Thứ hai, 00/00/2023
°

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2022

Ngày 06/12/2022 - 11:20:00 | 479 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 11 tháng năm 2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2022 tiếp tục đạt kỷ lục mới, với 194.699 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng giai đoạn 2017-2021 (153.664 doanh nghiệp).

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2022 là 137.764 doanh nghiệp, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021 (118.777 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký thành lập trong 11 tháng năm 2022 đạt 1.483.691 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2022 là  4.464.915 tỷ đồng (tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.483.691 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021). Có 46.528 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 11 tháng năm 2022 (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021), với số vốn đăng ký tăng thêm là 2.981.224 tỷ đồng (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2022 đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Có 16/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có một số lĩnh vực đáng chú ý như: Hoạt động dịch vụ khác (tăng 76,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 71,4%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 67,8%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 65,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch (tăng 57,3%); Giáo dục và đào tạo (tăng 43,7%)…

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 123.714 doanh nghiệp (chiếm 89,8%, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2021), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 102.082 doanh nghiệp, chiếm 74,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 33.851 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 24,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.831 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,3% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả 06 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021: Đồng bằng Sông Cửu Long (10.777 doanh nghiệp, tăng 43,1%); Đông Nam Bộ (55.620 doanh nghiệp, tăng 42%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18.627 doanh nghiệp, tăng 23,1%); Đồng bằng Sông Hồng (42.157 doanh nghiệp, tăng 21,4%); Tây Nguyên (4.162 doanh nghiệp, tăng 20,8%) và Trung du và miền núi phía Bắc (6.421 doanh nghiệp, tăng 14,5 %).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2022 là 908.970 lao động, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2022 là 56.935 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,6 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021. 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó phải kể đến một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã có sự phục hồi tích cực: Hoạt động dịch vụ khác (1.680 doanh nghiệp, tăng 223,7%); Giáo dục và đào tạo (1.421 doanh nghiệp, tăng 62,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (489 doanh nghiệp, tăng 49,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (3.225 doanh nghiệp, tăng 44,6%)...

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 11 tháng năm 2022 có 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,1%), cụ thể:

- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng năm 2022 là 70.220 doanh nghiệp, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 33.259 doanh nghiệp (chiếm 47,4%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 62.509 doanh nghiệp (chiếm 89%, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021).

- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 45.271 doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 39.828 doanh nghiệp (chiếm 88%, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021).

- Số doanh nghiệp giải thể trong 11 tháng năm 2022 là 16.848 doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 12/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ 2021. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 11 tháng năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 11.344 doanh nghiệp (chiếm 67,3%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 14.659 doanh nghiệp (chiếm 87%, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021).

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11 năm 2022

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 11/2022 có 11.943 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 104.490 tỷ đồng, tăng 0,3% về số doanh nghiệp và giảm 30,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 11/2022, chỉ có 02/06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021: Đồng bằng Sông Hồng (3.822 doanh nghiệp, tăng 8,4%) và Đông Nam Bộ (4.815 doanh nghiệp, tăng 2,4%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2022 là 73.988 người, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 11/2022 ghi nhận có 6.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 11/2022, cả nước có 10.523 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có:

- 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021;

- 5.095 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021;

- 1.422 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021.

III. Đánh giá chung về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11 năm 2022

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2022 tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong giai đoạn 11 tháng từ trước đến nay với với 194.699 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng giai đoạn 2017-2021 (153.664 doanh nghiệp). Trong đó, cả số doanh nghiệp thành lập mới (137.764 doanh nghiệp) và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (56.935 doanh nghiệp) đều đạt mức kỷ lục trong giai đoạn 11 tháng năm 2022. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng có sự gia tăng trở lại trong tháng 11/2022, sau 2 tháng liên tiếp có sự sụt giảm[1].

Bên cạnh tín hiệu tích cực thì những yếu tố bất định gia tăng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua, do đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2022 vẫn còn những điểm đáng lưu ý, cụ thể như sau:

Một là, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ, cụ thể:

Trong 11 tháng năm 2022 có 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,3 lần mức bình quân cùng kỳ giai đoạn 2017-2021. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 70.220 doanh nghiệp, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021; Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 45.271 doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021; Số doanh nghiệp giải thể là 16.848 doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể nói, tình hình kinh tế thế giới đã và đang có nhiều biến động phức tạp (giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột tại Nga – Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh...), tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh... Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Bên cạnh đó, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022[2].

Hai là, quy mô vốn đăng ký trên doanh nghiệp có xu hướng giảm, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại trong những tháng cuối năm.

Mặc dù tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2022 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đăng ký tăng thêm tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2020 và năm 2019 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 28,8%[3] và 13,3%[4].

Bên cạnh đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại trong 02 tháng vừa qua[5]. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 11/2022 thì số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 104.490 tỷ đồng, giảm 30,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021, giảm 2,3% so với tháng 10/2022 và là mức thấp nhất trong giai đoạn tháng 11 của các năm từ 2017 đến nay.

Như vậy, có thể thấy khó khăn về dòng tiền đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây từ nhiều phía, doanh nghiệp cần tiền đề duy trì, trợ lực, nhưng dòng vốn lại đang cạn kiệt. Đây là một trong những vấn đề đã được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) nêu tại Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023: “Thách thức rất lớn về việc tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh. Đặc biệt, doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn”[6]./.

[1] Tháng 11/2022 có 6.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 60,6% so với tháng 10/2022 (3.903 doanh nghiệp). Trong khi đó, số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 10/2022 giảm 23,7% so với tháng 9/2022 và tháng 9/2022 (5.118 doanh nghiệp) giảm 20,7% so với tháng 8/2022 (6.458 doanh nghiệp).

[2] https://vneconomy.vn/doi-mat-voi-kho-khan-chua-tung-co-cac-doanh-nghiep-de-xuat-loat-giai-phap-thao-go-khan-cap.htm

[3] Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp 11 tháng năm 2020 là 15,1 tỷ đồng.

[4] Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp 11 tháng năm 2019 là 12,4 tỷ đồng.

[5] Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2022 là 104.490 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng 10/2022 (106.916 tỷ đồng), trong khi đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tháng 10/2022 cũng giảm 21,4% so với tháng 9/2022 (136.029 tỷ đồng)

[6] https://vtc.vn/kho-khan-bua-vay-doanh-nghiep-viet-de-xuat-giai-phap-thao-go-ar715199.html


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác