Thứ hai, 00/00/2023
°

Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Ngày 02/04/2024 - 10:55:00 | 870 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 30/3/2024 về đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo đó, Chính phủ quyết nghị thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội.

Tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nằng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật như phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố xuống phường theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường, giảm khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội còn chậm so với kế hoạch, một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm. Bối cảnh thực tế hiện nay thành phố cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 06 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách mới, nhằm khắc phục những thách thức mới đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới là cần thiết.

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2023 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thẳt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII); Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết này sẽ quy định về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố.

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành còn hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đề cương dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, nhóm 1 quy định các chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng. Nhóm 2 quy định về các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm, bao gồm: Chính sách về quản lý đầu tư; Chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan; Chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; Chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; Chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Chính sách về tiền lương, thu nhập./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng việt có dấu.
Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Tin khác