Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022

Ngày 02/11/2022 - 09:02:00 | 268 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong giai đoạn 10 tháng đầu năm từ trước đến nay với 178.485 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2022 là 125.821 doanh nghiệp, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký thành lập trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 1.379.201 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2022 là 4.173.273 tỷ đồng (tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.379.201 tỷ đồng (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021). Có 42.601 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2022 (tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.794.072 tỷ đồng (tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Có 16/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, một số ngành đáng chú ý là: Hoạt động dịch vụ khác (tăng 77,3%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 75,6%);  Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 75,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 63,4%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 60,7%) …

- Doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 93.081 doanh nghiệp, chiếm 74% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 31.056 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 24,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2021. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản lại ghi nhận 1.684 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 06 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, gồm: Trung du và miền núi phía Bắc (5.884 doanh nghiệp, tăng 16,8%); Đồng bằng Sông Hồng (38. 335 doanh nghiệp, tăng 22,9%); Tây Nguyên (3.832 doanh nghiệp, tăng 24,2%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (17.043 doanh nghiệp, tăng 28,5%); Đông Nam Bộ (50.805 doanh nghiệp, tăng 47,4%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (9.922 doanh nghiệp, tăng 49,1%).

- Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 112.896 doanh nghiệp (chiếm 89,7%, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2022 là 834.982 lao động, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2021.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2022 là 52.664 doanh nghiệp, tăng 49,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó phải kể đến một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã có sự phục hồi tích cực: Hoạt động dịch vụ khác (1.560 doanh nghiệp, tăng 321,6%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (824 doanh nghiệp, tăng 197,5%); Giáo dục và đào tạo (1.329  doanh nghiệp, tăng 78,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (457 doanh nghiệp, tăng 62,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (3.003 doanh nghiệp, tăng 59,6%) và Kinh doanh bất động sản (1.846 doanh nghiệp, tăng 59%).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 10 tháng đầu năm 2022 có 122.135 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 54,4%), cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2022 là 66.401 doanh nghiệp, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, có thời gian hoạt động dưới 5 năm với 31.740 doanh nghiệp (chiếm 47,8%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 59.274 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021).

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 40.308 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 35.438 doanh nghiệp (chiếm 87,9%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021).

- Số doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng đầu năm 2022 là 15.426 doanh nghiệp, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 12/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ 2021. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 10.446 doanh nghiệp (chiếm 67,7%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 13.449 doanh nghiệp (chiếm 87,2%, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021).

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 năm 2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 10/2022 có 13.030 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 106.916 tỷ đồng, tăng 58,3% về số doanh nghiệp và giảm 1,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 10/2022, cả 06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, 02 vùng có mức tăng cao nhất là Đông Nam Bộ (5.348 doanh nghiệp, tăng 122%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (940 doanh nghiệp, tăng 72,8%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2022 là 76.858 người, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 10 năm 2022 ghi nhận có 3.903 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 10/2022, cả nước có 9.860 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có:

- 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021;

- 4.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2021;

-1.602 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 98,8% so với cùng kỳ năm 2021.

III. Đánh giá chung về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 đầu năm 2022

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong giai đoạn 10 tháng đầu năm từ trước đến nay với 178.485 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2022 là 125.821 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 10 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong một năm của giai đoạn 2016 trở về trước. Trong 10 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 52.644 doanh nghiệp, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là những tín hiệu rõ nét cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại, khu vực doanh nghiệp đã có sự phục hồi khá nhanh.

Thứ hai, trong 10 tháng năm 2022, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021[1]. Trong đó, đã có hơn 42 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với gần 2,8 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm (tăng 23,1% về số doanh nghiệp và 48,7% về số vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2021)[2]. Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì các doanh nghiệp này đang hoạt động và trải nghiệm thực tế môi trường kinh doanh. Họ nhìn thấy các cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh những mặt tích cực, thì những yếu tố bất định gia tăng cũng tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2022, khiến tình hình đăng ký doanh nghiệp còn có những điểm hạn chế đó là:

Một là, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ, cụ thể:

Trong 10 tháng đầu năm 2022 có 66.401 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, có thời gian hoạt động dưới 5 năm với 31.740 doanh nghiệp (chiếm 47,8%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).

Trong tháng 10/2022 có 1.602 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 98,8% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù đây là mức tăng cao, tuy nhiên, nếu so với bình quân giai đoạn 2017-2020 thì số doanh nghiệp giải thể trong tháng 10/2022 có mức tăng không quá lớn (13,4%)[3]. Thêm vào đó, kỳ báo cáo tháng 10/2021 (21/9-20/10) là khoảng thời gian cả nước vẫn đang tập trung đối phó với dịch bệnh, nhiều địa phương vẫn thực hiện giãn cách xã hội đến trước thời điểm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có hiệu lực thi hành (11/10/2021). Do vậy, nhiều doanh nghiệp giải thể không thực hiện được thủ tục, dẫn đến việc số lượng doanh nghiệp giải thể trong giai đoạn này sụt giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước đó[4].

Hai là, quy mô vốn đăng ký trên doanh nghiệp có xu hướng giảm

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2020 và năm 2019 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 23,3%[5] và 12,3%[6]. Như vậy, vẫn còn tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong quá trình bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, do hậu quả của hơn 2 năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu; nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động.

Ba là, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10/2022 có xu hướng giảm sau hai tháng tăng mạnh. Tháng 10/2022 ghi nhận có 3.903 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức bình quân tháng 10 giai đoạn 2017-2021 (4.275 doanh nghiệp). Mặc dù không giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái như tháng 6/2022 và tháng 7/2022[7] nhưng sự sụt giảm này phần nào cho thấy khó khăn của các doanh nghiệp khi tái gia nhập thị trường trong bối cảnh hiện nay./.

[1] Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2022 là 4.173.273 tỷ đồng.

[2] Có 42.601 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2022 (tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.794.072 tỷ đồng (tăng 48.7% so với cùng kỳ năm 2021).

[3] Số doanh nghiệp giải thể bình quân giai đoạn 2017-2020 là 1.413 doanh nghiệp/năm.

[4] Số doanh nghiệp giải thể trong tháng 10/2021 là 806 doanh nghiệp, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2020.

[5] Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp 10 tháng năm 2020 là 14,3 tỷ.

[6] Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp 10 tháng năm 2019 là 12,5 tỷ.

[7] Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6/2022 giảm 53,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tháng 7/2022 giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác