Thứ hai, 00/00/2023
°

Xây dựng báo cáo tình hình rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên

Ngày 22/03/2024 - 17:31:00 | 563 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo rà soát một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên. Để hoàn thiện Dự thảo báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, chiều ngày 22/3/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chủ trì cuộc họp với các địa phương trong Vùng và các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến đối với Dự thảo này.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Theo dự thảo báo cáo được trình bày xin ý kiến tại cuộc họp, Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối ngoại của cả nước và khu vực Đông Dương; nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp với các vùng Duyên hải Trung bộ, Đông Nam Bộ; vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về tài nguyên đất đỏ bazan, đất đỏ vàng; có khí hậu ôn hòa thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, rau, hoa gắn với chế biến; tài nguyên rừng  phong phú.

Mặc dù luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm, nhưng trong quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên đã bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém; khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục) chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển…

Trên cơ sở đó, qua báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai rà soát các nhóm chính sách thuộc 4 ngành, lĩnh vực, gồm: Nhóm chính sách về phát triển đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; Nhóm chính sách quản lý phát triển rừng, nguồn nước; Nhóm chính sách về an sinh xã hội; Nhóm chính sách về y tế, giáo dục - đào tạo. Đây là các nhóm chính sách quan trọng đối với phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương trong vùng Tây Nguyên bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Báo cáo; đồng thời nhấn mạnh thêm đến các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc các nhóm cơ chế, chính sách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đặt ra mục tiêu rất rõ, mở ra cơ hội phát triển mới cho Vùng. Đây cũng là cơ sở quan quan trọng để rà soát các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Vùng phát huy, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Dự thảo báo cáo đã đưa ra được các nhiệm vụ giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn; kỳ vòng, các cơ chế, chính sách sẽ có tác động mạnh mẽ, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, khắc phục các tồn tại, hạn chế để phát triển hơn nữa trong thời gian tới; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho các địa phương tromg Vùng, trong đó có tỉnh Đắk Lắk để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đạt mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tuấn Anh cũng bày tỏ thống nhất cao với các cơ chế, chính sách của dự thảo báo cáo; nhấn mạnh đến vấn đề Gia Lai và các địa phương của Vùng là địa bàn có diện tích rộng, trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực hỗ trợ hạn chế. Do vậy, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đặc biệt là đối với các hạ tầng giao thông chiến lược, các công trình đường cao tốc, đường quốc lộ; mở rộng cảng hàng không. Cùng với đó, bố trí nguồn lực hỗ trợ trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành như Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc,… cũng bày tỏ thống nhất với dự thảo Báo cáo. Nội dung Dự thảo bám sát mục tiêu, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và các định hướng, giải pháp phát triển Vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch của các tỉnh trong Vùng đã được phê duyệt; quy hoạch Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, đại diện các bộ ngành đã làm rõ hơn ý kiến được các địa phương đề xuất theo chức năng nhiệm vụ của mình; đồng thời nhấn mạnh đến các cơ chế, chính sách cụ thể của Dự thảo.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu, các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, bám sát chủ trương của Đảng, các định hướng phát triển trong các văn bản liên quan về phát triển vùng Tây Nguyên. Ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cũng thể hiện sự đồng thuận cao và cho rằng, các cơ chế, chính sách cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn sau cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương trong Vùng có ý kiến góp ý cụ thể bằng văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trong đó bổ sung đánh giá các cơ chế, chính sách và đề xuất các kiến nghị cụ thể. Đồng thời, đề nghị đơn vị được giao chủ trì xây dựng báo cáo căn cứ vào các ý kiến góp ý, tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các cơ chế chính sách hiện nay đang có theo chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng Tây Nguyên; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các quy định mới được ban hành về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh, phân tích làm rõ thêm các đến các nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; quản lý, phát triển kinh tế rừng, trong đó có phát triển kinh tế dưới tán rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp; thí điểm tín chỉ cacbon; cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển nguồn nước; về an sinh, xã hội; y tế, giáo dục đào tạo. Ngoài các cơ chế, chính sách đã được nêu tại Dự thảo cần tiếp tục soát tập trung cho một số cơ chế chính sách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Vùng như kinh tế dưới tán rừng; chính sách về phát triển văn hóa; phát triển năng lượng tái tạo; tiêu thụ, chế biến nông sản; đầu tư hệ thống thủy lợi, các hồ chứa nước;…

Các chính sách phải trúng, đúng và phù hợp với nguồn lực; thực sự mang tính đặc thù, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển của Vùng để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra; tạo đột phá trong phát triển nhằm khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thể của vùng Tây Nguyên đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực trạng phát triển của Vùng để đạt mục tiêu phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác