Thứ hai, 00/00/2023
°

Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Ngày 29/02/2024 - 17:03:00 | 948 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2023 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thẳt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII); Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết này quy định về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố.

Các nội dung của chính sách trong đề cương dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 34 chính sách cụ thể, bao gồm: Nhóm 1: Chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng (08 chính sách). Nhóm 2: Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách), bao gồm: (1) Chính sách về quản lý đầu tư (04 chính sách); (2) Chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan (05 chính sách); (3) Chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (06 chính sách); (4) Chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược (01 chính sách); (5) Chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (08 chính sách); (6) Chính sách về tiền lương, thu nhập (02 chính sách).

Cụ thể, về chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, mục tiêu nhằm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố theo hướng năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp của thành phố và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn thành phố; phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang đô thị hóa; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại; Góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Chính sách về thẩm quyền của HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định biên chế cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã quy định thẩm quyền của HĐND thành phố căn cứ loại đơn vị hành chính cấp xã, quy mô dân số và diện tích tự nhiên tăng thêm của đơn vị hành chính cấp xã để quyết định biên chế cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã (đảm bảo thực hiện theo khung quy định của Chính phủ tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP) để làm cơ cở thực hiện thống nhất liên thông trong quản lý cán bộ, công chức, thuận tiện trong bố trí điều động, biệt phái, luân chuyển cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị (giữa quận, huyện và phường, xã; giữa cán bộ, công chức của khối Đảng, Đoàn thể sang Chính quyền) việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức được liên thông, đồng bộ và đảm bảo chế độ, chính sách tương đồng đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm áp dụng từ 01/7/2024.

Chính sách Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Đà Nẵng theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở 2 cấp thành phố, trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận..., việc xem xét Ban của HĐND có 01 Ủy viên chuyên trách là rất cần thiết, có cơ sở và phù hợp tình hình phát triển trong điều kiện mới tại thành phố Đà Nẵng và phải được điều chỉnh bằng Nghị quyết của Quốc hội.

Chính sách về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận nhằm đảm bảo số lượng phòng chuyên môn của mỗi quận không vượt quá số lượng tối đa cơ quan chuyên môn theo quy định của Chính phủ; đảm bảo quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân quận.

Chính sách về thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ đối với cán bộ phường và cán bộ, công chức xã nhằm thống nhất việc bầu tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã và cán bộ phường thực hiện theo quy định về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và thuộc biên chế công chức cấp huyện được giao hằng năm. Thống nhất trong các quy định pháp luật về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, kỷ luật, khen thưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; không phân biệt giữa cán bộ, công chức cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã để tạo sự liên thông, đồng bộ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và bố trí nguồn lực nhân sự phục vụ công tác xây dựng, tham mưu quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Chính sách về thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng nhằm phát huy hơn nữa các hiệu quả đạt được từ mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm, thông qua các kết quả hoạt động trong thời gian gần 06 năm qua nhận thấy việc thành lập Sở An toàn thực phẩm mang tính tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Thông qua việc thành lập một cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tạo điều kiện nhằm phát huy tối đa các hiệu quả mà mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã đạt được và khắc phục những hạn chế về mặt pháp lý của mô hình Ban Quản lý (do là một mô hình thí điểm nên chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật vì vậy trong quá trình hoạt động đã gặp một số vướng mắc về pháp lý: thẩm quyền thanh tra, ra quyết định xử phạt). Việc hình thành Sở An toàn thực phẩm sẽ đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo trong bộ máy chính quyền địa phương đồng thời giải quyết những khó khăn trong quá trình hoạt động của mô hình thí điểm Ban.

Chính sách về thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành nằm đảm bảo các nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định của HĐND quận trước đây tại các văn bản quy phạm pháp luật được quy định để khi thực hiện chính quyền đô thị, các địa phương có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện đặc biệt là các nhiệm vụ phức tạp liên quan đến quy hoạch, quản lý đất đai...

Chính sách về việc bãi bỏ văn bản của HĐND quận, phường và UBND phường ban hành trước ngày 01/7/2021 nhằm đảm bảo quy định rõ về thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND quận, phường và văn bản của UBND phường ban hành trước ngày 01/7/2021, đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện trong thực tiễn.

Về nhóm các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm (26 chính sách) gồm: Thí điểm tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thí điểm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao và văn hóa, hạ tầng thương mại (chợ, trung tâm hội chợ triển lãm); thí điểm cơ chế đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; thí điểm chính sách về nợ chính quyền địa phương; thí điểm cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện Chính quyền đô thị tại Ủy ban nhân dân quận, phường; thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu với một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho thành phố Đà Nẵng; Thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng; Thí điểm cơ chế cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và rút gọn các bước lập quy hoạch nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch.

Thí điểm điều kiện chung cho phép đầu tư và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do nhà nước quản lý; thí điểm cơ chế “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Thành phố Đà Nẵng; Thí điểm việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất của một số dự án tại Thành phố; Thí điểm bổ sung dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm: trung tâm, khu hậu cần dịch vụ logistics… vào danh mục dự án thu hồi đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư; thí điểm các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố Đà Nẵng; Các chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Chính sách về tiền lương, thu nhập.

Dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác