(MPI) - Mô hình khu công nghiệp được hình thành và phát triển gắn liền với bối cảnh, yêu cầu của các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước, là công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.
Những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, khu kinh tế (KKT) chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa…), đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
|
Hình ảnh tin tại chuyến đi thực tế dành cho báo chí tới thăm một số mô hình chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái tại tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng ngày 21/8/2024. Ảnh: MPI |
Chia sẻ mô hình chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Mô hình KCN sinh thái hướng tới phát triển bền vững đã được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực tại các nước như Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.... Tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được đề cập và nhấn mạnh trong các chủ trương lớn, quan trọng của Đảng.
Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và sự hợp tác từ đối tác nước ngoài để hình thành, phát triển mô hình KCN sinh thái theo hướng bền vững trên ba trụ cuột kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ đã phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Từ năm 2020 đến 2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh và thu được các kết quả rất đáng khích lệ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển mô hình KCN sinh thái tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ (trước đây là Nghị định 82/2018/NĐ-CP), trong đó quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN sinh thái; tiêu chí xác định; các ưu đãi; trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; các quy định liên quan đến chứng nhận lại hoặc chấm dứt hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; khuyến khích, định hướng việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp và có ưu đãi để khuyến khích phát triển KCN sinh thái mới như không áp dụng tỷ lệ lấp đầy đối với mô hình KCN này.
Bổ sung các quy định để đảm bảo điều kiện an sinh xã hội cho người lao động làm việc trong KCN; các địa phương phải xác định quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong các KCN ngay từ bước quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn; việc phê duyệt quy hoạch hoặc hoàn thành đầu tư xây dựng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động (đối với dự án KCN mở rộng) là điều kiện bắt buộc để được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN (hoặc KCN mở rộng); bổ sung quy định về việc xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, cơ sở lưu trú cho người lao động làm việc trong KCN trên phần đất dịch vụ trong KCN.
Cho đến nay, mô hình KCN sinh thái đang được nhân rộng tại một số địa phương và qua quá trình phát triển, mô hình này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rất tích cực. Ngoài việc chuyển đổi các KCN sinh thái thì các nhà đầu tư hạ tầng KCN với tư tưởng mới đã đề xuất nhiều dự án đầu tư hạ tầng KCN sinh thái mới ngay từ đầu với những cam kết mạnh mẽ hơn về chiến lược phát triển bền vững ngay từ khi lập quy hoạch, lập hồ sơ tiếp cận chủ trương đầu tư cũng như định hướng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái gặp một số khó khăn trong việc tái sử dụng các chất thải, nước thải để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp cũng như tiếp cận nguồn lực về tài chính, tín dụng, ưu đãi. Bởi bản thân KCN sinh thái đòi hỏi đầu tư lớn hơn và cam kết mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư hạ tầng. Do đó, cần có chính sách khuyến khích phù hợp để các nhà đầu tư có động lực triển khai các mô hình theo hướng bền vững.
Nhằm tạo sự đồng bộ, tháo gỡ khó khăn trong các hoạt động cộng sinh công nghiệp cũng như khuyến khích các khu công nghiệp phát triển theo mô hình mới, trong đó có mô hình công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý về môi trường, tài nguyên nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phục vụ hoạt động cải thiện sản xuất cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong dài hạn, cần có văn bản quy phạm pháp luật cao hơn nghị định để điều chỉnh các hoạt động của KCN, KKT, khuyến khích phát triển các mô hình KCN, KKT mới, trong đó có KCN sinh thái.
|
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thông tin với báo chí. Ảnh: MPI |
Bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, gửi lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng luật Luật KCN, KKT theo hướng nhằm đồng bộ hóa các quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý các KCN, KKT; đảm bảo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng đối với phát triển KCN, KKT; quy định cụ thể các công tác liên quan đến quy hoạch KCN và đồng bộ hóa quy hoạch này đối với quy hoạch cấp trên như quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp ở các có vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Cùng với đó là bổ sung những cơ chế, chính sách phát triển mô hình KCN mới, như: KCN công nghiệp công nghệ cao, KCN hỗ trợ chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN đô thị, dịch vụ, mô hình khu kinh tế mới như khu thương mại tự do, KKT chuyên biệt; định hướng thu hút các ngành nghề theo định hướng phát triển của khoa học công nghệ như những ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn, hoạt động đổi mới sáng tạo trong các KCN, KKT.
Đối với KCN sinh thái, bổ sung những cơ chế, chính sách như thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư hạ tầng KCN; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi; nguồn lực thực hiện sáng kiến KCN sinh thái. Đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT với trọng tâm là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT tại các địa phương phải có đủ thẩm quyền, năng lực để phát triển các mô hình tiệm cận với quốc tế.
Có thể nói, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư