Thứ hai, 00/00/2023
°

Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 - phiên toàn thể cấp cao

Ngày 02/11/2023 - 17:46:00 | 3713 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 - phiên toàn thể cấp cao với chủ đề "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh" được diễn ra chiều ngày 02/11/2023 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu; cùng lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam, các đại sứ, các hiệp hội và doanh nghiệp EU và Việt Nam.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định, đây là thời điểm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam và Hà Lan khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Hai nước có mối quan hệ lâu đời hơn thế, khi các thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An hơn 400 năm trước. Hiện, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam và 60% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đi qua cửa ngõ cảng Rotterdam của Hà Lan.

Thủ tướng Mark Rutte cho rằng, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ và rất ít người tưởng tượng được rằng Việt Nam lại có thể biến những điều như vậy thành hiện thực. Tuy nhiên, cả hai nước đều đang đối mặt những thách thức về môi trường, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các chủ thể liên quan, song trước hết cần có sự đóng góp, vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 44 doanh nghiệp Hà Lan tham gia, cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Hà Lan trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế để xử lý các thách thức toàn cầu. Các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung ứng cần phải tuân thủ các quy định mới của Liên minh châu Âu về sản xuất bền vững; đề nghị các doanh nghiệp Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện điều này, Thủ tướng Mark Rutte nêu rõ.

Thủ tướng Hà Lan chia sẻ "chúng ta có mặt ở diễn đàn này vì chúng ta tin rằng tăng trưởng xanh chính là tương lai của chúng ta và cùng nhau chúng ta có thể biến khát vọng thành hiện thực, để Việt Nam xứng danh với tên gọi mảnh đất của "rồng bay lên", mảnh đất của những cơ hội. Chúng ta có thể cùng hợp tác để Việt Nam và Hà Lan cùng trở thành "rồng xanh", tận dụng mọi cơ hội mới đang diễn ra trước mắt ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: MPI

Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, sau Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2022, các đối tác của Việt Nam và EU đã làm được một số việc. Diễn đàn năm nay tiếp tục khẳng định quyết tâm và sự ủng hộ của châu Âu với sự phát triển xanh của Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam và châu Âu đang rất tốt đẹp, đạt nhiều bước tiến lớn về hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU phục hồi và tăng trưởng tốt bất chấp khó khăn do COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng; tính bổ trợ, đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ, nhất là từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN; EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác tin cậy, quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình; thông tin về các định hướng lớn trong chính sách phát triển, đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam, những nét lớn về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ trường hợp nào.

Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Đơn cử, nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này, Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, do đó Thủ tướng mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu có tiếng nói thúc đẩy các nước EU tiếp tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam…

Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Thủ tướng Hà Lan "coi Đồng bằng sông Cửu Long như là một phần của Hà Lan" và nhấn mạnh, vùng đất này đang đối diện với những nguy cơ đe dọa như sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh kế của 22 triệu người dân. Vùng đất này cũng là nơi chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% lượng thủy sản của Việt Nam.

Thủ tướng mong các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tăng cường đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.

Thủ tướng cũng cho biết thêm, Việt Nam cũng đang tích cực ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy mạnh trồng rừng, triển khai bán tín chỉ carbon, phát triển điện sinh khối…; bày tỏ mong muốn và tin tưởng sau Diễn đàn này, hai bên sẽ tiếp tục hành động và đạt được bước tiến mới trong phát triển kinh tế xanh.

Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 - Phiên họp toàn thể. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, lãnh đạo EU, EuroCham đều đánh giá rất cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao. Các ý kiến cũng đánh giá cao cam kết, nỗ lực và các giải pháp của Việt Nam nhằm hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, như việc tham gia ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có EU.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, Diễn đàn là cơ hội quý để cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp trong thực hiện kinh tế xanh; đồng thời đánh giá cao Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch điện 8, tham gia JETP và những hành động cụ thể của Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong hướng tới thực hiện cam kết ròng bằng 0 vào năm 2050; hiện thực hóa cần chính sách sâu rộng trong triển khai năng lượng xanh.

Eurocham sẽ ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh nhằm đạt hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên và phát triển thịnh vượng. Theo đó, Eurocham sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ, thực hiện các sáng kiến xanh tiên tiến; đồng thời, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những ngành chủ chốt.

Việt Nam đã đạt được những điều kỳ diệu và tiềm năng, dư địa còn lớn, do vậy Việt Nam không những phát triển nhanh, bền vững mà còn dẫn đầu trong khu vực, ông Gabor Fluit bày tỏ tin tưởng.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của EU, có vai trò rất lớn ở khu vực và quốc tế. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hướng tới các mục tiêu đề ra. Ông bày tỏ ấn tượng với những kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua và cho rằng, EU và Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ và có thể nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên có thể biến câu chuyện thành công trong quá trình triển khai thực hiện hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực ô tô, công nghiệp, thực phẩm; sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam, trong đó quan hệ thương mại, đầu tư đóng vai trò quan trọng để hướng tới kinh tế xanh trong tương lai.

Chuyển đổi xanh cũng là lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, giúp cải thiện nguồn cung năng lượng. EU sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về lĩnh vực công nghệ xanh, hỗ trợ xây dựng hạ tầng chống chịu với biến đổi khí hậu, thực hiện dự án chuyển đổi năng lượng xanh.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam để trở thành trung tâm công nghiệp chíp bán dẫn. Việt Nam có vị thế, địa chính trị quan trọng, có tài nguyên phong phú, có nhiều điều kiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp đã thảo luận về năng lượng tái tạo, tài chính xanh, khử carbon và nông nghiệp bền vững; nhấn mạnh cam kết thống nhất của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ và cộng đồng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, rút ngắn hành trình hướng tới nền kinh tế xanh; tập trung đề cập đến các kiến thức thực tế, nghiên cứu điển hình về phát triển bền vững./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác