Bước vào tháng đầu năm dương lịch, đồng thời là tháng giáp Tết Nguyên đán Giáp thìn năm 2024 nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra nhộn nhịp, sôi động hơn, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Các hoạt động văn hoá thông tin, thể thao, công tác an sinh xã hội, được chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; đặc biệt công tác chăm lo Tết cho các đối tượng gia đình chính sách v.v…được đẩy mạnh thực hiện trong dịp Tết.
Với khí thế thi đua của các cấp, các ngành và doanh nghiệp bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, là tháng đầu năm cũng là tháng giáp Tết Nguyên đán Giáp thìn đạt được kết quả quan trọng. Kết quả thực hiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tháng 01 năm 2024 của các ngành, lĩnh vực như sau:
I. Tình hình kinh tế:
1. Sản xuất công nghiệp
Tháng 01 năm 2024 là tháng giáp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc; sản xuất công nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa tiêu dùng phục vụ tết. Tuy nhiên tình hình chung sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn chưa có dấu hiệu khả quan do đơn hàng sản xuất từ các đối tác nước ngoài vẫn còn ít, do đó chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn chưa được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 ước tính tăng 2,39% so với tháng trước và tăng 23,01% so với cùng kỳ năm trước; hầu hết các sản xuất đều tăng so tháng trước và so cùng kỳ.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 tăng 2,39% so tháng trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,79%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,14%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 14,03%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,63%, tháng 01 có 24/27 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành có chỉ số sản xuất khá cao đó là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,44%; dệt tăng 3,45%; sản xuất trang phục tăng 3,53%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,55%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 10,43%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,32%. Nguyên nhân tăng cao so tháng trước là do các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán; mặt khác một số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đầu năm có thêm đơn hàng mới nên đẩy mạnh sản xuất.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 tăng 23,01% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 20,54%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,48%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 3,38%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,94% và có 26/27 ngành sản xuất tăng và 1/27 ngành giảm so cùng kỳ đó là ngành sản xuất phân phối điện. Nguyên nhân chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2024 tăng cao so cùng kỳ năm 2023 là do tháng 1/2023 là tháng trùng vào Tết nguyên đán, nhiều doanh nghiệp phải nghỉ sản xuất từ 7-10 ngày, trong khi tháng 01/2024 chưa phải tháng tết nên sản xuất kinh doanh đủ cả tháng do đó chỉ số sản xuất tăng cao. Tuy nhiên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn khó khăn ở tháng đầu năm 2024.
Tháng 01/2024 một số ngành công nghiệp chủ lực cấp II có chỉ số sản xuất đạt mức tăng khá cao so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 18,41%, Sản xuất chế biến thực phẩm 18,11%; May mặc tăng 26,52%; Giày da tăng 20,54%; Dệt tăng 18,12%; sản xuất hóa chất tăng 22,03%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 35% v.v… một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,02%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,5%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 27,31%; sản xuất thiết bị điện tăng 28,49%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 27,31 v.v… Dự tính tháng 01năm 2024 có 26/27 ngành sản xuất chỉ số tăng so cùng kỳ. Ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ là: Sản xuất và phân phối điện, khí đột, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-3,38%), nguyên nhân ngành này giảm mạnh do Công ty Điện Dầu khí Nhơn trạch 2 được tập đoàn Điện lực Việt Nam giao chỉ tiêu sản xuất giảm so với tháng trước.
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp ước tháng 01 năm 2024 tăng cao so với tháng cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng các loại 1.614,99 nghìn m3, tăng 20,54%; cà phê các loại 37,53 nghìn tấn, tăng 18,92%; bột ngọt 24,36 nghìn tấn, tăng 20%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đạt 275,95 nghìn tấn, tăng 18,05%; quần áo các loại 22,69 triệu cái, tăng 25,71%; giầy dép các loại đạt 37 triệu đôi, tăng 15,3%; Giường, tủ, bàn ghế 1.026,59 nghìn chiếc, tăng 34,46% … Nguyên nhân sản lượng tăng cao cũng như chỉ số sản xuất do tháng 01 cùng kỳ trùng vào dịp tết Nguyên đán Doanh nghiệp ngừng sản xuất 7-10 ngày, mặt khác một số doanh nghiệp vẫn duy trì được lượng đơn đặt hàng có hợp đồng dài hạn, các đối tác vẫn tiếp tục duy trì với các đơn hàng lớn nên các doanh nghiệp đẩy nhanh nâng công suất đáp ứng đơn hàng, đảm bảo lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết.
- Chỉ số tiêu thụ: Tiêu thụ sản phẩm vẫn còn những khó khăn nhất định, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 01/2024 giảm 3,35% so với tháng 12/2023 và tăng 18,02% so với tháng cùng kỳ, trong đó có 19 ngành chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ đó là: Sản xuất đồ uống tăng 12,02%; Sản xuất trang phục tăng 21,59%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,89%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 30,99%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 23,06%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,06%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,55%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,39%; sản xuất thiết bị điện tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,04%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 27,51%... Sở dĩ các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá là do các doanh nghiệp sớm thích ứng an toàn, linh hoạt để suy trì và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường xã hội.
Một số ngành sản xuất chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 4,97; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,52%.
- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2024 dự ước tăng 9,98% so với tháng 12/2023 và giảm 33,44% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+51,95%); ngành dệt (+13,16%); sản xuất trang phục (+11,34%); sản xuất hòa chất và các sản phẩm hóa chất (+3,38%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+12,79%).v.v… Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng là do các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tăng sản lượng sản xuất để đảm bảo lượng hàng tiêu thụ trong dịp Tết; mặt khác do sắp tới nghỉ Tết, nên người lao động sẽ về quê đón Tết, nên các doanh nghiệp phải chủ động sản xuất để đảm bảo cho đơn hàng.
- Chỉ số sử dụng lao động: Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cơ bản ổn định. Chỉ số lao động trong các doanh nghiệp tháng 01/2024 tăng 0,45% so với tháng trước và giảm 5,80% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp nhà nước tăng 0,04% so tháng trước và giảm 2,40% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,53% so tháng trước và giảm 8,94% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 0,62% so tháng trước và giảm 5,6% so tháng cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động giảm so cùng kỳ là do đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ chờ việc, nghỉ tết sớm từ 15-20 ngày.
Số lao động đang làm việc trong các ngành khai khoáng giảm 0,09% so tháng trước và giảm 3,85% so tháng cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,46% so tháng trước và giảm 5,88% so tháng cùng kỳ; sản xuất điện, khí đốt, nước nóng bằng 100% tháng trước và giảm 2,42% so tháng cùng kỳ; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,05% so tháng trước và tăng 2,83% so tháng cùng kỳ.
2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng đầu năm 2024 tập trung vào việc gieo cấy, chăm sóc lúa vụ Đông Xuân và gieo trồng cây hoa màu. Thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh trên cây trồng có xuất hiện nhưng ở thể nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng. Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn trong tháng tương đối ổn định, các trang trại và hộ chăn nuôi qui mô lớn đã chuẩn bị sản lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên Đán. Tình hình lâm phận trên toàn tỉnh ổn định, các ngành chức năng phối hợp địa phương quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản, giống cây trồng lâm nghiệp, các chủ rừng kết hợp với việc thăm rừng, chăm sóc rừng và phòng chống cháy rừng. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tích cực chuẩn bị thu hoạch thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp Tết.
a) Nông Nghiệp
- Cây hàng năm:
Tính đến thời điểm 15/01/2023, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2024 toàn tỉnh đạt 26.137,4 ha, giảm 0,08% (-20 ha) so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị kịp các khâu làm đất, mà chủ yếu tranh thủ xuống giống trên những diện tích đã thu hoạch vụ mùa sớm. Mặt khác trong tháng đầu vụ thời tiết đang trong mùa khô, nhiều chân ruộng không đủ nước để thực hiện gieo trồng, vì thế diện tích gieo trồng trong vụ chủ yếu là gieo trồng trên những diện tích chủ động được nguồn nước.
Trong đó: Diện tích cây lương thực đạt 16.261,6 ha, giảm -0,15% (-25 ha), bao gồm: diện tích lúa đạt 9.632,3 ha, giảm 0,3%; diện tích bắp đạt 6.638,3 ha, tăng 0,06%; Diện tích cây củ có bột đạt 2.645,9 ha, giảm 0,16% (-4,1 ha); Diện tích cây thực phẩm đạt 4.881,1 ha, tăng 1,12% (+5,7 ha) so cùng kỳ, bao gồm: diện tích rau các loại đạt 3.918,3 ha, tăng 0,3%; diện tích đậu các loại đạt 962,8 ha, giảm 0,62%; Cây công nghiệp hàng năm đạt 745,4 ha, tăng 0,4% (+3 ha) và cây hàng năm khác đạt 1.603,5 ha, tăng 0,01% (+0,2 ha) so với cùng kỳ.
• Cây lâu năm
Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh ổn định, người dân chủ yếu chăm sóc, làm cỏ, bón phân và phun thuốc trừ sâu cho các loại cây trồng như: xoài, điều, chôm chôm, cao su… và thu hoạch các loại cây ăn quả để phục vụ nguyên liệu cho chế biến thực phẩm và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán như: chuối, thơm, vú sữa, cam, quýt, bưởi, chuối, mãng cầu …
Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có là 170.545,4 ha, tăng 0,37%, (+ 635,5 ha) so cùng kỳ. Trong đó: Diện tích cây ăn quả là 80.046,6 ha, tăng 0,82% (+651,1 ha) chiếm 46,94% tổng diện tích; Cây công nghiệp lâu năm là 90.498,8 ha, giảm 0,02% (-15,6 ha), chiếm 53,06% tổng diện tích. Nguyên nhân tổng diện tích cây lâu năm tăng là do nông dân chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như xoài, chuối, mít, sầu riêng đang có xu hướng tăng mạnh do đạt hiệu quả kinh tế cao. Dự ước sản lượng thu hoạch trong tháng 01/2024 như sau: Xoài đạt 9.918 tấn, tăng 0,09%; Chuối đạt 17.807 tấn, tăng 17,87%; Thanh long đạt 762 tấn, tăng 1,1%; Cam đạt 990 tấn, giảm 0,97%; bưởi đạt 4.912 tấn, tăng 0,67%; Cao su mủ đạt 2.386 tấn, tăng 1,84% so cùng kỳ.
Sâu bệnh phát sinh chủ yếu ở một số cây như: bệnh chết chậm, bệnh bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu đục thân; bệnh phấn trắng, phấn hồng trên cây cao su; bệnh sâu vẽ bùa trên cây ăn trái... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, tuy nhiên chỉ ở thể nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng. Tuy nhiên, vừa qua trên địa bàn huyện Trảng Bom qua khảo sát nhanh đối với cây chuối bị chết hàng loạt, nghi là do phân bón kém chất lượng của xã Thanh Bình thiệt hại 8 ha và xã Sông Trầu thiệt hại hơn 3 ha.
Chăn nuôi
Ngành chăn nuôi triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh góp phần tái đàn có hiệu quả. Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 01/2024 là 2.401.907 con, tăng 1,06% so cùng kỳ. Trong đó trâu đạt 3.922 con, tăng 0,15%; Bò đạt 105.002 con, tăng 0,08%; Heo đạt 2.292.983 con (Không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 1,11% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm hiện có là 25.905,65 nghìn con, tăng 1,26%, trong đó gà đạt 23.103,96 nghìn con, tăng 1,78% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do tình hình chăn nuôi trên địa bàn ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định, đây là điều kiện để ngành chăn nuôi duy trì và phát triển sản xuất.
Dự ước sản lượng thịt trâu trong tháng đạt 23 tấn, tăng 1,54%; Thịt bò đạt 424,3 tấn, tăng 1,97%; Thịt heo đạt 39.696,7 tấn, tăng 0,49%; Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 16.653,9 tấn, tăng 0,6%, trong đó thịt gà đạt 14.605,5 tấn, tăng 0,68% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do giá thịt hơi ổn định đồng thời vào dịp Tết, nên nhu cầu tiêu thụ nguồn thực phẩm khá lớn, tác động đến việc tăng sản lượng xuất chuồng.
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch trên vật nuôi: Tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động phòng chống dịch bệnh, không để phát sinh các dịch bệnh khác, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán.
b) Lâm nghiệp
Trong tháng 01/2024 tình hình sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là triển khai thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy rừng và ươm cây giống lâm nghiệp. Hiện tại đang là mùa khô và là thời điểm trùng vào dịp Tết Nguyên Đán nên các đơn vị lâm nghiệp chưa triển khai công tác trồng rừng. Trong tháng các đơn vị lâm nghiệp và các hộ gia đình đã gieo ươm cây giống lâm nghiệp để chuẩn bị cho công tác trồng rừng khi mùa mưa tới.
Sản lượng khai thác gỗ khai thác trong tháng ước đạt 20.214,33 m3 tăng 0,49%; Sản lượng củi khai thác ước đạt 192 ste, tăng 2,67% so tháng cùng kỳ.
c) Thủy sản
Tình hình sản xuất thủy sản tháng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra tương đối thuận lợi, hoạt động nuôi trồng thủy sản luôn được người dân quan tâm, từng bước được cải thiện về phương thức nuôi trồng, con giống, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống… Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 01/2024 đạt 6.527,15 tấn, tăng 2,94% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng cá ước đạt 5.221,35 tấn, tăng 3,04%; sản lượng tôm ước đạt 836,05 tấn, tăng 2,51%; sản lượng thuỷ sản khác ước đạt 283,48 tấn, tăng 2,32% so cùng kỳ. Nguyên nhân tổng sản lượng thủy sản tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, do đó nhiều hộ nuôi thủy sản chủ động mở rộng diện tích ao hồ, bể bồn và lồng bè, ngoài ra nhiều hộ nuôi chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng, chăm sóc, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.
3. Thương mại, dịch vụ, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải
3.1. Thương mại, dịch vụ
Tháng Một giáp dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, theo quy luật hàng năm các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải và du lịch đều tăng so các tháng trước. Đến thời điểm này nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết đã được bày bán ở các chợ, cửa hàng, siêu thị và Trung tâm thương mại với nhiều mặt hàng mẫu mã phong phú, đa dạng… Công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ số lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bình ổn giá cả trong dịp Tết. Tuy nhiên theo dự báo Tết năm nay sức mua hàng hóa, dịch vụ trên thị trường sẽ không cao, không tăng nhiều so với các tháng bình thường do khủng hoảng kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của công nhân giảm đáng kể.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2024 ước đạt 25.680 tỷ đồng, tăng 5,62% so tháng trước và tăng 9,51% so với cùng kỳ. Phân theo ngành hoạt động như sau:
- Dự ước bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2024 đạt 18.882,42 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 8,12% so cùng kỳ. So tháng trước hầu hết các nhóm hàng bán lẻ đều tăng, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 5,7%; Hàng may mặc tăng 6,92%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 4,71%; xăng dầu các loại tăng 9,45%... Nguyên nhân tăng do tháng giáp Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng người dân tăng cao, bên cạnh đó các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào với nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút sức mua của người dân trong dịp cuối năm. Do vậy, doanh thu ở hầu hết các nhóm ngành hàng đều có mức tăng so tháng trước.
- Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tháng 01 năm 2024 đạt 2.604,72 tỷ đồng, tăng 5,22% so với tháng trước và tăng 19,65% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 4,51% so với tháng trước và tăng 4,92% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 2.575,14 tỷ đồng, tăng 5,22% so với tháng trước; tăng 19,85% so với cùng kỳ.
- Dự ước doanh thu ngành du lịch tháng 01 đạt 6,238 tỷ đồng, tăng 6,1% so với tháng trước. Hiện nay để phục vụ nhu cầu đi du lịch, vui chơi, giải trí trong dịp Tết Nguyên Đán của người dân nhiều khu du lịch cũng đã được đầu tư thêm nhiều hạng mục để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số khu du lịch như khu du lịch tháng Đá hàn; khu du lịch Tre việt; khu du lịch làng bưởi Tân triều, khu du lịch đảo Ó Đồng trường…. Nhiều tour du lịch đã được đặt trước, giá tour cũng tăng so với tháng trước do chi phí các dịch vụ như đi lại, khách sạn, ăn uống tăng.
- Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 01 ước đạt 4.185,8 tỷ đồng tăng 3,34% so với tháng trước và tăng 10,08% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh doanh bất động sản tăng 9,35%, nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 12,03%, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 16,32%, thông tin truyền thông 16,03%...
* Tình hình triển khai kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 10/10/2023 về việc thực hiện chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết:
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện Chương trình Bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2023 - 2024, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024 và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sở Công Thương Đồng Nai đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch dự trữ hàng hoá phục vụ Tết và kế hoạch bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu. Theo đó, các mặt hàng trong diện bình ổn giá sẽ được tỉnh quan tâm và hỗ trợ giá cho người dân trong việc mua sắm phục vụ nhu cầu cuối năm. Sở Công Thương đã triển khai đến các địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và các địa phương trong tỉnh chuẩn bị nguồn hàng hoá và tham gia bình ổn giá trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp Tết đang được các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống… trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai.
Theo Sở Công thương, hiện nay, nhiều đơn vị đã cam kết và tham gia bình ổn giá, bình ổn thị trường trong dịp Tết sắp tới như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ siêu thị Co.opmart Biên Hòa, Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Biên Hòa, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quốc tế Big C Đồng Nai (Trung tâm Thương mại Big C Đồng Nai), Chi nhánh Công ty CP Espace Business Huế tại Đồng Nai (Trung tâm Thương mại GO! Tân Hiệp), Siêu thị Winmart Biên Hòa, Winmart Long Thành, Lotte Mart Biên Hòa, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam - chi nhánh tại Đồng Nai…
Các đơn vị như Siêu Thị, trung tâm thương mại đã chủ động triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, phương án đảm bảo bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Dự kiến, hàng hóa dự trữ tăng từ 15-25% so với cùng kỳ năm ngoái và tập trung các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…
Ở các chợ truyền thống, nguồn hàng hóa hiện nay khá dồi dào để cung ứng cho nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, do những tác động từ tình hình kinh tế khó khăn nên dự báo sức mua hàng tết năm nay sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nên tiểu thương ở các chợ sẽ tính toán, cân đối nguồn hàng phù hợp để phục vụ nhu cầu của người dân, tập trung hàng hóa vào những ngày giáp Tết…
Các doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ, đảm bảo kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng tết, cân đối và dự trữ nguồn hàng, bình ổn thị trường vào cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới; cũng như phát triển các hệ thống phân phối, bán lẻ, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá phù hợp, ổn định, đảm bảo an toàn, chất lượng…
Sở Công thương đã làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị hàng tết, triển khai chương trình bình ổn giá trên địa bàn. Các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án về dự trữ hàng tết, khuyến khích các đơn vị, điểm bán hàng tham gia chương trình bình ổn giá... Trong đó:
Thành phố Biên Hoà có 21 đơn vị cam kết tham gia bình ổn giá không vay vốn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu với tổng số vốn dự trữ hàng hóa thiết yếu khoảng hơn 3,8 tỷ đồng. Thành phố hiện có 5 trung tâm thương mại, 9 siêu thị, hơn 140 cửa hàng tiện ích, 24 chợ truyền thống và hơn 3 ngàn cửa hàng tạp hóa đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Trong cao điểm mua sắm tết sắp tới, thành phố dự kiến bố trí thêm các điểm phân phối, cũng như chuẩn bị phương án đưa hàng đến các điểm bán hàng khi có biến động về giá, tránh xảy ra thiếu hụt nguồn cung…
Thành phố Long Khánh có 01 siêu thị, 09 cửa hàng tiện ích, 08 chợ truyền thống và hơn 600 cửa hàng tạp hóa, đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Huyện Long Thành, các chợ trên địa bàn như: chợ Long Thành, chợ Phước Thái, siêu thị Winmart Long Thành, hệ thống Bách hóa Xanh, các hộ kinh doanh tham gia bình ổn giá không vay vốn… chủ động phương án, báo cáo dự trữ nguồn hàng cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu vào dịp Tết sắp tới. Trong đó, tổng lượng hàng thiết yếu dự trữ ở Siêu thị Winmart Long Thành đạt hơn 8,8 tỷ đồng, chuỗi 20 cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn huyện dự kiến dự trữ tổng lượng hàng hơn 55,5 tỷ đồng, hộ kinh doanh Tấn Phước cam kết tham gia bình ổn giá không vay vốn, dự trữ khoảng 45 tấn gạo vào dịp Tết sắp tới…
Trung tâm Xúc tiến Thương mại thuộc Sở công Thương tổ chức 03 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; 02 phiên chợ công nhân và 15 chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp; 31 chuyến hàng Việt về nhà máy và Khu công nghiệp; 7 phiên chợ hàng Việt về nông thôn; 2 phiên chợ công nhân; 2 đợt tuần hàng Việt tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm.
3.2. Giá cả thị trường
Tháng 01 đầu năm 2024 cũng là tháng giáp dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao, đây cũng là yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng cao hơn các tháng bình thường trong năm. Đến thời điểm giáp Tết hàng hoá ở các cửa hàng, siêu thị cung cấp nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các công ty, siêu thị cũng cam kết bán hàng bình ổn giá để ổn định thị trường. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng 01 có xu hướng tăng nhẹ do vào thời điểm cận Tết nhu cầu tiêu dùng tăng cao… giá nhiều mặt hàng khác tương đối ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2024 tăng 0,3% so tháng trước, trong đó (khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,27%). So với cùng tháng năm trước tăng 1,91%.
Chỉ số giá tiêu dùng một số nhóm hàng tháng 01/2024 so với tháng trước như sau:
Có 9/11 nhóm hàng tăng so tháng trước, trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17% (Lương thực tăng 2,04%, thực phẩm giảm 0,04%, ăn uống ngoài gia đình giảm 0,9%). Các mặt hàng lương thực tăng so với tháng trước như: gạo tăng 1,26% (gạo tẻ thường tăng 1,42%; gạo nếp tăng 1,26%; nguyên nhân là do tháng 01 là tháng có ngày Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng gạo làm bánh và hỗ trợ người nghèo tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng làm cho giá gạo trong nước tăng. Mặc dù giá heo hơi trong tháng 01 đang có xu hướng tăng nhẹ nhưng do ảnh hưởng của dịch trên đàn heo đang có hiện tượng phát sinh ở các tỉnh phía Nam làm cho sức mua giảm, nhiều siêu thị cũng có các chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thực phẩm này làm cho giá heo bình quân giảm 0,5% so với tháng trước. Thịt bò bình quân giảm 0,56% nguyên nhân là do lượng bò nhập khẩu từ Campuchia về nhiều làm cho nguồn cung tăng; thịt gia cầm giảm 1,4%; giá các mặt hàng thuỷ sản tương đối ổn định... Giá các mặt hàng thực phẩm công nghiệp chế biến như sữa tươi, sữa bột giá tương đối ổn định so với tháng trước do năm nay tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhiều công ty vẫn giữ nguyên giá nhằm hỗ trợ khách hàng và người tiêu dùng....
+ Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,11% so với tháng trước, giảm 1,91% so với tháng cùng kỳ. Là tháng giáp Tết Nguyên Đán nhưng năm nay tình hình giá cả các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tương đối ổn định, mức tăng năm nay do giá nguyên liệu tăng nên giá bán các mặt hàng này cũng tăng hơn so với các năm trước như: Giá bia các loại tăng 0,08%; nước khoáng và nước có ga tăng 0,47%.
+ Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 01 tăng 0,68% so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu do trong tháng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng, trong đó giá nước sinh hoạt tăng bình quân 3,51%; giá điện sinh hoạt tăng bình quân 2,54% so với tháng trước; Giá vật liệu bảo dưỡng và sửa chữa nhà tăng 0,14%. Giá mặt hàng gas tăng 1,38% so với tháng trước; giá mặt hàng dầu hoả giảm 1,28% do ảnh hưởng của giá thế giới.
+ Thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 01 tăng 0,24% so với tháng trước; Trong tháng giá các mặt hàng máy điều hoà tăng 0,37%; quạt điện tăng 0,28% do thời tiết tháng đã chuyển sang mùa nắng, nóng nên nhu cầu làm mát tăng, bên cạnh đó dịp cuối năm nhu cầu mua sắm đồ dùng trong gia đình tăng. Các dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình tăng 4,31%.
+ Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 01/2024 tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Giá các dịch vụ y tế ổn định so với tháng trước.
+ Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,33%. Trong tháng do nhu cầu đi lại tăng cao làm cho giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,19%, trong đó vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 16,7%; giá học phí bằng lái xe tăng 15,48% so với tháng trước nguyên nhân là do nhu cầu học lái xe tăng cao. Ngược lại trong tháng giá các mặt hàng xăng, dầu đã có 3 lần điều chỉnh làm cho nhóm nhiên liệu bình quân giảm 0,01% so với tháng trước trong đó xăng giảm 0,03%; riêng dầu Diezel tăng 1,21%.
Các nhóm còn lại chỉ số giá ổn định có mức tăng từ 0,02 – 0,18%. Riêng Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,05% và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông ổn định so với tháng trước.
- Chỉ số giá bình quân tháng 01/2024 tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 07 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất thuốc và dịch vụ y tế (+9,09%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+2,99%); Giáo dục (+7,75%); Giao thông (+1,72%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,61%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,37%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+6,72%). Có 04 nhóm chỉ số giá giảm là Đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; Bưu chính viễn thông giảm 0,6%; May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,51%; Văn hoá, giải trí và du lịch 3,44%.
Chỉ số giá vàng trong tháng 01/2024 tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 16,57% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 01/2024 tăng 0,09% so tháng trước và tăng 3,38% so với cùng tháng năm trước.
3.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tháng 01 năm 2024, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; cùng với đó tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cũng như đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, liên kết thương mại mới do đó tháng 01 tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp duy trì ổn định, xuất khẩu hàng hoá dự báo có dấu hiệu tích cực hơn.
Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2024 đạt 1.916,8 triệu USD, tăng 1,56% so với tháng trước và tăng 38,48% so cùng kỳ, trong đó: kinh tế nhà nước đạt 39,79 triệu USD, tăng 28,79%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 462,16 triệu USD, tăng 36,14%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.414,8 triệu USD, tăng 39,56% so cùng kỳ. Nguyên nhân xuất khẩu tháng 01/2024 tăng cao so cùng kỳ chủ yếu do tháng 01/2023 trùng vào dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu nghỉ Tết dài ngày (7 - 10 ngày) nên giá trị xuất khẩu thực hiện đạt thấp, trong khi tháng 01 năm nay chưa phải nghỉ Tết. Mặt khác bước sang tháng 01/2024 một số doanh nghiệp có thêm đơn hàng sản xuất nên xuất khẩu tăng khá.
Hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều tăng cao so cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ (+83,17%); Hàng dệt may (+20,49%); Giày, dép (+20,52%); Máy vi tính (+,38%); Xơ, sợi (+25,47%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (+42,94%) …
Thị trường xuất khẩu tháng 01 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 594,501 triệu USD, chiếm 30,13 % tổng kim ngạch xuất khẩu; Trung Quốc: 199,103 triệu USD, chiếm 10,09%; Nhật Bản 209,5 triệu USD, chiếm 10,09%; Hàn Quốc 111,3 triệu USD, chiếm 5,64%...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2024 ước đạt 1.270 triệu USD, tăng 1,25% so tháng trước và tăng 28,25% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 15,71 triệu USD, tăng 19,47%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 188,25 triệu USD, tăng 32,29%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.066 triệu USD, tăng 27,7% so cùng kỳ. Tháng 01 kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ nguyên nhân chủ yếu do tháng 01/2023 nghỉ Tết dài ngày, mặt khác cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp ổn định hơn, xuất khẩu hàng hoá tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, một số doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng mới nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều tăng so cùng kỳ năm trước như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu tăng 1,66%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 106,47%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 29,5%; Vải các loại tăng 16,37%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 96,12%; Sắt thép các loại tăng 3,56%...
Thị trường nhập khẩu trong tháng 01 chủ yếu ở các nước: Thị trường Trung Quốc ước đạt 376,6 triệu USD, chiếm 29,16% tổng kim ngạch nhập khẩu; Hàn Quốc 159 triệu USD, chiếm 12,31%; Nhật Bản 99,7 triệu USD, chiếm 7,72%; Hoa kỳ ước đạt 50,1 triệu USD, chiếm 3,88%...
3.4. Giao thông vận tải
Tháng 01 năm 2024 cận Tết Nguyên Đán nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân dịp cuối năm tăng, bên cạnh đó hoạt động vui chơi giải trí và du lịch cũng tăng góp phần làm cho doanh thu vận chuyển hàng hóa và hành khách, dịch vụ kho bãi, bốc xếp và bưu chính chuyển phát tháng 01 tăng hơn so với tháng trước.
Dự ước doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 01/2024 đạt 3.093,16 tỷ đồng, tăng 4,92% so tháng trước, tăng 4,8% so cùng kỳ. Trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 370 tỷ đồng, tăng 3,82% so tháng trước và giảm 14,7% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 1.800,6 tỷ đồng, tăng 5,67% so tháng trước và tăng 9,23% so cùng kỳ.
- Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 01 năm 2024 ước đạt 6.670 nghìn hành khách, tăng 3,41% so với tháng trước, giảm 16,96% so với cùng kỳ; Luân chuyển hành khách ước đạt 390.650 nghìn hành khách.km tăng 3,48% so với tháng trước, giảm 18,55% so với cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30 khu công nghiệp hoạt động với trên 700 ngàn công nhân, trong đó gần 70% số công nhân đến từ các tỉnh trong cả nước, do đó nhu cầu về quê ăn Tết tăng mạnh so với tháng trước. Giá vé đi trong dịp tết cũng tăng trên 40% so với ngày thường để bù lỗ chi phí cho chiều xe chạy ngược lại ít khách làm cho doanh thu vận tải hành khách tháng 01/2024 tăng cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 191 tuyến vận tải hành khách tuyến cố định đối lưu với 30 tỉnh, thành với tổng số chuyến là 9.601 chuyến/tháng, hàng ngày có 320 chuyến xe hoạt động đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có 19 tuyến với tổng số phương tiện khai thác là 322 xe/15.134 chỗ. Hàng ngày, có 1.280 chuyến xe hoạt động và 06 đơn vị khai thác vận tải hành khách bằng xe taxi với 1.127 xe từ 5 đến 7 chỗ hoạt động phân bố đều khắp địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Do tháng 01 là tháng cận tết Nguyên Đán nên các đơn vị vận tải đã có kế hoạch tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại về quê cũng như vui chơi giải trí, du lịch tăng cao của người dân làm cho doanh thu và sản lượng vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023 thì giảm do tháng 01 năm 2023 trùng vào tết Nguyên đán nên nhu cầu đi lại tăng cao, còn năm nay Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2 năm 2024 vì vậy sản lượng vận chuyển hành khách tháng 01 giảm so với cùng kỳ.
- Khối lượng vận chuyển hàng hoá tháng 01/2024 ước đạt 7.89 nghìn tấn tăng 5,31% so với tháng trước và tăng 5,75% so với cùng kỳ; Luân chuyển đạt 675.718 nghìn tấn.km, tăng 5,42% so với tháng trước và tăng 6,76% so với tháng cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 400 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa với 40.736 xe hoạt động. Trong đó có 4.400 xe đầu kéo container thực hiện dịch vụ vận tải logistics từ các kho, cảng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến các tỉnh, thành trong cả nước đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Do trong tháng 01 nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ cho tết Nguyên Đán và phục vụ sản xuất tăng cao.
- Kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát: Tháng 01 tình hình nhập khẩu nguyên liệu, hàng hoá phục vụ cuối năm tăng cao làm cho nhu cầu sử dụng các dịch vụ kê khai hải quan, bốc xếp và dịch vụ logistic tăng làm cho doanh thu của ngành này tăng so với tháng trước. Dự ước doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01 năm 2024 đạt 922,6 tỷ đồng, tăng 3,91% so với tháng trước và tăng 6,12% so với tháng cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước 21,8 tỷ đồng, tăng 3,75% so với tháng trước và tăng 7,02% so với cùng kỳ.
4. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước
Hoạt động đầu tư trong tháng 01 năm 2024 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2024, các công trình mới được bố trí vốn năm 2024 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện vốn đầu tư công năm 2023; các nội dung trình phê duyệt về mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các địa phương và đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 15.023,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 11.542 tỷ đồng và ngân sách huyện là 2.784,6 tỷ đồng.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 01/2024 đạt 669,3 tỷ đồng, giảm 38,76% so với tháng 12 năm 2023; tăng 24,5% so cùng kỳ và bằng 4,45% so kế hoạch năm 2024, Nguyên nhân giảm mạnh so tháng 12 là do tháng 01/2024 là tháng đầu năm nên chủ yếu tập trung thực hiện thi công các dự án, công trình chuyển tiếp; các dự án, công trình mới chưa được khởi công xây dựng. Do vậy tình hình thực hiện vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giảm sâu so với tháng trước. Tuy nhiên tháng 01/2024 tăng cao tháng cùng kỳ ở mức 24,5%, do tháng 01/2023 là tháng trùng vào tháng Tết Nguyên Đán, thời gian nghỉ Tết kéo dài từ 7-10 ngày, số ngày làm việc ít hơn so tháng 01/2024, do vậy tháng 01/2024 tăng cao, tăng trên 24%.
5. Thu hút vốn đầu tư, đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến ngày 20/01/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 396,77 triệu USD, trong đó: cấp mới 5 dự án với tổng vốn đăng ký 150,69 triệu USD và 34 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 246,08 triệu USD.
Tính từ đầu năm đến ngày 20/01/2024, thu hút vốn đầu tư trong nước ở trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 4.445,03 tỷ đồng, gấp hơn 11,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng vốn đăng ký kinh doanh từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/01/2024 là 2.194 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 162 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 29,6%) với số vốn đăng ký 1.250 tỷ đồng; Có 42 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn là 944 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 64 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, đạt 85,3% so với cùng kỳ.
Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/01/2024, có 40 doanh nghiệp giải thể (tăng 5,2% so với cùng kỳ) và có 65 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động (tăng 18,1%); 728 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 55,5%). Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
6. Hoạt động Ngân hàng
- Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/01/2024 đạt 324.856 tỷ đồng, tăng 1,24% so với đầu năm. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 0,19%; Tiền gửi ước đạt 322.206 tỷ đồng, tăng 1,25% so với đầu năm (trong đó: tiền gửi bằng đồng Việt Nam đạt 303.332 tỷ đồng, tăng 1,05%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 18.874 tỷ đồng, tăng 4,55% so với đầu năm.
Lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 3,3-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức 6,3-7,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; mức 7,3-8,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và mức 7,5- 7,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
- Hoạt động tín dụng: Tính đến 31/01/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 367.521 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm (trong đó nợ xấu ước chiếm 1,49% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.655 tỷ đồng, tăng 0,36%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 365.866 tỷ đồng, tăng 1,1% (trong đó dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 318.843 tỷ đồng, tăng 0,59%; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 47.023 tỷ đồng, tăng 4,72% so với đầu năm.
II. Một số tình hình xã hội
1) Văn hóa - Thể thao
Tháng 01 năm 2024, ngành VHTTDL triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: kỷ niệm các ngày lễ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Biểu diễn phục vụ Nhân dân chương trình tuyên truyền lưu động với chủ đề: “Quê hương mùa xuân" tuyên truyền lưu động Mừng Đảng - Mừng Xuân kết hợp lồng ghép tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2024, tổng số 07 buổi phục vụ 1.500 lượt người xem.
Tổ chức Chương trình giao lưu biểu diễn dân ca và Nghệ thuật Đờn ca tài tử nhân Tuần lễ Văn hóa chào mừng kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển. Biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa và công nhân ở các khu công nghiệp. Tổng số buổi biểu diễn 17 buổi, Phục vụ khoảng 3.500 lượt người xem.
Hoạt động thể thao trong tháng tập trung tổ chức và tham gia các giải: Giải Việt dã Chào năm mới BTV lần thứ XXV năm 2024; Giải Vô địch Cử tạ quốc gia năm 2023, tại thành phố Hồ Chí Minh; Giải Bóng đá Hạng nhất quốc gia mùa giải 2023-2024 trên sân nhà; Giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá" lần thứ 29 năm 2024, từ ngày 01/01 - 07/01, tại tỉnh Bình Phước, đạt 01 HCB.
2) Y tế
Ngành y tế thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình để triển khai các biện pháp phòng chống dịch Sốt xuất huyết, Sởi, Tay chân miệng, Sốt rét, COVID-19, bệnh Dại…. Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và hóa chất đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.
- Dịch bệnh COVID-19: Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, số ca mắc mới trong tháng giảm nhiều so với tháng trước, cụ thể từ ngày 19/12/2023 - 18/01/2024 ghi nhận 15 ca mắc bệnh (test nhah dương tính). Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn.
- Sốt xuất huyết: Trong tháng ghi nhận 215 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 56,57% so tháng trước và giảm 69,67% so với tháng cùng kỳ. Không ghi nhận trường hợp tử vong.
- Tay chân miệng: Ghi nhận 292 ca mắc, giảm 67,98% so tháng trước và tăng 2,45 lần so với tháng cùng kỳ. Không ghi nhận trường hợp tử vong.
Một số dịch bệnh khác như: Sốt rét, sởi, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, cúm,… trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.
- Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, nhất là dịp trước tết Nguyên đán năm 2024. Thực hiện công tác thanh kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 01/2024 đã thực hiện 899 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, trong đó: 879 cơ sở đạt (chiếm 97,78 %), số cơ sở vi phạm là 20, không thi nhận ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
3) Giáo dục
Hoạt động giáo dục trong tháng 01/2023 chủ yếu: Tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà mô đun 6,7,8 cho giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chuẩn bị điều kiện tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm học 2023-2024. Tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh vào các ngày 04, 05 và 06/01/2024: Có 90 học sinh tham gia thi 9 môn gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh. Tổ chức thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2023-2024 vào ngày 19/01/2024 với tổng số học sinh đăng ký dự thi là 3.962.
4) Giải quyết việc làm – Đào tạo nghề
Trong tháng 01/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 6.932 lượt người (đạt 8,67% kế hoạch năm, tăng 2,04% so với cùng kỳ năm 2023).
Tiếp nhận 3.248 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 8,96% so với cùng kỳ năm trước. Ban hành 3.737 quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước với số tiền trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề theo Quyết định ban hành là 124.453,84 triệu đồng, tăng 55,05% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 01, các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 3.621 học viên, đạt 5.57% kế hoạch năm, tăng 0,48% so với năm 2023./.
Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai