Thứ hai, 00/00/2023
°

Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Ngày 17/04/2024 - 18:05:00 | 294 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Chiều ngày 17/4/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có điểm đầu giao với đường QL14 hiện hữu tại km 1915+900 (Km 1796+800 lý trình cao tốc đường Hồ Chí Minh) thuộc tỉnh Đắk Nông. Điểm cuối giao với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án: Quốc hội. Cấp quyết định đầu tư dự án: Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: UBND tỉnh Bình Phước. Quy mô Dự án 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với chiều rộng mặt đường 24,75 m, riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài, Bình Phước có chiều rộng mặt đường 25,5 m.

Sau khi Dự án được đầu tư sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo nghị quyết và quy hoạch (quy hoạch xây dựng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/02/2014; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 cùa Bộ chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021;...); kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước; giải quyết các hạn chế về vận tải mà các tuyến quốc lộ không thể khắc phục.

Tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết và bày tỏ ủng hộ về mặt chủ trương đầu tư dự án này bởi dự án có ý nghĩa chiến lược giúp kết nối khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh đến các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Tham gia ý kiến, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu để đồng bộ và thống nhất.

Về kế hoạch vốn, Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai dự án. Đồng thời, việc kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 chỉ là việc chuyển nguồn giải ngân từ năm trước sang năm sau, không ảnh hưởng tới kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, tạo thuận lợi cho dự án được thực hiện liên tục, không bị ngắt quãng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và có tác động lan tỏa nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng. Dự án được đầu tư sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; đồng thời, tạo điều kiện để hai tỉnh Bình Phước, Đắk Nông phát triển hạ tầng giao thông kết nối, liên kết vùng cũng như tạo tiềm lực, cơ hội để các địa phương phát triển hơn trong thời gian tới./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác