Thứ hai, 00/00/2023
°

Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 09/01/2024 - 11:25:00 | 915 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 09/01/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng chủ trì Hội thảo có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành; các sở, ngành của thành phố Hà Nội đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay chúng ta cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia, phê duyệt 01 quy hoạch vùng; Hội đồng thẩm định đã thông qua 5 quy hoạch vùng còn lại và đang trong giai đoạn hoàn thiện, trình ký ban hành; đặc biệt đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 52/63 quy hoạch tỉnh.

Nội dung các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được thông qua và phê duyệt đã cơ bản xác định rõ lộ trình phát triển, tổ chức không gian phát triển và hệ thống hạ tầng khung của cả nước trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch được phê duyệt đã đạt được các kết quả nổi bật bước đầu như góp phần đẩy nhanh xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng đường cao tốc và các hạ tầng khung quốc gia và tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023.

Một số địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh đang tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả, thành công, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh, nổi bật như Bắc Giang là tỉnh được phê duyệt quy hoạch đầu tiên của cả nước và có tăng trưởng cao nhất cả nước trong năm 2023; Hà Tĩnh là tỉnh phê duyệt quy hoạch thứ hai và có tăng trưởng cao nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung trong năm 2023; Quảng Ninh là tỉnh phê duyệt quy hoạch thứ ba và có tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2023.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện sự chủ động phối hợp của lãnh đạo Thành phố với quyết tâm cao nhất là huy động trí tuệ, các ý kiến tâm huyết để xây dựng bản quy hoạch chất lượng nhất; đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là cực tăng trưởng của đất nước trong những năm qua. Hiện GRDP của Hà Nội chiếm khoảng 14% của cả nước và liên kết giữa Hà Nội với các địa phương ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được; trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Năm 2011, GRDP chiếm 48% GRDP của Vùng thì đến năm 2022 chiếm 42,2%; Tốc độ tăng trưởng GRDP đang có xu hướng thấp dần so với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể: Năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Thủ đô là ước đạt 6,27%, đứng thứ 9/11 tỉnh/thành phố trong Vùng, sau Quảng Ninh (11,03%), Hải Phòng (10,34%), Hưng Yên (10,05%), Nam Định (10,19%), Hà Nam (9,41%), Hải Dương (8,16%), Thái Bình (7,37%), Ninh Bình (7,27%).

Để bảo đảm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu cùng nhau nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến vào các nội dung chính. Một là, cho ý kiến về việc xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, các khâu đột phá trong phát triển, cơ cấu lại tăng trưởng của vùng Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; các nội dung, nội hàm của quy hoạch đã đủ mạnh và tương xứng với mục tiêu phát triển đầy tham vọng và những vấn đề thách thức đang phải đối mặt và vượt qua; có cần đột phá trong quan điểm phát triển, có cần cách nghĩ, cách làm khác biệt hay chỉ cần các giải pháp cải biến, tiên tiến.

Hai là, xác định các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển trong thời kỳ quy hoạch; bám sát thêm vào những định hướng tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy  hoạch tổng thể quốc gia; liệu mục tiêu và kịch bản phát triển có đủ để Hà Nội là cực tăng trưởng của cả nước như đã xác định tại Nghị quyết số 81.

Ba là, cho ý kiến về việc xác định các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên; định hướng phát triển các ngành công nghiệp xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp văn hóa, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Bốn là, định hướng tổ chức không gian phát triển; các hành lang công nghiệp, đô thị dịch vụ, các tiểu vùng kinh tế; các khu vực khuyến khích, hạn chế phát triển; các cực tăng trưởng để giữ vai trò trung tâm; khả năng kiến tạo không gian sống, làm việc; làm rõ thêm phương án hình thành 5 vùng đô thị; quan tâm đến phát triển sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ và tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, để giảm áp lực, sức ép khu vực nội thành Hà Nội.

Năm là, định hướng phát triển hạ tầng Thủ đô, trong đó vấn đề phát triển hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông; việc đầu tư sân bay thứ 2 tại Phú Xuyên; phát triển hạ tầng số; giải quyết vấn đề ngập úng, ô nhiễm môi trường, khi Hà Nội đang thuộc nhóm thành phố ô nhiễm nhất thế giới; vấn đề an ninh nguồn nước khi nhu cầu sử ngày càng tăng.

Sáu là, định hướng cũng như giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, nhân lực; với lợi thế là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vượt trội so với cả nước nhưng khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tối ưu, chưa có các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đặt các trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội cũng như chưa xác định được Hà Nội là trung tâm phát triển, cung ứng các sản phẩm ra thế giới.

Bảy là, giải pháp về nguồn lực thực hiện, trong đó lưu ý danh mục dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu. Ảnh: MPI

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành đã quan tâm đến công tác Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời cho biết, năm 2023, thành phố Hà Nội triển khai tổ chức xây dựng đồng thời 3 nội dung công việc quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương mang tính chiến lược của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn kiện quan trọng khác.

Về hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định. Nội dung Quy hoạch Thủ đô đã được xây dựng trên cơ sở các triết lý, trụ cột phát triển nhằm hình thành các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn thể hiện khát vọng phát triển Thủ đô trong tương lai.

Để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, Thành phố Hà Nội mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các các chuyên gia, các bộ, ngành tập trung vào 6 nội dung cụ thể: Về kết cấu của Báo cáo: Bổ sung thêm nội dung về “Lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô”. Đây là nội dung ngoài quy định của Luật Quy hoạch, tuy nhiên do Thủ đô Hà Nội có bề dày nghìn năm văn hiến, lịch sử hình thành và phát triển có ảnh hưởng rất lớn đến xác định triết lý, tư duy, tầm nhìn, nội dung quy hoạch Thủ đô.

Về xác định các điểm nghẽn, các thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành Thành phố toàn cầu. Về bảo vệ, khai thác các giá trị của hệ thống sông, hồ, trong đó đặc biệt là sông Hồng, vấn đề hài hòa giữa phòng chống lũ và khai thác các giá trị sông Hồng để phát triển.

Về phân vùng kinh tế - xã hội, phân vùng đô thị, phân vùng liên huyện. Đối với mô hình “Thành phố trực thuộc Thủ đô”: ngoài 2 Thành phố phía Bắc và phía Tây theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, các chuyên gia cho rằng có thể nghiên cứu, phát triển thêm thành phố ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì (thành phố văn hóa - du lịch) và thành phố phía Nam (khu vực Thường Tín, Phú Xuyên).

Các giải pháp để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông các nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng; Về bảo vệ môi trường và các nội dung của Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Theo đó, Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển,  nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 06 mục tiêu về kinh tế; 05 mục tiêu về xã hội; 06 mục tiêu về môi trường; 02 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh; Xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; Xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 06 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể Bảo vệ môi trường; Giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; Kinh tế; Văn hóa xã hội; An ninh, an toàn; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.

Quy hoạch còn xác định 04 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; Đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.

Xác định các ngành, lĩnh vực của Thủ đô phải đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của cách mạng 4.0; phát triển thông minh và kinh tế số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng chuyển đổi số với các trung tâm cơ sở dữ liệu lớn và điều hành thông minh. 

Nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 05 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 05 không gian chú trọng phát triển nhằm khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển, đồng thời có sự liên kết hài hòa giữa các tiểu vùng, giữa các không gian dựa trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế so sánh của các vùng, ưu tiên phát triển một số tiểu vùng mang tính dẫn dắt, chú trọng một số không gian mới để tạo động lực phát triển./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác