Thứ hai, 00/00/2023
°

Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 01/02/2024 - 18:05:00 | 5225 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Chiều ngày 01/02/2024, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định, thông qua quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức tham dự Hội nghị.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định; các chuyên gia phản biện; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Đồng Nai; đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Theo đó, về tự nhiên, tỉnh có diện tích rộng, địa hình cao tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, có nguồn nước ổn định, rất ít khi chịu ảnh hưởng của bão lụt và thiện tai. Đây là cơ hội và tiềm năng sẵn có để tỉnh bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội mang tính ổn định và bền vững.

Về kinh tế, tỉnh Đồng Nai là một tỉnh cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; có nhiều cụm công nghiệp làng nghề truyền thống và hơn 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập đi vào hoạt động ổn định.

Về văn hóa, du lịch, bên cạnh tiềm năng phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, Đồng Nai còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa nhân văn; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, là điều kiện rất lý tưởng cho các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nghiên cứu, khám phá, văn hóa... Đây là một thế mạnh của Đồng Nai so với các địa phương khác trong việc thu hút các nhà đầu tư du lịch.

Ngoài ra, Đồng Nai đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, các dịch vụ tài chính ngân hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, siêu thị, sân golf ... đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh; kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chưa thực sự bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy có tập trung đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực tài chính chưa đủ để đầu tư phát triển, sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học và người lao động nhập cư trên địa bàn dẫn đến khó khăn trong giải quyết an sinh xã hội cho người dân.

Những thách thức, điểm nghẽn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua cần được nhận diện và tập trung xử lý trong bản quy hoạch lần này để tận dụng được thời cơ bứt phá cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo thêm năng lượng để Đồng Nai bứt phá phát triển bền vững trong thời gian tới. Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nêu các nội dung để các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giúp tỉnh nhận diện được rõ hơn các hạn chế và điểm nghẽn trong thời gian qua, cũng như định hướng phát triển của tỉnh, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội đã đề ra trong thời gian tới.

“Quy hoạch tỉnh lần này cần phải xây dựng một mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả và có tính kết nối cao nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có để khơi dậy những động lực tăng trưởng mới cho tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ban, ngành liên quan trong thời gian qua đã rất quan tâm, giúp đỡ tỉnh Đồng Nai trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh là định hướng phát triển toàn diện quan trọng của tỉnh, là cơ sở để điều hành thống nhất, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh cũng sẽ là định hướng, là kim chỉ nam để tỉnh Đồng Nai xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, xuyên suốt quá trình chỉ đạo lập Quy hoạch, tỉnh Đồng Nai xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu phát thải trung tính “Net-Zero” vào năm 2050. Cùng với đó, tỉnh xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả như Quy hoạch tuyến sông Đồng Nai, quy hoạch vùng phụ cận sân bay Biên Hòa và sân bay Long Thành là vùng động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh.

Dự thảo quy hoạch được trình bày tại Hội nghị đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đồng Nai là một nền kinh tế năng động, là động lực tăng trưởng, hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân. Hệ thống đô thị thương mại dịch vụ mới ven sông tạo ra môi trường sông lý tưởng và bền vững; Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và y tế hàng đầu cả nước được triển khai một cách hiệu quả, là nơi phát triển nhân lực chất lượng cao. Công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường được thực hiện xuyên suốt, góp phần đảm bảo các mục tiêu về môi trường; trung tâm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Với tư duy đột phá, phát huy các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế, du lịch vụ dịch vụ gắn với văn hóa tâm linh và đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh bền vững, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “net-zero 2050”

Dự thảo Quy hoạch tỉnh nhấn mạnh năm (05) quan điểm xuyên suốt như sau: Lấy người dân làm trung tâm: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng năng suất, đổi mới sáng tạo hiệu quả; nâng cao chất lượng đời sống, môi trường và phúc lợi xã hội.

Phát triển có chọn lọc: Chiến lược phát triển hướng tới các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hiện đại; dịch vụ tổng hợp, trọng tâm du lịch và logistics dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm động lực quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy thế mạnh, tiềm năng: Tập trung đầu tư các địa phương có tiềm năng và dư địa lớn cần khai thác; lấy sân bay Long Thành làm vùng động lực mới cho phát triển đột phá.

Hướng tới tương lai: Đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.

Phát triển bền vững: Phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội đi kèm với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và đối phó, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu.

5 trụ cột phát triển là: phát triển ngành công nghiệp Đồng Nai hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; Phát triển du lịch đô thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; Nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; Xây dựng sân bay Long Thành là trọng tâm để phát triển thành phố sân bay xứng tầm khu vực; Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu Net-Zero năm 2050.

6 yếu tố hỗ trợ để Đồng Nai phát triển các trụ cột trên là cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; Nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Quản trị & điều hành đồng bộ, hiệu quả; Thể chế, chính sách đột phá.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham gia ý kiến đối với dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai, các đại biểu cho rằng hồ sơ quy hoạch được thực hiện công phu, nghiêm túc, trình bày trực quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu các văn bản liên quan. Nội dung quy hoạch đưa ra được các luận cứ, phản ánh, xác định được mục tiêu quan điểm và giải pháp thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính khả thi. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai được lập và hoàn thiện trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định Đồng Nai thuộc Vùng động lực phía Nam “dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”; đây chính là cơ hội để tỉnh Đồng Nai xác định sứ mệnh của tỉnh.

Các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện cũng đã tập trung cho ý kiến về tính hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch, bao gồm: Sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch tỉnh Đồng Nai.

Đồng thời, cho ý kiến về vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia; Xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của tỉnh trong kỳ quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh; Các ngành ưu tiên và các định hướng mới tạo đột phá phát triển; Tổ chức phân bố không gian của tỉnh trong kỳ quy hoạch; thực hiện quy hoạch; Phân bổ nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cảm ơn các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học đã có ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm đối với quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Đồng thời cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh tiến hành lập quy hoạch theo phương pháp tính hợp nên quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Do vậy, các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành có liên quan là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Đồng Nai tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch với chất lượng tốt nhất.

Ông Võ Tấn Đức mong muốn thông qua quy hoạch nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế để phát triển hơn nữa, đóng góp chung vào sự  phát triển của đất nước với tinh thần kết nối, hội nhập, cất cánh. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Sau thời gian làm việc khẩn trương nghiêm túc, Hội đồng đã hoàn thành các nội dung đề ra và tiến hành biểu quyết thông qua quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Hồ sơ quy hoạch được triển khai đúng quy định, thực hiện nghiêm túc quá trình lập quy hoạch. Nội dung quy hoạch đã thể hiện khá rõ nét về khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch tỉnh đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến bằng văn bản; chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác