(MPI) - Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong những khu vực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Trong thời gian vừa qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Khai thác tiềm năng, dư địa phát triển khu vực kinh tế tập, hợp tác xã
|
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Thông qua tổ chức kinh tế tập thể, các thành viên, nông dân sản xuất đã liên kết lại với nhau nhằm phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất đi đôi với việc tiết giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị. Thực tế cho thấy dư địa phát triển khu vực kinh tế tập thể còn rất lớn nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường sẽ phát huy hơn nữa vai trò của lĩnh vực này trong nền kinh tế.
Năm 2002 tại Hội nghị Trung ương 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể số 13/NQ- TW ngày 18/03/2002. Công tác thể chế hoá các quan điểm, đường lối phát triển KTTT, HTX của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về HTX cũng được hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật HTX vào các năm 1996, 2003, 2012 cùng với các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ. Qua đó đã tạo khung pháp lý cơ bản nhằm hỗ trợ, khuyến khích KTTT, HTX phát triển qua từng thời kỳ.
Nhiều Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chiến lược, kế hoạch phát triển hợp tác xã được ban hành như Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020; số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025... nhằm tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, định hướng và chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này; là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu, giải pháp phát triển KTTT, HTX trong từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành nhiều đề án nhằm thực hiện những mục tiêu trong ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Theo đó, thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển 15 nghìn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được triển khai rộng khắp, thiết thực, phát huy hiệu quả
Qua đánh giá, tổng kết, hầu hết các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước một cách thiết thực, phát huy hiệu quả; giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 LHHTX và 71.500 THT. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%). So với năm 2022, tổng số HTX năm 2023 tăng 1.261 HTX (tăng 4%); LHHTX tăng 07 LHHTX (tăng 5,4%) và số THT tăng 700 THT (tăng 1%). Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng.
Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, LHHTX và THT đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được; Đảng và Nhà nước liên tục ban hành các chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm giảm bớt khó khăn, giảm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất của KTTT, HXT nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như. Một là, các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, LHHTX lĩnh vực nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.
Hai là, số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít.
Ba là, ngân sách Nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng, kinh phí hỗ trợ lồng ghép vào nhiều chương trình, nguồn lực hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu.
Bốn là, tiêu chí HTX thụ hưởng còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của các HTX; chưa có cơ chế đặc thù cho các HTX trong việc sử dụng ngân sách, gây khó khăn trong triển khai.
Năm là, nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia vào thực hiện các chính sách hỗ trợ nên việc thực hiện chính sách còn chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng làm giảm hiệu quả nguồn lực (đặc biệt là nội dung về đào tạo, tập huấn).
Sáu là, năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho các HTX chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu về số lượng và yếu về chất lượng). Năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể còn hạn chế, hoạt động chưa thực sự minh bạch, chủ động, chưa phát huy được nội lực thành viên và phục vụ thành viên; còn hiện tượng HTX thành lập mục đích để trục lợi chính sách của Nhà nước hoặc theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu của thành viên.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là quy mô sản xuất còn nhỏ, manh mún; năng lực hợp tác, liên kết chưa cao; trình độ, năng lực quản lý còn hạn chế; huy động nguồn vốn thấp; năng lực cạnh tranh còn yếu;...
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, nhận thức được những tồn tại hạn chế nêu trên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Trung ương đảng xem xét, ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi, mang tính nền tảng của Nghị quyết số 20-NQ/TW là sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 với 8 nhóm chính sách cụ thể được đề ra trong Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Các chính sách này đã được cụ thể hóa tại Luật Hợp tác xã vừa được Quốc hội thông qua (Luật số 17/2023/QH15 ngày 20/6/2023) với 12 Chương, 115 Điều, tăng 3 chương và 51 Điều so với Luật HTX năm 2012 (9 Chương, 64 Điều). Trong đó có một số điểm mới nổi bật của Luật là:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản, phát huy các giá trị tốt đẹp của mô hình hợp tác xã; Luật HTX năm 2023 mở rộng đối tượng tham gia, chú trọng phát triển thành viên HTX, liên hiệp HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; Nhấn mạnh vai trò cùng góp vốn, cùng quản lý của tất cả các thành viên đối với các hoạt động kinh tế, hoạt động giáo dục, đào tạo của HTX, liên hiệp HTX; Bổ sung quy định Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù (nguyên tắc số 3 của Liên minh HTX quốc tế); quy định linh hoạt về việc quản lý, sử dụng quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.
Thứ hai, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển: Trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác; Thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho HTX, liên hiệp HTX nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.
Thứ ba, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX: Bổ sung quy định về kiểm toán HTX, bảo đảm tính minh bạch, phát hiện rủi ro trong quản lý HTX đồng thời tăng uy tín cho các HTX trong thực hiện giao dịch, các hợp đồng kinh tế, hợp tác đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hoạt động quản lý, điều hành của HTX: như quy định về tổ chức Đại hội thành viên trực tuyến, về bỏ phiếu biểu quyết điện tử, giúp giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức kinh tế tập thể (Điều 57, 61).
Thứ tư, mở rộng loại hình tổ chức kinh tế tập thể, hoàn thiện quy định về tổ chức đại diện: Luật HTX 2023 đã thiết kế riêng một chương (IX) quy định về tổ hợp tác so với Luật HTX 2012. Luật đã bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi THT lên HTX tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sửa đổi, bổ sung quy định rõ địa vị pháp lý của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (Điều 111) theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể: Sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, tổ chức lại, giải thể theo hướng đơn giản, số hóa: Bỏ Phương án sản xuất kinh doanh; cho phép đăng ký thành lập trực tuyến, sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ pháp lý cá nhân (Điều 42); Bỏ quy định bắt buộc thành lập Hội đồng giải thể, thay vào đó HTX, liên hiệp HTX chịu trách nhiệm thực hiện giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xóa tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày tương tự như Luật Doanh nghiệp. Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về HTX...
Tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển
Luật HTX năm 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW tại một Chương riêng của Luật để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, gồm chính sách: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; Đất đai; Thuế, phí và lệ phí; Tiếp cận vốn, bảo hiểm; Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Đồng thời Luật đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình HTX, đảm bảo tính hiệu quả, công khai minh bạch khi quy định kiểm toán đối với các hỗ trợ lớn của Nhà nước để tránh việc trục lợi chính sách; ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chiếm đa số về số lượng (khoảng 67%) thì ngoài các chính sách chung đã được hưởng như HTX, liên hiệp HTX trong các lĩnh vực khác thì được hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù riêng quy định tại Luật, thể hiện sự quan tâm Đảng và Nhà nước đối với loại hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng hai Nghị định và hai Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã 2023, trong đó, hướng dẫn chi tiết về nội dung chính sách và tiêu chí, thủ tục lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các đối tượng liên quan; đồng thời xây dựng Chương trình tổng thể về phát triển KTTT, HTX trên phạm vi toàn quốc để áp dụng cho giai đoạn 2026-2030.
Trên thế giới đã có nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định, kinh tế tập thể là công cụ quan trọng để khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Với những văn bản, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự cố gắng, vươn lên của cộng đồng hợp tác xã sẽ là cơ sở để chúng ta kỳ vọng khu vực KTTT, HTX sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư