(MPI) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Mục đích của Chương trình là tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 41-NQ/TW; thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
Đồng thời, xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 41-NQ/TW.
Thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh
Mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đạt khoảng 10%.
Khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ.
Có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thể mạnh của đất nước.
Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nâng cấp cổng Thông tin doanh nghiệp để cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp hiệu quả.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: đôn đốc, theo dõi, xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/ 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đề xuất các giải pháp đẩy mạnh triển khai Nghị quyết trong thời gian tới, đồng thời điều chỉnh theo hướng kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất kinh doanh; trình Chính phủ trong năm 2025.
Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023 và đẩy mạnh triển khai Luật Hợp tác xã nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; đẩy mạnh triển khai Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 và tiến hành tổng kết, đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn mới.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; trình Chính phủ trong năm 2024.
Đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn; trình Chính phủ trong năm 2024.
Đánh giá việc thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh và các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.
Nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; trình Chính phủ trong năm 2024.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, đẩy mạnh các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động xã hội, doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nhân dân tộc thiểu số; trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2026.
Thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2026 - 2030 nhằm khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các nội dung về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị doanh nghiệp thông minh, hiện đại, xu hướng kinh doanh mới, các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” để hình thành lực lượng doanh nghiệp dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.
Phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo lập lực lượng doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, có tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo, có đạo đức và văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội; từng bước đưa đội ngũ doanh nhân Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới; trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án nghiên cứu khung pháp luật đối với hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; trình Chính phủ trong năm 2024.
Nghiên cứu bộ công cụ đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp ở các địa phương.
Thứ tư, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ năm, tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó tham gia sâu và làm chủ nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế.
Thứ sáu, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư