Thứ hai, 00/00/2023
°

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới

Ngày 02/02/2024 - 15:19:00 | 2359 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới” diễn ra ngày 02/02/2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp để các đại biểu chia sẻ, trao đổi, đưa ra những định hướng, quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thứ trưởng Đỗ Thành Trung trình bày tại Diễn đàn, hầu hết các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước một cách thiết thực, phát huy hiệu quả; giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thực tế cho thấy dư địa phát triển khu vực kinh tế tập thể còn rất lớn nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường sẽ phát huy hơn nữa vai trò của lĩnh vực này trong nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng hai Nghị định và hai Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã 2023, trong đó, hướng dẫn chi tiết về nội dung chính sách và tiêu chí, thủ tục lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các đối tượng liên quan; đồng thời xây dựng Chương trình tổng thể về phát triển KTTT, HTX trên phạm vi toàn quốc để áp dụng cho giai đoạn 2026-2030.

Tại Diễn đàn, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và các tổ chức kinh tế hợp tác đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách thúc đẩy phát triển HTX tại Việt Nam; về việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước; thực trạng triển khai cơ chế, chính sách và đề xuất nội dung hoàn thiện chính sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; khó khăn, thách thức trong tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước, đề xuất chính sách trong thời gian tới; Các ý kiến cho thấy những tác động tích cực của cơ chế, chính sách trong việc thúc đẩy HTX phát triển, tuy nhiên việc tiếp cận chính sách còn khó khăn, chưa đáp ứng hết những nhu cầu của HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, các hợp tác xã hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, thích ứng nhu cầu thị trường; HTX nông nghiệp trong xu hướng phát triển của cả nước đẩy mạnh phát triển, liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm, ổn định sản xuất đối với hợp tác xã và thu nhập cho thành viên; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, nhiều loại hình HTX phi nông nghiệp đa dạng hóa ngành nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có định hướng đầu tư theo xu hướng và yêu cầu của thị trường; Một số cơ chế, chính sách mới trong khu vực KTTT, có đối tượng thụ hưởng là HTX, tạo nền tảng, định hướng, cơ sở trong thực hiện chiến lược và chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật HTX; Nhiều cơ chế, chính sách đã hỗ trợ các hợp tác xã trong quá trình thành lập, tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Tham gia ý kiến từ góc độ các tổ chức quốc tế, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Shawn Steil chia sẻ về vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế Canada; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ai-Len tại Việt Nam Deirdre Ní Fhallúin chia sẻ về vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế Ai-Len; Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác xã trong việc đóng góp vào việc làm bền vững. Các ý kiến đánh giá cao Việt Nam trong việc ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ khu vực KTTT, HTX và đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt mới đây nhất là việc ban hành Nghị quyết số 20 và Luật HTX năm 2023. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách thúc đẩy phát triển HTX tại Việt Nam; những kết quả hợp tác với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong thời gian qua; khẳng định tiếp tục là đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển, trong đó có lĩnh vực KTTT, HTX.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, HTX đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức; tạo điều kiện cho người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức có tiếng nói và đại diện ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế; giúp mở rộng quy mô hoạt động của các đơn vị kinh tế phi chính thức thông qua các hình thức khởi nghiệp tập thể, nâng cao vị thế thương lượng và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với an sinh xã hội.

Tham luận từ phía các địa phương như đại diện UBND các tỉnh Lạng Sơn, Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ thống nhất cao với các nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại Hội nghị; báo cáo về thực trạng triển khai chính sách hỗ trợ trong khu vực HTX tại địa phương, đề xuất kiến nghị đối với Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Diễn đàn. Ảnh: MPI

KTTT, HTX đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ

Kết luận Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về HTX, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Việt Nam là những cơ quan nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX. Đồng thời đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận mà khu vực KTTT, HTX đã đạt được thời gian qua; đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, ngày càng chủ động của khu vực KTTT, HTX.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu những ý kiến xác đáng; sớm hoàn thiện, trình ban hành văn bản phù hợp để sau Diễn đàn có sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực KTTT, HTX tại Việt Nam.

Đồng thời nhấn mạnh, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của phát triển KTTT, HTX đến nay đã tương đối đầy đủ. Theo đó, trong những năm qua, KTTT, HTX đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ; đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX thể hiện qua các nghị quyết, kết luận, chiến lược, kế hoạch, văn bản chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, từ đó nhận thức chung trong xã hội về phát triển KTTT, HTX đã được nâng lên.

Thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ, với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của HTX và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Trong đó, có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực, qua đó huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Luật HTX năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 với 12 Chương, 115 Điều, trong đó có nhiều điểm mới. Khu vực KTTT, HTX được hỗ trợ về nhiều mặt (đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng...).

Cùng với đó, khu vực KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên.

Các HTX đã cơ bản chuyển đổi mô hình từ HTX kiểu cũ kém hiệu quả sang mô hình HTX kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức KTTT, HTX được tăng cường, cùng nhau hợp sức, góp vốn, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên kết giữa các thành viên theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển. Đồng thời, hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác được mở rộng.

Khu vực KTTT, HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực KTTT, HTX đóng góp gần 4% GDP; đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình - hiện đang chiếm 30% GDP cả nước; các sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường; góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, qua đó xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng so với không gian, dư địa phát triển, chủ trương, đường lối của Đảng và khung khổ pháp luật. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng của khu vực kinh tế KTTT, HTX trong GDP của đất nước đang có xu hướng giảm qua các năm (đóng góp vào GDP của khu vực KTTT, HTX từ năm 2001-2020 từ 8,06% xuống còn 3,62%), Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu, manh mún. Chưa có nhiều HTX thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa. Trình độ cán bộ quản lý HTX chưa cao. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực, thậm chí không khả thi. Chưa được bố trí nguồn riêng từ ngân sách nhà nước mà lồng ghép vào nhiều chương trình nên nguồn lực hạn hẹp. Các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… ít được thực hiện; tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở mức rất thấp.

Tăng cường liên kết, tự lực, tự cường vươn lên

Từ tồn tại, hạn chế nói trên, cùng bối cảnh, tình hình sắp tới trong nước và thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, KTTT, HTX phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để tự lực, tự cường vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển cả về số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII để "Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức".

Phát triển KTTT, HTX là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc; do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, tổng thể; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vươn lên với các khu vực, thành phần kinh tế khác.

Theo Thủ tướng, phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn mới là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.

Chuyển đổi mô hình KTTT, HTX một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung sức của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có KTTT, HTX; phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chính trị và thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương. Do đó, phải dành sự lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện phù hợp. Mặt khác, HTX có thể thành lập công ty, HTX có thể hình thành trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ trong nông nghiệp hay vận tải.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, ban hành 01 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật HTX; tích cực hoàn thiện Chương trình tổng thể về phát triển KTTT giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế giao vốn đầu tư phát triển thực hiện các dự án hỗ trợ hạ tầng HTX theo hướng giao thành khoản mục riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển KTTT, HTX.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX phải đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và có tính kế thừa, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn; các hỗ trợ phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các HTX và tạo cơ hội, động lực cho các HTX tự lực vươn lên.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ HTX và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách; tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn kinh tế HTX trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác và với các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.

Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh HTX Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ cho các HTX.

Xây dựng, phát triển HTX trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục tiêu chung của thành viên và của HTX. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX được đào tạo bài bản, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng cơ bản khác.

Các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Vì vậy, khu vực KTTT, HTX cũng phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực KTTT với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển KTXH chung của đất nước./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác