(MPI) - Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Chỉ thị nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân tiếp tục là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trong đó, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học.
Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề; tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với quá trình đô thị hóa, già hóa dân số và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại...
Chỉ thị của Ban Bí thư cũng nêu rõ nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư