Thứ hai, 00/00/2023
°

Phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 23/02/2024 - 17:01:00 | 2180 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Chiều ngày 23/02/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI

Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là đại diện các Bộ, cơ quan ngang bộ và các chuyên gia là ủy viên phản biện. Về phía thành phố Hà Nội có Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đồng chí Thường trực Thành ủy, Lãnh đạo UBND Thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố Hà Nội.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng đây cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện có 60/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác thẩm định, trong đó có 55/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về nội dung quy hoạch, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được phê duyệt đã xác định được lộ trình phát triển, tổ chức được không gian phát triển, hệ thống hạ tầng khung và các chương trình, dự án ưu tiên của cả nước và các địa phương trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch được phê duyệt đã đạt được một số kết quả nổi bật bước đầu, như góp phần tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh việc xây dựng các hạ tầng khung quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội - môi trường của cả nước và các địa phương trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch thành phố Hà Nội được lập trong bối cảnh có những thuận lợi vì đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện…). Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua. là căn cứ, cơ sở để thành phố Hà Nội xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn thông qua quy hoạch.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, là một động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; là thành phố đông dân thứ 2 cả nước với cơ cấu dân số trẻ có chất lượng cao; ít bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng; vị trí đầu mối giao thông thuận lợi về phát triển giao thông đa dạng (đường bộ, sắt, thủy và hàng không) và kết nối với các tỉnh/thành phố của vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế; là địa bàn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng nhất của quốc gia.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết như vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (giao thông, điện, năng lượng, thông tin, truyền thông, cấp, thoát, nước, thủy lợi, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội). Ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, liên thông, liên kết, chưa phát huy được tiềm năng.

Kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam, còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 02/08 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.

Bên cạnh đó, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.

“Muốn phát triển vững mạnh, Thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Do đó, để giúp Thành phố Hà Nội có bản quy hoạch có chất lượng cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định cho ý kiến, trong đó tập trung vào các yếu tố chính như nội dung thẩm định quy hoạch; kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch, vừa bám sát, phát triển thêm và làm sáng tạo những định hướng quan trọng tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội. Các mục tiêu cần bám sát với thực tế, xu hướng phát triển để hướng tới Hà Nội tiếp tục là cực tăng trưởng của cả nước.

Đồng thời, cho ý kiến về việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó; Việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.

Hà Nội có tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Hà Nội; Hay là các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị... cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội… cũng là những vấn đề được Bộ trưởng gợi ý để tập trung thảo luận, cho ý kiến.

Cùng với đó là xem xét cơ cấu, tỷ trọng phát triển công nghiệp còn khiêm tốn, chiếm khoảng 24%, không tạo động lực cho Hà Nội phát triển; xem xét việc lựa chọn các ngành mũi nhọn phát triển phải dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp thực tiễn và hướng tới tương xứng với các thủ đô các nước xung quanh, mang tầm quốc tế; cho ý kiến về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô; về khả năng kiến tạo không gian sống và làm việc hấp dẫn, thu hút nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước xây dựng và phát triển Thủ đô; xem xét vấn đề liên quan đến không gian cho các cơ quan Trung ương, ngoại giao quốc tế đặt tại Thủ đô; về phát triển mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, giảm sức ép cho khu vực các quận nội thành hiện hữu; về 02 kịch bản về tổ chức và phát triển không gian; về phát triển hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô như phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị; đầu tư sân bay thứ 2 ở khu vực huyện Phú Xuyên - Ứng Hòa; phát triển hạ tầng số, lựa chọn phương thức giao thông hiện đại, thông minh; giải quyết các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là ô nhiễm không khí, bụi mịn khi Hà Nội đang thuộc nhóm các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới,...

Các vấn đề về đảm bảo an ninh nguồn nước, làm thế nào để Hà Nội đủ nước sạch phục vụ cho cư dân khi nhu cầu sử dụng nước sạch của cư dân ngày càng tăng; về định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực. “Tại sao với lợi thế là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao vượt trội so với cả nước nhưng khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chưa tối ưu (chưa có các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, cũng như chưa xác định Hà Nội là Trung tâm phát triển và cung ứng sản phẩm ra thế giới)?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trình bày tóm tắt quá trình lập quy hoạch và cho biết, thành phố Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 45 cũng như các nghị quyết mang tính chiến lược với mục tiêu mơ xa, nghĩ lớn, khát vọng vươn lên, tầm nhìn chiến lược, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, kết quả thực chất, phục vụ nhân dân.

Dự thảo quy hoạch xác định các điểm nghẽn như hạ tầng thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị chưa phát triển; năng lực quản lý còn hạn chế, chưa có động lực để nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chưa tạo được những đột phá trong quản lý để mở đường cho phát triển; quy hoạch đô thị chậm đổi mới, các quy chuẩn quy hoạch chưa theo kịp xu hướng hiện đại; ô nhiễm môi trường và các quy định về quản lý, khai thác các dòng sông chưa phù hợp đang làm mất lợi thế tự nhiên của Hà Nội;…

Dự thảo quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước; Là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; Là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; Là trung tâm đi đầu cả nước về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; là trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; Là thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao, con người hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình; Là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; Mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.

Quy hoạch cũng đưa ra 06 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng; Tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 05 trục động lực; Phát triển hạ tầng giao thông kết nối 04 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác