Thứ hai, 00/00/2023
°

Quy định về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

Ngày 22/04/2024 - 15:35:00 | 56 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Ngày 19/4/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BKHĐT quy định về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Thông tư này quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo Thông tư, chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 12 cả Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà đầu tư trên Hệ thống là 330.000 đồng cho 01 năm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhà đầu tư nộp chi phí này kể từ năm thứ hai trở đi sau năm đăng ký tham gia Hệ thống. Chi phí nộp hồ sơ dự thầu trên Hệ thống thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 12 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Chi phí đối với nhà thầu trúng thầu của gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường áp dụng đấu thầu qua mạng thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 11 Điều 12 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Chi phí kết nối chức năng bảo lãnh dự thầu điện tử giữa Hệ thống với các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 12 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Đối với chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống: Chi phí được nộp trước ngày 01 tháng 4 hằng năm (trừ năm thực hiện đăng ký trên Hệ thống); trường hợp trạng thái tài khoản của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống là tạm ngừng trong toàn bộ năm (tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó) thì nhà thầu, nhà đầu tư không phải nộp chi phí này. Đối với năm 2024, thời hạn nộp chi phí là trước ngày 01/7/2024. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư nộp chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên Hệ thống cho nhiều năm (tối đa là 05 năm) thì chi phí này được khấu trừ tương ứng theo từng năm; trong thời gian đó, trường hợp trạng thái tài khoản của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống là tạm ngừng trong toàn bộ năm (tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm tạm ngừng) thì chi phí còn lại được bảo lưu và được tự động khấu trừ cho các năm tiếp theo sau khi nhà thầu, nhà đầu tư được khôi phục tài khoản trên Hệ thống; Trường hợp nhà thầu đồng thời là nhà đầu tư thì chỉ phải nộp chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực trên Hệ thống với tư cách là nhà thầu.

Đối với chi phí nộp hồ sơ dự thầu, thời hạn nộp tối đa là 14 ngày kể từ ngày mở thầu. Đối với chi phí nhà thầu trúng thầu, thời hạn nộp tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống. Trường hợp trúng thầu nhưng không ký hợp đồng thì nhà thầu có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia và Doanh nghiệp Dự án e-GP trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống để Doanh nghiệp Dự án e-GP hoàn trả chi phí này cho nhà thầu.

Cục Quản lý đấu thầu có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch thu và kế hoạch chi hằng năm của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (trong trường hợp Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia chưa thành lập Hội đồng quản lý) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 của Thông tư này. Quyết toán thu, chi của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 của Thông tư.

Trách nhiệm của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia là thông báo công khai trên Hệ thống phương thức thu, đối tượng và mức thu. Thông báo công khai trên Hệ thống các thông tin về Doanh nghiệp Dự án e-GP, thời điểm Doanh nghiệp Dự án e-GP bắt đầu thu chi phí, số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh. Kiểm tra, giám sát dữ liệu thu đối với khoản thu chi phí của Doanh nghiệp Dự án e-GP trên Hệ thống, đảm bảo hoạt động thu đúng quy định, báo cáo kịp thời các vi phạm và đề xuất cách thức xử lý; Tổ chức thu chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này; Quản lý, sử dụng khoản thu chi phí theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

Trách nhiệm của Doanh nghiệp Dự án e-GP tuân thủ việc thu chi phí theo quy định pháp luật; Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu về các khoản thu chi phí theo yêu cầu của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia.

Nhà thầu, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp chi phí quy định tại Điều 6 của Thông tư này. Hết thời hạn thanh toán chi phí theo quy định mà nhà thầu, nhà đầu tư không thanh toán chi phí thì tài khoản của nhà thầu, nhà đầu tư bị chuyển sang trạng thái tạm ngừng và nhà thầu, nhà đầu tư không được thực hiện các giao dịch liên quan trên Hệ thống cho đến khi hoàn thành trách nhiệm thanh toán chi phí theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/4/2024, khi đó Thông tư số 06/2021/TT-BKHĐT ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí về đăng ký, đăng tải thông tin, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu hết hiệu lực thi hành./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác