Thứ hai, 00/00/2023
°

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đột phá - Tiên phong - Liên kết

Ngày 05/05/2024 - 09:39:00 | 163 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Ngày 05/5/2024, tại tỉnh Tây Ninh đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024.

Vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước

Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, Vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh "rực rỡ tên Vàng" - trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp; việc triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

Một số công trình trọng điểm xây dựng còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra. Khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, cốt lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt là khi xảy ra dịch bệnh bất thường. Phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội nhưng chưa được cải thiện. Chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong Vùng chậm được thu hẹp. Liên kết nội vùng và liên vùng có mặt còn hình thức, thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch luôn được coi là công cụ định hình không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất để từ đó Nhà nước chủ động dẫn dắt sự phát triển, thúc đẩy đầu tư phát triển theo quy hoạch. Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch và để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển của vùng thời kỳ trước, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được lập theo cách tiếp cận tổng hợp, có sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức và hành động của các ngành, các địa phương theo hướng chú trọng chủ động phối hợp trong quá trình xây dựng quy hoạch và tăng cường liên kết phát triển trên cơ sở thực hiện thống nhất chu trình Chiến lược - Quy hoạch - Kế hoạch - Đầu tư nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương. Nội dung quy hoạch tập trung vào sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động phát triển, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bức tranh toàn cảnh về thời cơ mới và vận hội mới của vùng Đông Nam Bộ được thể hiện trong những nội dung chính của quy hoạch.

Đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá

Quy hoạch thể hiện tính đột phá. Thứ nhất, đột phá về tư duy phát triển, theo đó vùng Đông Nam Bộ phải trở thành vùng đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác.

Thứ hai, đột phá về tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, bao gồm các liên kết đa chiều cạnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội, chuỗi liên kết kinh tế ngành, bảo việc môi trường, khai thác tài nguyên… để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

Thứ ba, đột phá về huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, bao gồm: Các tuyến cao tốc hướng tâm, khép kín vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; đẩy nhanh triển khai các tuyến đường sắt quan trọng, nhất là đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng biển quốc tế; có cơ chế đặc thù để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tạo thành cụm cảng trung chuyển quốc tế lớn có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á; Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; tập trung đầu tư dự án chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số…

Thứ tư, đột phá về tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á và phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.

Thứ năm, đột phá về cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tạo đột phá trong phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; Trung tâm tài chính quốc tế; dịch vụ logistics tại các cảng biển, cảng hàng không trung chuyển quốc tế.

Tập trung ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo vào việc phát triên kinh tế số, chuyển đổi số; hình thành các khu công nghệ cao, công viên phần mềm, phát triển mạnh hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo; mở rộng khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn và Trung tâm chuyển đổi số vùng.

Những điểm đột phá trên là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn tới, cần được thực hiện với sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù mà sẽ được tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Tiên phong

Đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được xây dựng dựa trên quan điểm xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác. Phát triển vùng Đông Nam Bộ bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia; đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng

Theo quy hoạch, các hành lang kinh tế, các vùng động lực được hoạch định rõ ràng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa bàn thuận lợi.

Các hành lang kinh tế (HLKT): HLKT Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến Thành phố Hồ Chí Minh); HLKT Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu; Vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; HLKT Tây Nguyên - Đông Nam Bộ; HLKT theo Quốc lộ 13 từ TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; HLKT Tây Ninh - Bình Dương.

06 hành lang kinh tế đảm bảo kết nối với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Phát triển khu vực dọc theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở thành hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối không gian đô thị và phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch liên tỉnh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan.

Việc tổ chức hệ thống đô thị gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn; đảm bảo gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển. Quản lý, khai thác hiệu quả không gian ngầm; từng bước liên kết các đô thị lớn qua không gian ngầm, nhất là tại khu vực Tiểu vùng trung tâm; gắn phát triển hạ tầng ngầm với phát triển các loại hình chức năng thương mại, dịch vụ, công cộng đô thị.

Thông qua quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh khăng khít hơn, qua đó góp phần khắc phục được tình trạng quy hoạch phát triển cục bộ, cát cứ theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.

Toàn bộ Hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được chuyển giao cho địa phương và thông tin công khai tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác