(MPI) - Tại Quyết định 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong tháng 9/2024. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2018/NĐ-CP.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Nghị định 38/2018/NĐ-CP đến nay đã có hiệu lực thực thi hơn 5 năm. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên thể chế hóa các quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, quy định chi tiết về việc hình thành và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, với mục tiêu tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư, hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Trước khi Nghị định 38/2018/NĐ-CP được ban hành, Việt Nam chưa có quy định nào về thành lập quỹ đầu tư dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các đơn vị muốn thành lập Quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phải tuân theo các quy định của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2017 (thời điểm trước khi Nghị định 38 ra đời), mặc dù có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư vào Việt Nam nhưng phần lớn là các quỹ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hoặc có văn phòng đại diện tại Việt Nam (CyberAgent Ventures, 500 Startups, ESP Capiptal,..). Ngoài ra, một số ít tập đoàn hoặc nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn đầu tư cho khởi nghiệp thông qua hình thức công ty đầu tư như FPT Ventures, Seedcom, trong đó, quỹ DFJVinaCapital là một trong những quỹ được thành lập theo Luật Chứng khoán là một trong các quỹ có tiềm lực tài chính vững mạnh (với quy mô vốn khoảng 100 triệu USD).
Trong bối cảnh đó, Nghị định 38/2018/NĐ-CP được ban hành đã tạo ra một hành lang pháp lý ban đầu, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân quy mô nhỏ (angle investor) cùng tham gia đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo mà không phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của Luật Chứng khoán. Theo đó, Nghị định 38/2018/NĐ-CP mở ra cơ hội huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục thiết kế và triển khai các chính sách hỗ trợ (ưu đãi thuế, bảo vệ quyền lợi quỹ đầu tư,…) nhằm khuyến khích sự phát triển và tăng cường tính cạnh tranh của các quỹ đầu tư nội địa so với các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Những thay đổi tích cực trong hoạt động thành lập, đầu tư của thị trường đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu do các quy định thành lập quỹ theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã đơn giản hóa các thủ tục, các yêu cầu về số lượng nhà đầu tư tối thiểu và tổng số vốn góp. Việc thành lập quỹ chỉ cần thông báo thay vì đăng ký điều kiện kinh doanh như quy định tại Luật Chứng khoán đã hỗ trợ, tạo điều kiện và môi trường đầu tư cho các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Qua 5 năm triển khai, Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã định hình thêm một kênh đầu tư mạo hiểm cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn của nhà đầu tư nhỏ, phù hợp với mức độ và trình độ phát triển của các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn hiện nay.
Về một số hạn chế, kể từ khi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP có hiệu lực, tính đến hết tháng 6/2024, cả nước đã có 33 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn góp là khoảng 413 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 16 triệu USD). Các quỹ thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP đa phần có quy mô nhỏ xét trên phương diện vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực đầu tư của các quỹ đầu tư thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đầu tư có rủi ro tương đối thấp, mang lại lợi nhuận ổn định như công nghệ thông tin, giáo dục, y tế và thương mại điện tử.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 11/3/2018 và sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, ngoài một số kết quả đáng ghi nhận, Nghị định cũng đã bộc lộ một số bất cập, gây vướng mắc, khó khăn và chưa phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng của cộng đồng quỹ đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể:
Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định giới hạn tối đa 30 nhà đầu tư đóng góp vốn vào quỹ, quỹ đầu tư KNST không được góp vốn vào quỹ đầu tư KNST khác (khoản 1 Điều 5) hay còn gọi là fund of fund, quy định nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn vào quỹ (khoản 2 Điều 5). Theo đánh giá của các quỹ đầu tư, các quy định này làm giảm sự hấp dẫn của các quỹ đầu tư, gây khó khăn trong huy động vốn của các quỹ đồng thời cũng làm giảm tính thanh khoản của các khoản đầu tư vào quỹ. Trong khi đó, thông lệ quốc tế và xu hướng đầu tư hiện nay cho thấy, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp thường có số lượng nhà đầu tư lớn hơn. Tại thời điểm ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP, việc hạn chế mô hình fund of fund nhằm đảm bảo đồng vốn đi thẳng vào doanh nghiệp thay vì chạy lòng vòng, gây méo mó thị trường, tăng rủi ro cho xã hội và dẫn tới khó kiểm soát cho cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, để phù hợp với mức độ an toàn của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, việc mở rộng giới hạn quy mô nhà đầu tư cũng cần được phân tích kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh an toàn tài chính, tránh việc lợi dụng chính sách huy động vốn ồ ạt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung.
Theo thông lê quốc tế, quỹ đầu tư mạo hiểm thường tham gia vào giai đoạn đầu (early stage) của các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Tại giai đoạn này, việc định giá DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là một nhiệm vụ khó khăn vì không có các chỉ số tài chính cần thiết, ví dụ như báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Do đó, thông thường các quỹ đầu tư này sẽ chọn phương thức cấp vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bằng hình thức cho vay thông qua các khoản vay có chuyển đổi (convertible note) hoặc sử dụng các công cụ như Thỏa thuận sở hữu tương lai - SAFE (Simple Agreement for Future Equity) hoặc Quyền chứng khoán đơn giản - KISS (Keep It Simple Security). Bản chất của các khoản vay này không phải là vay thương mại mà là các khoản đầu tư ban đầu để hỗ trợ các doanh nghiệp KNST trong giai đoạn đầu chưa có kinh phí hoạt động. Theo đó, bên cho vay không yêu cầu tài sản bảo đảm, khoản vay có lãi suất thấp hoặc không có lãi suất thậm chí không có ngày đáo hạn. Ở giai đoạn sau khi DNNVV KNST có thể định giá và gọi vốn thành công, bên cho vay sẽ được hưởng ưu đãi, ví dụ như mức chiết khấu từ việc chuyển đổi khoản vay thành cổ phần.
Tuy nhiên, Điều 5 Nghị định 38/2018/NĐ-CP chỉ cho phép các quỹ thực hiện một số nghiệp vụ hạn chế như đầu tư vốn điều lệ của DNNVV KNST hoặc gửi tiền để lấy lãi tiết kiệm, chưa cho phép nhà đầu tư nắm giữ quyền mua cổ phần (option) tại doanh nghiệp, điều này hạn chế các quỹ đầu tư tiếp cận các tiềm năng tăng trưởng của một doanh nghiệp mới mà không cần phải đầu tư một lượng vốn lớn ngay từ đầu.
Một số quy định còn chưa rõ ràng, thiếu các quy định chi tiết đảm bảo công tác triển khai trên thực tế, đặc biệt là các qui định liên quan đến hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào quỹ và quỹ đầu tư ra nước ngoài; Một số quy định về tuân thủ quy trình, trình tự, thủ tục chưa thực sự cần thiết, làm tăng gánh nặng tuân thủ cho các Quỹ đầu tư…
Trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình thực hiện Nghị định 38/2018/NĐ-CP trong thời gian vừa qua và thực trạng thị trường tài chính, đầu tư mạo hiểm và sự phát triển của hệ sinh thái KNST ở Việt Nam hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới Điều 4, Điều 5, Điều 7, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 17 của Nghị định 38/2018/NĐ-CP và bổ sung một số Điều mới nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Cụ thể, kết cấu dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm 2 Điều. Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 5; Sửa đổi khoản 2 Điều 7 ; Bổ sung Điều 17a và Điều 17b quy định về thủ tục đầu tư ra nước ngoài của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và thủ tục góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của nhà đầu tư nước ngoài ; Sửa đổi các quy định liên quan tới phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Sở Kế hoạch và Đầu tư về Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương.
Điều 2: tổ chức thực hiện, Nghị định quy định trường hợp các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Dự thảo Nghị định đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư