9%; Bò đạt 103.532 con tăng 4,56% so cùng kỳ; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi, bên cạnh đó người dân cũng cải tạo đàn bò theo hướng bò thịt nhằm tăng thu nhập trong chăn nuôi. Dự ước 11 tháng, sản lượng thịt trâu đạt 249,2 tấn, tăng 5,42%; thịt bò đạt 4.585,8 tấn, tăng 5,42% so cùng kỳ.

Heo đạt 2.319.036 con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 2,72% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo giảm là do chi phí đầu vào tăng cao chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng gấp nhiều lần so với trước, giá heo hơi bán ra luôn ở mức dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chăn nuôi phải “treo” chuồng hoặc bỏ nghề vì thua lỗ. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang quá tải vì sản phẩm chăn nuôi không xuất khẩu được như kỳ vọng. Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu áp lực quá lớn do sản xuất cung lớn hơn cầu. Thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm hơn vì kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải tạm ngừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, các bếp ăn tập thể tiêu thụ chậm sản phẩm chăn nuôi heo, do vậy người chăn nuôi cũng cân nhắc trong việc tái đàn. Mặt khác việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi dẫn đến tổng đàn giảm. Giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đến ngày 17/11/2023 dao động trong khoảng từ 50.000 đến 53.000 đồng/kg.

Dự ước sản lượng thịt heo 11 tháng đạt 437.108,8 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ. Nguyên nhân thịt heo tăng do nguồn thực phẩm này vẫn được thị trường tiêu thụ mạnh nên một số trang trại có heo trong chuồng có trọng lượng lớn là sẽ xuất chuồng, hạn chế việc nuôi kéo dài vì lo sợ chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Mặc dù giá heo hơi liên tục giảm, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm ngưng không tái đàn, nhưng các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, đang hoàn thiện hơn chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, linh động trong khâu phân phối ra thị trường, đồng thời cũng đang nâng cấp quy trình sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ chuẩn tham gia thị trường xuất khẩu do vậy sản lượng thịt heo xuất chuồng 11 tháng/2023 vẫn tăng khá so cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm hiện có là 25.453,62 nghìn con, tăng 0,3% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 22.803,31 nghìn con, tăng 0,44%. Sản lượng thịt gia cầm 11 tháng đầu năm ước đạt 180.082 tấn, tăng 5,15%, trong đó thịt gà 159.334 tấn, tăng 5,89%; Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 1.248,4 triệu quả, tăng 8,87% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà và sản lượng tăng là do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn. Hơn nữa, khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi. Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.

b) Lâm nghiệp

Tình hình lâm phận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát triển ổn định, công tác quản lý bảo vệ rừng được duy trì và tăng cường; trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng; các kế hoạch, dự án, đề án, phương án được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Trong tháng 11/2023 các đơn vị lâm nghiệp tiếp tục xuống giống trồng rừng trên phần diện tích đất trồng. Dự ước diện tích rừng trồng mới trong tháng 11/2023 đạt 259 ha, tăng 0,12% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 11 tháng đạt 3.918 ha, tăng 1,05% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do các năm trước diện tích rừng đã đến kỳ thu hoạch nhiều, nên năm nay các chủ rừng tiến hành trồng mới trên những diện tích đã thu hoạch để đảm bảo nguồn cung của thị trường. Bên cạnh đó còn có hình thức trồng cây phân tán các loại cây gỗ, cây làm cảnh, cây che bóng mát.… Ước tính 11 tháng số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 1.291,1 nghìn cây.

Trong tháng 11/2023 sản lượng gỗ khai thác dự ước đạt 32.711 m3, tăng 2,57% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 11 tháng/ 2023 đạt 258.924 m3, tăng 2,34% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng là do diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ thu hoạch và một số diện tích khai thác tận thu dự án chuyển đổi quy hoạch.

Sản lượng củi khai thác dự ước tháng 11/2023 đạt 472 ste, tăng 2,01% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 11 tháng đạt 3.741 ste, tăng 2% so cùng kỳ.

c) Thủy sản

Tình hình sản xuất thủy sản trong tháng 11/2023 tương đối thuận lợi, hoạt động nuôi trồng thủy sản từng bước được cải thiện về phương thức nuôi trồng, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống. Giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường ổn định và tăng nhẹ. Các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động cải thiện đầu tư ao, hồ, lựa chọn những con giống vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế đặc biệt là các loại thủy sản có giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè... Việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến, tiêu chuẩn kỹ thuật mới như VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản; Phát triển nuôi lồng, bè trên các sông hồ theo hướng bảo vệ môi trường, có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá lóc, cá diêu hồng…

Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 11/2023 đạt 6.430 tấn, tăng 4,53% so tháng cùng kỳ; lũy kế 11 tháng ước đạt 67.654 tấn, tăng 4,47% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 55.505 tấn, tăng 4,77%; Sản lượng tôm đạt 9.303 tấn, tăng 5,56%; Sản lượng thủy sản khác đạt 2.845 tấn, giảm 4,09%. Nguyên nhân tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá bán sản phẩm thủy sản tăng cao, do đó mà nhiều hộ gia đình chủ động mở rộng diện tích nuôi trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh, nên sản lượng thủy sản tháng 11 và 11 tháng năm 2023 tăng khá so cùng kỳ.

3. Vốn đầu tư phát triển

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng năm 2023 tăng trưởng khá so cùng kỳ. Mặc dù trong thực hiện gặp một số khó khăn như: Nhiều dự án, công trình chưa thể giải ngân do vướng mắc thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho công tác thực hiện thi công công trình từ nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng thì những hạn chế, yếu kém về năng lực của các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng trong công tác thẩm định hồ sơ cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như tiến độ thực hiện dự án, trong đó tình trạng trả đi trả lại hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án diễn ra khá phổ biến. Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước do địa phương quản lý tháng 11 năm 2023 thực hiện 1.629,05 tỷ đồng, tăng 10,52% so với tháng 10 năm 2023. Ước 11 tháng thực hiện 10.434,93 tỷ đồng, tăng 32,4% so cùng kỳ và bằng 80,53% so kế hoạch năm 2023.

4. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1.059,47 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ, trong đó: cấp mới 65 dự án với tổng vốn đăng ký 317,8 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 62,5% về số dự án và giảm 29,01% về vốn đăng ký cấp mới); 85 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 741,77 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, giảm 1,16% số dự án và tăng 15,88% về vốn bổ sung).

Tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng, giảm vốn đạt khoảng 12.486,94 tỷ đồng, gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 2.536,32 tỷ đồng). Trong đó: cấp mới 20 dự án với tổng vốn đăng ký là 6.369 tỷ đồng, tăng gấp 5,9 lần so cùng kỳ; có 12 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung là 6.137,95 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần so cùng kỳ; có 01 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 20 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là: 58.649 tỷ đồng. Trong đó có 3.593 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 26.238 tỷ đồng và 1.032 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 32.411 tỷ đồng, so với cùng kỳ, bằng 94,5% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 89,6% về số vốn thành lập mới. Ngoài ra có 1.813 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, bằng 87,7 % so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, có 473 doanh nghiệp giải thể, tăng 1,9% so với cùng kỳ và có 698 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 24,4%; 1.561 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

5. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

5.1. Thương mại dịch vụ

 Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 năm 2023 sôi động hơn so với tháng trước. Trong tháng, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thuộc chương trình Xúc tiến thương mại năm 2023 của tỉnh và tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn... Các chương trình trên nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần tăng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 năm 2023 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 8,32% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 238.391,5 tỷ đồng, tăng 12,49% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành hoạt động như sau:

a) Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 16.722,3 tỷ đồng, tăng 1,81% so với tháng trước và tăng 4,89% so tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng doanh thu bán lẻ ước đạt 174.000 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng hoá có mức tăng khá so cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm tăng 6,48%, hàng may mặc tăng 14,17%; đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 7,16%; Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 21,92%; xăng dầu các loại tăng 14%; ...

Các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra từ ngày 20/10/2023 đến ngày 20/11/2023 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị triển khai các chương trình kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước; tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi giảm giá sâu các sản phẩm tiêu dùng như: tivi, tủ lạnh, máy giặt, hàng may mặc, giày dép… nhằm thanh lý hàng tồn kho và chuẩn bị hàng hoá cuối năm phục vụ các dịp lễ Noel, Tết dương lịch,… đã thu hút được lượng lớn khách hàng đến mua sắm góp phần làm tăng doanh thu bán lẻ trong tháng so với tháng trước.

b) Lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11 năm 2023 đạt 2.261,35 tỷ đồng, tăng 0,71% so với tháng trước và tăng 20,37% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 23.185,12 tỷ đồng, tăng 22,76% so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu lưu trú tăng 47,76%; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 22,52%.

Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng ước đạt 5,5 tỷ đồng, tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 14,08% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 61,7 tỷ đồng, tăng 90,21% so cùng kỳ.

c) Hoạt động dịch vụ

Doanh thu dịch vụ tháng 11 năm 2023 ước đạt 3.860,3 tỷ đồng, tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 18,13% so với tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 11 tháng doanh thu dich vụ ước đạt 41.144,5 tỷ đồng, tăng 21,54% so cùng kỳ. Một số ngành kinh doanh dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 20,37%, dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 12,42%, dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 27,31%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 22,23%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 20,25%...

5.2. Giá cả thị trường

Tháng 11/2023 giá các mặt hàng xăng, dầu đã điều chỉnh giảm, hiện tại giá bán xăng A95 (III) bình quân là 23.566 đồng/lít; xăng E5: 22.274 đồng/lít; Dầu DO: 21.217 đồng/lít; giá gas trong tháng tăng so với tháng trước bình quân 4.000 đồng/bình 12 kg, với mức tăng này hiện giá gas tới tay người tiêu dùng trong khoảng từ 432.500 đồng/bình đến 469.000 đồng/bình tuỳ loại. Giá heo hơi tiếp tục giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng giảm trong khi nguồn cung heo thịt trên thị trường dồi dào. Ngoài ra, thời tiết thuận lợi nên nhiều mặt hàng rau, củ, quả sản lượng thu hoạch nhiều làm cho giá nhiều mặt hàng giảm so với tháng trước, bên cạnh đó, một số mặt hàng giảm giá do nhiều cửa hàng, siêu thị, công ty có các chương trình khuyến mãi cuối năm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2023 so với tháng trước tăng 0,43%. Có 6/11 nhóm hàng tăng giá: Nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình đều có mức tăng chung 0,08%; Nhóm giáo dục tăng 0,02%; Nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,2%. Tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+9%). Nguyên nhân là do thực hiện theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 17 tháng 11 năm 2023 về việc quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp. Theo đó giá dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 9,59%; giá dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 13,85%. Ngoài ra giá một số mặt hàng như thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 1,26%; thuốc chống dị ứng tăng 0,74% nguyên nhân là do hiện nay nhiều bệnh như sốt xuất huyết, cảm cúm, bệnh đậu mùa khỉ, loại côn trùng kiến ba khoang đang bùng phát nên nhu cầu về các loại thuốc này tăng làm cho giá tăng so với tháng trước. Có 4/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,35%; Nhóm giao thông giảm 0,08%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023 so với tháng 12/2022 tăng 2,51%. Có 8/11 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất với 9,06% (dịch vụ y tế tăng 11,3%); nhóm giao thông tăng 5,39%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 7,16%... Có 3/11 nhóm có chỉ số giá giảm so tháng 12/2022 là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép (-0,18%); nhóm bưu chính, viễn thông (-0,72%) và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-1,73%).

Chỉ số giá bình quân 11 tháng năm 2023, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 02 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông (-2,94%); và nhóm bưu chính viễn thông (-0,45%). Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng khá, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất (+8,45%) do bước vào năm học mới 2023-2024 nhiều trường học dân lập tăng giá học phí mới; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,59% chủ yếu là do ảnh hưởng của giá lương thực thế giới trong thời gian qua tăng cao; Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 4,87%.

- Chỉ số giá vàng tháng 11 năm 2023 tăng 2,94% so với tháng trước; so với tháng 12/2022 tăng 11,56%. Bình quân 11 tháng tăng 4,07% so với cùng kỳ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 11 năm 2023 giảm 0,42% so tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 0,01%. Bình quân 11 tháng tăng 0,37% so cùng kỳ.

5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tình hình xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tháng 11 đã có những tín hiệu khả quan hơn khi kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng khá, các doanh nghiệp sản xuất đã ký thêm được những đơn hàng mới, các mặt hàng như: Dệt may, Giày dép…  ký được những hợp đồng trị giá lớn dẫn đến kim ngạch xuất khẩu trong tháng tăng so với tháng trước và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong tháng cuối năm khi lạm phát trên thế giới giảm và kinh tế thế giới phục hồi dần.

Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 11 năm 2023 đạt 1.858,34 triệu USD, tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 1,12% so tháng cùng kỳ. Hầu hết các ngành hàng xuất khẩu dự ước tăng so tháng trước như: Hạt điều nhân (+0,75%); Cà phê (+1,32%); hạt tiêu (+0,83%); Hàng dệt may (+0,35%); Giày dép các loại (+0,37%); Máy vi tính (+1,26%); phương tiện vận tải phụ tùng (+0,34%), sản phẩm sắt thép (+1,42%) … Tuy nhiên một số ngành còn gặp nhiều khó khăn về thị trường nên giá trị xuất khẩu trong tháng giảm so tháng trước như: cao su giảm 1,33%; xơ sợi các loại giảm 2,19%...

Luỹ kế 11 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 19.764,72 triệu USD, giảm 12,85% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước giảm 17,31%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 9,31%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13,82% so cùng kỳ. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu 11 tháng giảm so cùng kỳ là do tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột vũ trang và bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu nên khối lượng đơn đặt hàng giảm… dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ.

Thị trường xuất khẩu 11 tháng chủ yếu: Hoa kỳ 5.689,8 triệu USD chiếm 28,79%; Trung Quốc 2.047,4 triệu USD, chiếm 10,36%; Nhật Bản 2.047 triệu USD chiếm 10,36%; Hàn Quốc 1.107,5 triệu USD chiếm 5,6%...

- Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 11 năm 2023 đạt 1.316,4 triệu USD tăng 3,53% so với tháng trước; so với tháng cùng kỳ giảm 6,06%. Các doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới sản xuất cho những tháng cuối năm nên nhu cầu về nguyên liệu sản xuất tăng, bên cạnh đó giá nhập khẩu một số mặt hàng như hạt điều, cao su, chất dẻo… tăng và đang ở mức cao dẫn đến kim ngạch nhập khẩu tháng 11 dự ước tăng. So với tháng trước, hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu đều tăng như: Hạt điều nhân (+3,89%); Thức ăn gia súc (+4,24%); Cao su (+8,06%); gỗ và sản phẩm gỗ (+3,7%); Xơ, sợi (+1,63%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+4,08%) …

Luỹ kế 11 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14.311,59 triệu USD, giảm 18,15% so cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 184,14 triệu USD, giảm 21,51%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.114,5 triệu USD, giảm 40,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12.013 triệu USD, giảm 12,46%. Do xuất khẩu gặp khó khăn giảm sâu dẫn tới nhập khẩu cũng giảm mạnh vì nhu cầu nhập khẩu nguyên, phụ liệu sản xuất giảm mạnh, mặt khác nhập khẩu thiết bị máy móc phục vụ xây dựng các dự án đầu tư cũng giảm so cùng kỳ.

Thị trường nhập khẩu chủ yếu 11 tháng: Trung Quốc 354,2 triệu USD chiếm 26,91%; Hàn Quốc 171,2 triệu USD, chiếm 13%; Nhật Bản 92,7 triệu USD, chiếm 7,04%; Hoa kỳ 68,1 triệu USD, chiếm 5,17%...

5.4. Giao thông vận tải

Trong tháng 11 hoạt động kinh doanh vận tải tăng so với tháng trước, tăng chủ yếu ở nhóm dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải kho bãi, bốc xếp và dịch vụ bưu chính viễn thông. Riêng nhóm dịch vụ vận tải hành khách giảm nhẹ so với tháng trước. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển nguyên liệu để sản xuất hàng hóa phục vụ cuối năm tăng làm cho doanh thu các nhóm dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ kho bãi, bốc xếp và bưu chính chuyển phát tăng so với tháng trước.

Dự ước tổng doanh thu toàn ngành vận tải, kho bãi tháng 11 đạt 2.578,87 tỷ đồng, tăng 1,18% so với tháng trước và tăng 12,29% so với tháng cùng kỳ; 11 tháng dự ước đạt 27.692,5 tỷ đồng, tăng 19,75% so với cùng kỳ. Trong đó:

Doanh thu vận chuyển hành khách 11 tháng ước đạt 3.739,54 tỷ đồng, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm trước tương đương khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 66,8 triệu hành khách, tăng 26,23% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 3.914 triệu lượt hành khách.km, tăng 39,63% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận chuyển hàng hoá 11 tháng ước đạt 15.450,8 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 68,7 triệu tấn, tăng 9,39%; luân chuyển ước đạt 5.858,5 triệu tấn.km, tăng 10,56% so với cùng kỳ.

Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 11 tháng ước đạt 8.502,16 tỷ đồng, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm trước.

6. Hoạt động ngân hàng

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/10/2023 đạt 302.828 tỷ đồng, tăng 5,46% so với đầu năm. Trong đó: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.850 tỷ đồng, tăng 4,32%; Tiền gửi ước đạt 299.978 tỷ đồng, tăng 5,26% (tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 283.023 tỷ đồng, tăng 6,59%; tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 16.955 tỷ đồng, giảm 12,89%).

Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 31/10/2023 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 362.871 tỷ đồng, tăng 8,92% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,49% trên tổng dư nợ cho vay). Trong đó: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.960 tỷ đồng, giảm 12,69%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 360.911 tỷ đồng, tăng 9,07% (dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 309.496 tỷ đồng, tăng 7,46%; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 51.415 tỷ đồng, tăng 19,88%).

Bên cạnh các giải pháp điều hành bằng công cụ chính sách, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng hơn 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp của NHNN, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay VND sẽ tiếp tục giảm.

II. VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Văn hóa, thể thao

Về văn hóa quần chúng: Biểu diễn phục vụ Nhân dân chương trình tuyên truyền lưu động nội dung Tuyên truyền Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 với chủ đề ”Hát về nông thôn mới” tại các huyện. Số buổi biểu diễn: 20 buổi, phục vụ hơn 4.000 lượt người xem. Biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân vùng sâu, vùng xa và công nhân ở các khu công nghiệp ở các địa phương. Tổng số buổi biểu diễn 35 buổi, phục vụ khoảng 3.500 lượt người xem.

Về thể dục thể thao: Tổ chức một số giải thể thao quốc gia như: Giải vô địch JuJitsu các vận động viên xuất sắc toàn quốc; Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2023-2024. Tổ chức 02 giải thể thao cấp tỉnh: Giải vô địch Bơi tỉnh Đồng Nai; Giải Bóng đá vô địch các xã, phường, thị trấn tỉnh Đồng Nai năm, tại các sân bóng đá trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Tham gia Giải Cầu lông quốc tế năm 2023 từ ngày 05/11 - 13/11/2023, tại Hàn Quốc. Tiếp tục tham gia 05 giải quốc gia diễn ra từ tháng 10 và tham gia 17 giải trong tháng 11/2023, đạt 114 huy chương các loại (41 HCV, 30 HCB, 43 HCĐ).

2. Y tế

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 11/2023, số ca mắc tay chân miệng là 2.080 ca, tăng 45,86% so với tháng trước và tăng gấp 3,79 lần so với tháng cùng kỳ; Lũy kế từ đầu năm đến nay ghi nhận 9.639 ca, tăng 45,3% so cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sốt xuất huyết ghi nhận 356 ca, giảm 35,15% so với tháng trước, giảm 83,07% so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong; Lũy kế đến cuối tháng 10/2023 số ca mắc sốt xuất huyết là 4.170 ca, giảm 81,56%. Sởi trong tháng ghi nhận 02 ca, tăng 01 ca so với tháng cùng kỳ; Lũy kế có 03 ca mắc, giảm 02 ca so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Trong tháng ghi nhận 01 ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ, 04 ổ dịch dại trên chó; từ đầu năm đến nay ghi nhận 02 ca tử vong do bệnh dại. Một số dịch bệnh khác như: Sốt rét, tả, ho gà, uốn ván… trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

* Dịch Covid-19: Tình hình dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, số ca mắc mới trong tháng giảm so với tháng trước, cụ thể từ ngày 19/10/2023 – 19/11/2023 ghi nhận 04 ca mắc bệnh trên địa bàn tỉnh, bằng so với tháng trước. Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận tổng số 2.535 ca mắc mới; có 02 ca tử vong do COVID-19.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 11/2023, đã thực hiện 1.020 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm trên 11.785 tổng số cơ sở, trong đó: 991 cơ sở đạt (chiếm 96,16%), số cơ sở vi phạm là 29, nhắc nhở 22 cơ sở, phạt tiền 07 với số tiền 85 triệu đồng; không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay ghi nhận 01 vụ ngộ độc rượu do methanol với 01 ca mắc và tử vong.

3. Giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Hoạt động giáo dục trong tháng: Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã diễn ra tại các cở sở giáo dục để chào mừng Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023). Dịp này, Hội đồng xét chọn giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai đã chọn 94 nhà giáo trẻ tiêu biểu để tuyên dương. Tổ chức thi, chấm thi thành lập đội tuyển học sinh giỏi lớp 12. Thẩm định hồ sơ, tổ chức đánh giá ngoài các đơn vị bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Kiểm tra chuyên môn các trường THPT năm học 2023-2024. Kiểm tra thẩm định trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo đề nghị của các đơn vị. Tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 tại các đơn vị theo kế hoạch.

Đào tạo nghề: Trong tháng 11, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 3.396 học viên; lũy kế từ đầu năm đến nay tuyển mới 72.738 học viên, đạt 101,03% kế hoạch năm, giảm 5,79% so với năm 2022.

Giải quyết việc làm: Trong tháng 11/2023, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 5.012 lượt người; lũy kế từ đầu năm 71.052 lượt người, đạt 88,82% kế hoạch năm, giảm 2,43% so với cùng kỳ năm 2022./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác