Thứ hai, 00/00/2023
°

Khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1

Ngày 27/03/2024 - 13:19:00 | 554 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 27/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam, ông Masayuki Hyodo và ông Fujimoto Masayoshi chủ trì cuộc họp.

 Ký kết Bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. Ảnh: MPI

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là khuôn khổ đối thoại chính sách thiết thực và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với các bộ, ngành Việt Nam, khởi xướng từ năm 2003 và trải qua hơn 20 năm với 8 giai đoạn, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính sách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thúc đẩy nguồn vốn đầu tư, công nghệ từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng, từ các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam nói chung.

Trên cơ sở Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, hai bên đã thống nhất triển khai giai đoạn tiếp theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với tên gọi “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. Ảnh: MPI

Điểm lại một số điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay kinh tế vĩ mô đã được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, bình quân là 3,25%; các cân đối lớn được bảo đảm; tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,05%.

Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển mạnh mẽ, nhất là hạ tầng giao thông; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Riêng 02 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6 so với cùng kỳ năm trước.

Để có được những thành tựu quan trọng đó là nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cũng như sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Qua 50 năm vun đắp và phát triển, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại. Đến nay, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển (ODA) đứng thứ 1 của Việt Nam, đứng thứ 2 về hợp tác lao động, thứ 3 về đầu tư và thứ 4 về thương mại.

Riêng 02 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các hợp tác kinh tế và đầu tư vào các lĩnh vực mới mang tính chiến lược giữa hai quốc gia. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh hợp tác ODA vì lợi ích của cả hai bên như Tuyên bố chung giữa hai nước đã đề ra, gồm các lĩnh vực: Thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh kinh tế, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đổi mới sáng tạo, Chuyển giao công nghệ, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Kết cấu hạ tầng chiến lược, Chống biến đổi khí hậu và Y tế,…

Trong giai đoạn đầu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cả hai bên sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để xây dựng và triển khai các nhiệm vụ của Sáng kiến chung gắn với các kết quả đầu ra cụ thể; bám sát và song hành với các nhiệm vụ, chương trình, nội dung có tính chiến lược phù hợp với xu hướng hiện nay để đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đề ra tại các chiến lược, kế hoạch như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Chiến lược tăng trưởng xanh; Chiến lược công nghiệp hóa; Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản Fujimoto Masayohi phát biểu. Ảnh: MPI

Ông Fujimoto Masayohi, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cảm ơn Chính phủ và các cơ quan Việt Nam đã nghiêm túc lắng nghe các ý kiến, đóng góp của doanh nghiệp Nhật Bản và thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn. Điều này đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản luôn yên tâm và có hoạt động kinh doanh, đầu tư tích cực tại Việt Nam.

Để phát huy hết sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ hai nước, ông Fujimoto Masayoshi cho rằng hai bên cần tiếp tục có các hoạt động hợp tác và phát triển kinh tế và Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp.

Sáng kiến chung trong kỷ nguyên mới cũng sẽ bao gồm những hành động mạnh mẽ để thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng “0” châu Á (AZEC), thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… đều là những lĩnh vực mà hai nước đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình để góp phần phát triển “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa hai quốc gia.

Với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, ông Fujimoto Masayohi khẳng định Ủy ban và Keidanren sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ trong Sáng kiến chung Việt Nam Nhật Bản trong kỷ nguyên mới và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Ảnh: MPI

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định, năm 2023 là năm đặc biệt và đáng ghi nhận trong mối quan hệ giữa hai quốc gia khi hai bên đã nhất trí nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” cũng như tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, các chuyến thăm cấp cao và giao lưu nhân dân.

Trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước, những hoạt động như AZEC, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, củng cố chuỗi giá trị cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực đều được đề cập, chính vì vậy Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ là một chương trình thiết thực nhằm hiện thực hóa nội dung đề ra.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cũng đã góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt Việt Nam luôn nằm trong top 2 các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tới đầu tư. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như phát triển ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam để xây dựng hệ thống chuỗi giá trị gia tăng bền vững.

Ông Yamada Juinichi, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, khả năng phát triển hợp tác giữa hai nước thông qua vốn ODA là rất lớn. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trên 2.700 tỷ Yên vốn vay ODA, tập trung nhiều nhất trong các dự án cơ sở hạ tầng. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.

“Trong quá trình triển khai Sáng kiến chung trong kỷ nguyên mới, JICA sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao tại Việt Nam và xây dựng một xã hội bền vững thông qua đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng”. JICA sẽ tiếp tục trở thành cầu nối vững chắc hơn nữa trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm tiếp theo, hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, Phó Chủ tịch JICA nhấn mạnh.

Toàn cảnh Cuộc họp khởi động. Ảnh: MPI

Giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 05 nhóm vấn đề chính: (1) Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); (2) Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); (3) Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; (4) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); (5) Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.

Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới dự kiến là 19 tháng (từ tháng 3/2024 đến tháng 10/2025).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: MPI

Sau khi được nghe các nhóm công tác thảo luận về kế hoạch hành động giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới cũng như các cam kết từ các bên để tích cực triển khai Sáng kiến chung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao các ý kiến của phía Nhật Bản; cho rằng 5 nhóm vấn đề trong giai đoạn 1 đều mang tính chiến lược, bao trùm và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Để triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác và hiện thực hóa các nội dung của Cuộc họp khởi động, Thứ trưởng đề nghị từng nhóm công tác cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và thống nhất nội dung triển khai trong thời gian tới. Với nỗ lực của các thành viên cả hai bên, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp hai nước, làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản và hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam” cho ông Takio Yamada, ông Masayuki Hyodo và ông Fujimoto Masayoshi./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác