Thứ hai, 00/00/2023
°

Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06

Ngày 21/12/2023 - 18:32:00 | 2064 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Chiều ngày 21/12/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Tham dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đại diện lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số và các đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Theo báo cáo tình hình, kết quả 02 năm triển khai Đề án 06 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được trình bày tại Hội nghị, trong 02 năm qua, với sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt và sự sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Đề án cơ bản đạt được. Nổi bật như, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu Đề án 06. Niềm tin vào thành công của chuyển đổi số quốc gia được nâng lên.

Cùng với đó, nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được cung cấp, người dân và xã hội được hưởng thụ ngày càng tốt hơn. Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội.

Đối với các cơ quan Nhà nước, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành, địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt; đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hơn 105 triệu dữ liệu được bổ sung, cập nhật thường xuyên đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức công tác chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Do vậy, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để ưu tiên phân bổ cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số và các nhiệm vụ của Đề án 06 và tăng gấp 6 lần so với giai đoạn trước; trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng có bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này. “Đây là nguồn vốn quan trọng để đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến hỗ trợ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 4 văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý, điều chuyển các nguồn lực để bố trí cho các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin, cả nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn ngân sách trung ương. Đồng thời cho biết, các bộ, ngành, địa phương hiện đang có khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn sự nghiệp cho các nhiệm vụ công nghệ thông tin.

Về nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ của Đề án 06 trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông kiến nghị giải pháp đối với nguồn lực đã được bố trí cho các bộ, ngành đầu tư theo hình thức đầu tư công và có nhu cầu được bổ sung thêm; đối với bố trí vốn thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương có thể thuê dịch vụ công nghệ thông tin được quy định rõ tại Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2023 của Chính phủ quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh vốn ngân sách khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin là một trong lĩnh vực được ưu tiên để thực hiện theo phương thức PPP. Do vậy, đối với các dự án quy mô lớn có thể nghiên cứu đầu tư theo PPP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng để triển khai thực hiện, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Thái Nguyên, Hà Giang, Bình Dương; đại diện lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn VNPT; các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế đã phát biểu tham luận về việc triển khai thực hiện Đề án 06; tập trung nêu rõ những kết quả đạt được, những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong triển khai Đề án 06 trong 02 năm qua. Qua đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 về phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), trong đó đưa ra 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị; ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế chủ yếu như chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; Nhiều nhiệm vụ đề ra triển khai còn chậm.

Công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo; Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhiều nơi còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, hạ tầng số, nền tảng số của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chưa chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh về các bài học kinh nghiệm; đồng ý lựa chọn chủ đề của năm 2024 là "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp"; cho rằng, những nhiệm vụ cần phải hoàn thành sắp tới sẽ khó hơn, phức tạp hơn, nhưng càng khó càng phải quyết tâm, khó mấy cũng phải làm, vướng mắc thì tháo gỡ, thách thức phải vượt qua.

Thủ tướng cơ bản nhất trí với các đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của Tổ công tác Đề án 06; nhấn mạnh đến các nhóm nhiệm vụ chủ yếu như về triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024.

Triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, tập trung vào phương án xây dựng, triển khai, tổ chức bộ máy của Trung tâm. Đồng thời, sớm xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, triển khai có hiệu quả để người dân và doanh nghiệp thấy được sự tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác