Thứ hai, 00/00/2023
°

Vai trò của FDI trong bối cảnh mới

Ngày 19/03/2024 - 12:13:00 | 716 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra sáng ngày 19/3/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước: Anh Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore và đại diện một số nhà đầu tư nước ngoài lớn như Samsung Việt Nam, Bosch Việt Nam và Intel Việt Nam đã đưa ra các tham vấn chính sách và khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Các doanh nghiệp tin tưởng và lạc quan với sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong 50 năm qua. Quan hệ đối tác chiến lược đã tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy sự hợp tác vì lợi ích chung cho cả hiện tại và thế hệ mai sau. Nhân dịp này, BritCham cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành Việt Nam về các cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Ông Denzel Eades cho biết, phát triển bền vững vô cùng quan trọng trong tiến trình triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), do đó việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế tuần hoàn sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng. Khu vực tư nhân Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Việc phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Nhóm Công tác Anh - Việt Nam là một sáng kiến quan trọng. Việt Nam cần nâng cao năng lực và điều kiện hoạt động dịch vụ tài chính cũng như có các chính sách thuận lợi về kế toán, thuế, chứng khoán, ngân hàng.

Ngoài ra, BritCham sẵn sàng và mong muốn chung tay trong tiến trình cải cách hành chính tại Việt Nam để cùng tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, đơn giản hóa hoạt động cấp phép kinh doanh thương mại và lược bỏ quy định giấy tờ nước ngoài để giải quyết các thách thức pháp lý, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

“Các doanh nghiệp Vương quốc Anh rất tin tưởng và lạc quan về việc đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực cũng như mong muốn mở rộng đầu tư tại đây. Chúng tôi hy vọng Chính phủ đảm bảo hoạch định chính sách mạnh mẽ và nhất quán nhằm thúc đẩy một môi trường nơi các doanh nghiệp có thể hoạt động và phát triển một cách tự tin”, ông Denzel Eades nhấn mạnh.

Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) chia sẻ, năm 2014 đánh dấu mốc kỷ niệm 30 năm AmCham hiện diện tại Việt Nam và khởi đầu mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ. Các thành viên AmCham đã có các dự án đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, thu hút hàng chục nghìn lao động trực tiếp, hàng trăm nghìn nhân viên gián tiếp và đóng góp một phần đáng kể trong xuất khẩu và nguồn thu thuế của Việt Nam.

AmCham nhận định rằng, giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, khai thác đủ tiềm năng của nền kinh tế số, thúc đẩy đầu tư bền vững và thúc đẩy cung ứng chuỗi tài chính là những yếu tố quan trọng nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh bền vững, lành mạnh. Ngoài ra, tạo môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại.

Ông Joseph Uddo đã nêu lên một số khó khăn mà doanh nghiệp thành viên gặp phải trong thủ tục hành chính và nguồn cung ứng điện và cho biết, AmCham rất hoan nghênh việc Chính phủ tập trung vào tăng trưởng chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư và sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo.

“Chúng tôi hoan nghênh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong nỗ lực nâng cấp vị thế của thị trường vốn Việt Nam lên “Thị trường mới nổi” so với “Thị trường cận biên” cũng như các biện pháp, hành động mạnh mẽ như các biện pháp tăng năng suất, dỡ bỏ rào cản kỹ thuật và điều kiện kinh doanh, giảm thiểu chi phí không cần thiết.”

AmCham luôn mong muốn tiếp tục đóng góp trong việc cải thiện, xây dựng khung chính sách và thực hiện các giải pháp, đồng thời sẽ không ngừng ủng hộ cho sự tăng trưởng và sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Đảm bảo môi trường hấp dẫn

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã đưa ra kiến nghị rằng, cần có các ưu đãi mới để thu hút các nhà đầu tư sau khi Việt Nam chính thức áp dụng thuế tối thiếu thiểu toàn cầu, cụ thể trong việc xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Ông Hong Sun cũng hoanh nghênh các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các khó khăn về vấn đề cung cấp điện và cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ; đưa ra một số kiến nghị cụ thể liên quan đến dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, thủ tục phê duyệt giao dịch M&A… 

“KoCham tin rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và hy vọng các kiến nghị tại Diễn đàn sẽ được cân nhắc một cách tích cực”, ông Hong Sun chia sẻ.

Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đó, JCCI cam kết hỗ trợ đầy đủ cho mục tiêu giảm phát thải carbon của Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2050.

Nhật Bản sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng “thực tế” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Quá trình hợp tác này dựa trên khái niệm AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á). Cùng với AZEC, khu vực tư nhân Nhật Bản cũng sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh thông qua công nghệ giảm phát thải cacbon, đầu tư và tài chính tại Việt Nam.

Để nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững, JCCI đưa ra ba khuyến nghị chính, bao gồm việc sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực; đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện VIII; đảm bảo môi trường hấp dẫn, “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, JCCI cũng đã nêu lên một số vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính và bày tỏ hy vọng, Chính phủ Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác.

Năm 2024 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam - Nhật Bản hợp tác theo khuôn khổ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. JCCI cam kết tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác vì sự phát triển mạnh mẽ và năng động của cả hai nước.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao Việt Nam vẫn đang tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trên thế giới và EuroCham hân hạnh được là đối tác tận tâm trong hành trình này. Ưu tiên hàng đầu của EuroCham là thúc đẩy các chiến lược tăng trưởng xanh, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam. EuroCham ủng hộ cách tiếp cận toàn diện để tăng hiệu quả, áp dụng năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư tư nhân để hiện đại hóa mạng lưới điện.

Ông Gabor Fluit cũng một số lưu ý về chính sách tài khóa, tận dụng cơ hội của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam, gợi mở một số chính sách để Việt Nam cải thiện bối cảnh kinh doanh, củng cố sứ mệnh chung hướng tới một Việt Nam xanh hơn.

Đại diện các Thành viên Liên kết, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đánh giá cao các sáng kiến của Chính phủ trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và tăng trưởng xanh. Ông Seck Yee Chung cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa, đảm bảo tính nhất quán trong các thủ tục cấp phép và đảm bảo hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đồng thời cũng đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư, như có hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao; phát triển điện toán đám mây, thực hiện hồ sơ điện tử; thúc đẩy nền kinh tế số; hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai, bất động sản; các cơ chế về phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cho các doanh nghiệp FDI.

Các thành viên liên kết luôn mong muốn đầu tư tại Việt Nam cũng như sát cánh cùng Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh để mang tới lợi ích thuận lợi nhất cho cả hai bên, ông Seck Yee Chung nhấn mạnh.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Chính phủ Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp FDI và đưa ra các giải pháp kịp thời để giúp doanh nghiệp được đảm bảo hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như giải quyết vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.

Samsung luôn mong muốn đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam bằng cách mở rộng đầu tư, tăng trưởng doanh thu qua các năm, tăng cường tuyển dụng nhân sự Việt Nam và thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực.

Ông Choi Joo Ho cho biết, Samsung đã đầu tư bổ sung thêm 1,2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2023, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 22 tỷ USD và cũng sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đa dạng cho các doanh nghiệp FDI. Liên quan Quỹ hỗ trợ đầu tư dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh và sạch hơn của Việt Nam; là nền tảng để doanh nghiệp củng cố lòng tin vào Chính phủ.

Samsung cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam có cơ chế thử nghiệm để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, ESG và đảm bảo tính nhất quán về chính sách và thủ tục hành chính.

“Là một nhà đầu tư dài hạn và lâu dài tại Việt Nam, Samsung luôn mong muốn hợp tác, sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam để thực hiện các hoạt động đầu tư cũng như đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết, với 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Bosch luôn tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng. Bosch luôn đặt trọng tâm phát triển nguồn nhân lực và sẵn sàng hoan nghênh phát triển nguồn lực trong bán dẫn, thiết kế chip.

Ông Dominik Meichle đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, cụ thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để thực hiện hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; hy vọng Chính phủ tiếp tục có vai trò tiên phong trong kết nối các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu để có thêm các hoạt động hợp tác cụ thể.

Bosch Việt Nam bày tỏ hy vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện sự minh bạch trong các thủ tục hành chính, quy định về nhập khẩu hàng hóa, cấp phép,… để tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel Việt Nam cho biết, bán dẫn là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Intel có mặt tại thị trường Việt Nam trong hơn 17 năm quan và sẽ cam kết đầu tư lâu dài, mở rộng và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Intel cũng hy vọng sẽ đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền của Việt Nam thông qua cùng Chính phủ thực hiện cam kết net-zero và phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Intel đã có cơ hội tham gia trong các chương trình để đưa ra ý kiến trực tiếp trong xây dựng Đề án Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường đã có những phản hồi đối với vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp nêu; khẳng định sẽ luôn lắng nghe để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hướng tới lợi ích lâu dài, hài hòa giữa Chính phủ, người dân và doanh nghiệp./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác