Thứ hai, 00/00/2023
°

Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác cải cách hành chính

Ngày 09/08/2023 - 18:21:00 | 2099 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 09/8/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác CCHC và một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn tham dự buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có các thành viên trong đoàn công tác là đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh Bắc Giang.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban yêu cầu, thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện của các bộ, ngành phải làm việc với các địa phương được phân công về công tác CCHC. Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, với các lĩnh vực trọng tâm, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tài chính công, đầu tư, đầu tư công; đăng ký kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.

Theo báo cáo về kết quả CCHC của tỉnh Bắc Giang và một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ  Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại buổi làm việc, để đẩy mạnh CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS cấp tỉnh và tổ chuyên gia nhằm triển khai công tác CĐS. Kết quả là, 03 năm liên tiếp tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước về lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; ứng dụng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), duy trì hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, giúp vận hành tốt 6 hệ thống phần mềm dùng chung và các phần mềm chuyên ngành.

Hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai đến 100% các sở, ngành, huyện, xã và kết nối liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Năm 2022, tỉnh đã kết nối chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh.  Đến nay toàn tỉnh có 1948 TTHC, trong đó TTHC 1 cửa liên thông đạt tỷ lệ 92,4%.

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 69%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình đạt 79,99%; người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đạt 100%. Có 59 TTHC giải quyết “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa cấp huyện .

Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Nghị quyết số 01/NQ-CP; ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách TTHC đã từng bước tạo niềm tin về quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Nhờ đó tình hình phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả nổi bật.

Về kết quả thực hiện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể về công tác đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp sau thành lập, năm 2022, tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.684 doanh nghiệp và 154 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với năm 2021, với số vốn đăng ký của các doanh nghiệp là 29.679 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2021. Trong đó có 36 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký là 402 triệu USD. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các TTHC nộp qua mạng đạt 100%. 7 tháng đầu năm 2023, cấp đăng ký thành lập mới cho 1.341 doanh nghiệp và 98 chi nhánh, văn phòng đại diện với số vốn đăng ký là 19.941 tỷ đồng; giải thể: 119 doanh nghiệp - chi nhánh, văn phòng; tạm ngừng 617 doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 14.952 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 164.868 tỷ đồng; trong đó có 14.403 doanh nghiệp trong nước và 549 doanh nghiệp FDI số vốn đăng ký là 4,36 tỷ USD của doanh nghiệp FDI.

UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện quản lý theo chuyên ngành, lĩnh vực phụ trách, thực hiện thanh tra kiểm tra, giám sát việc kinh doanh theo ngành nghề đã đăng ký đặc biệt đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện … trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Hình ảnh tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Giang nêu kiến nghị, đề xuất đối với Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ và bộ, ngành. Theo đó, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp tỉnh thực hiện một số thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, môi trường… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, CCHC, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các thủ tục pháp lý, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chức năng của hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; nâng cao tốc độ truy cập, xử lý trên hệ thống quản lý doanh nghiệp sau đăng ký. Triển khai kết nối hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thuế tự động cập nhật tình trạng giải thể của doanh nghiệp. Đồng thời có giải pháp kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, đăng ký hộ kinh doanh với giải quyết TTHC cấp tỉnh.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan đã cung cấp thêm các thông tin về lĩnh vực quản lý, định hướng trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu về CCHC của Chính phủ; đồng thời làm rõ thêm một số kiến nghị, đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ tích cực, kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ, lãnh đạo Bộ để tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn công tác và cho rằng, qua kết quả làm việc, khảo sát thực tế của đoàn công tác nhằm giúp tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Những năm vừa qua tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này, do vậy các chỉ tiêu, chỉ số đều được chuyển biến; môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư cũng chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang xác định những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có giải pháp nâng cao công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh đặt ra mục tiêu giữ vững trong top 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn đoàn công tác tổng hợp các kiến nghị đề xuất của tỉnh để báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là liên quan đến phân cấp, phân quyền, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tốt trên địa bàn.

Về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ trong thời gian qua; luôn hỗ trợ tích cực, kịp thời và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ, lãnh đạo Bộ nhằm tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận; đánh giá cao các kết quả Bắc Giang đã đạt được trong công tác CCHC. Năm 2022 Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh xếp 04/63 tỉnh, thành (chỉ sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội); đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc về giá trị trung bình Chỉ số CCHC. Trong đó, có một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số (xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố); Cải cách tổ chức bộ máy (xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố); Cải cách thủ tục hành chính (xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh đến tình hình, kết quả triển khai nội dung CCHC tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ của tỉnh Bắc Giang; một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; làm rõ thêm các đề xuất, kiến nghị về đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp; về thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc năm 2023, tình hình giao kế hoạch năm 2023; Tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Tình hình triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực CCHC liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị tỉnh tiếp tục coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong đó chú trọng đến công tác chuyển đổi số, cải cách chế độ công vụ; quan tâm cải cách chỉ số về thể chế, tài chính công; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; sửa đổi thể chế, chế độ công vụ; tiếp tục quan tâm chỉ số cải cách thể chế và cải cách tài chính công; tiếp tục phấn đấu duy trì đứng vị trí thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Liên quan đến công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Thứ trưởng cho rằng, tỉnh có tỷ lệ thành lập cao so với nhiều tỉnh nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể cũng khá cao. Điều này đòi hỏi việc quản lý, hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp sau thành lập nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, cần lựa chọn dự án công nghệ cao, sử dụng ít đất, thân thiện với môi trường; quan tâm phát triển các doanh nghiệp phụ trợ; quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân bảo đảm an toàn vệ sinh, an ninh trật tự để lao động yên tâm làm việc. Về đầu công, đây là động lực cho tăng trưởng và cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, trong đó đẩy mạnh giao vốn chi tiết cho các dự án; xem xét điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao.

Về các kiến nghị, đề xuất đối cụ thể với Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và bộ, ngành, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo đề xuất với Chính phủ có biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới; mong muốn tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác CCHC và tin rằng, Bắc Giang tiếp tục là một trong những tỉnh dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Thứ trưởng Trần Duy Đông và đoàn công tác khảo sát Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: MPI


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác