Thứ hai, 00/00/2023
°

Sửa đổi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025

Ngày 17/04/2024 - 17:02:00 | 145 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành đến nay được hơn hai năm. Tổng hợp tình hình thực hiện cho thấy, việc ban hành Quyết định đã góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện sắp xếp lại khối DNNN giai đoạn 2021-2025 theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số Bộ, địa phương còn gặp phải một số vướng mắc, lúng túng cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể, tại khoản 1 Mục III Phụ lục Tiêu chí phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn ban hành kèm theo Quyết định quy định: Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 7 Quyết định quy định: “Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi sở hữu, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì không thực hiện tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với Tiêu chí phân loại kèm theo Quyết định này, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc pháp luật chuyên ngành quy định khác.”

Ngày 24/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2022/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, trong đó khoản 3 Điều 5 quy định các hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch: “… b) Giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; …”.

Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa và Nhà nước đang nắm giữ cổ phần. Do đó, các địa phương kiến nghị sửa đổi quy định tại Quyết định để đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP.

Tại khoản 3 Điều 4 Quyết định quy định: “3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bằng văn bản cá biệt đối với các trường hợp không thực hiện được theo Quyết định này”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện một số cơ quan có ý kiến chưa rõ đối tượng các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không thực hiện được theo Quyết định, chỉ bao gồm các doanh nghiệp cấp 1 hay cả các doanh nghiệp cấp 2 là công ty con của công ty mẹ do cơ quan chủ sở hữu quyết định thành lập và giao quản lý.

Nhằm đẩy mạnh phân cấp, trao quyền hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và thống nhất cách hiểu, quy trình áp dụng nội dung quy định này thì cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng: Nêu rõ từng đối tượng doanh nghiệp mà cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp không thực hiện được theo Quyết định này. Cụ thể bao gồm: DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ; Nêu rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc xem xét, quyết định việc không thực hiện sắp xếp được theo Quyết định.

Tại Điểm b khoản 1 Điều 5 Quyết định quy định: “Công ty mẹ quyết định nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp...”. Trong thực tế triển khai, cụm từ “quyết định” khiến một số cơ quan, doanh nghiệp hiểu là thẩm quyền thuộc Công ty mẹ là chưa phù hợp với quy định tại khoản 5 Quyết định số 360/QĐ-TTg.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần sửa đổi, bổ sung chuẩn xác lại nội dung này trong Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định đảm bảo có cách hiểu thống nhất trong quá trình thực hiện.

Đồng thời dự thảo Quyết định cũng dự kiến bổ sung quy định đối với trường hợp sắp xếp các doanh nghiệp cấp 2 có vốn góp của Công ty mẹ nắm giữ từ dưới 50% vốn điều lệ trở xuống để các cơ quan có căn cứ triển khai thực hiện thống nhất.

Căn cứ các nội dung nêu trên, để xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định, đẩy nhanh tiến thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn đến hết năm 2025, việc sửa đổi, bổ sung Quyết định là cần thiết, phù hợp với quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, UBND địa phương và nội dung tổng hợp trong quá trình làm việc với DNNN và một số cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Quyết định bao gồm 02 Điều: Điều 1 quy định những nội dung sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.

Dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư (http://www.mpi.gov.vn) để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác