(MPI) - Ngày 27/11/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề "Chính sách và hướng tiếp cận nhằm đảm bảo quan hệ thương mại mang lại lợi ích chung".
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP |
Hội nghị vinh dự có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Hội nghị là dịp để thảo luận về các chính sách và phương hướng mà cả Chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện để bảo đảm quan hệ thương mại và đầu tư đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hội nghị tập trung thảo luận về nhu cầu ban hành quy định hợp lý, khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, giải quyết các nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển với các hành động thực tế, duy trì năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất và giảm rủi ro, cũng như củng cố khả năng huy động nguồn lực, sản xuất và chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước. Hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới; bày tỏ vui mừng nhận thấy, sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2024), thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện rồi quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện; đồng thời cảm ơn Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng, hai bên đã tích cực xây dựng các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác.
Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 32 quốc gia; đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, Việt Nam đã thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, kim ngạch thương mại năm nay ước sẽ đạt gần 800 tỷ USD; hiện đã thu hút hơn 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài, riêng năm nay cố gắng thu hút 40 tỷ USD vốn FDI, giải ngân đạt hơn 25 tỷ USD.
Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng hạnh phúc năm 2024. Những thành quả có được nhờ sự nỗ lực của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, tạo đột phá mạnh mẽ về thể chế, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời tăng năng suất lao động, tạo không gian phát triển mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Việt Nam ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Đồng thời, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật với tinh thần "đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển".
Việt Nam cũng đang tập trung triển khai các dự án lớn mang tính "chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế" như nhà máy điện nguyên tử, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các sân bay, cảng biển lớn, hệ thống đường bộ cao tốc, phát triển cả 5 loại hình giao thông vận tải, các trung tâm trung chuyển quốc tế…; bảo đảm cung ứng đủ điện; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia; khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển…
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên nói trên. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế liên quan xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam, vì lợi ích chung của cả hai đất nước và nhân dân hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, chất độc da cam tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được, không quốc gia nào an toàn nếu quốc gia khác vẫn còn chiến tranh, xung đột, mất mát. Cùng với đó là nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…
Những vấn đề trên đây có tác động, ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới. Vì vậy, cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế. Thủ tướng mong Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục cách tiếp cận này và cộng đồng doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, tham gia giải quyết các vấn đề nói trên.
Chia sẻ những nội dung trên với mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm tăng cường hợp tác, đầu tư với Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời trong việc triển khai các hoạt động hợp tác.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Thủ tướng đề nghị tăng cường hợp tác, hỗ trợ với Việt Nam trong góp ý hoàn thiện chính sách, dành nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị hiện đại; cho rằng sự có mặt này sẽ càng ý nghĩa hơn nếu biến thành các chương trình, dự án, sản phẩm cụ thể và hiệu quả cân đong đo đếm được, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư